Gần 1 năm qua, các bác sĩ Khoa Ngoại cột sống, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Khánh Hòa đã sáng tạo ra phương pháp dùng thước đo trong lúc phẫu thuật xác định điểm vào lý tưởng để đặt vít chân cung trong điều trị bệnh lý cột sống cổ. Phương pháp trên đạt độ chính xác hơn 94%, được áp dụng đầu tiên ở Việt Nam, mở ra cơ hội cứu sống nhiều bệnh nhân (BN) với chi phí thấp.

Tháng 5, anh Nguyễn Trọng T. (30 tuổi, phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa) bị tai nạn giao thông và nhập viện trong tình trạng chấn thương nặng cột sống cổ, phải phẫu thuật. Các bác sĩ Khoa Ngoại cột sống đã áp dụng phương pháp dùng thước đo lấy chính xác điểm vào và góc của vít để đặt vít chân cung cột sống cổ, nhằm cố định các chỗ gãy cột sống. Hiện tại, sức khỏe anh T. đã ổn định, đang tập vật lý trị liệu để phục hồi các chức năng của cột sống cổ.

Mới đây, ông Trần Văn L. (phường Cam Nghĩa, TP. Cam Ranh) bị tai nạn lao động làm gãy trật đốt sống cổ. Trong phẫu thuật cấp cứu, BN được các bác sĩ BVĐK tỉnh ứng dụng phương pháp trên. Hiện nay, BN đã hồi phục và đi làm trở lại. 

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

 
Bác sĩ Trần Hoàng Mạnh – Trưởng khoa Ngoại cột sống, BVĐK tỉnh, tác giả của phương pháp trên cho biết, đặt vít chân cung cột sống cổ là phương pháp cố định cột sống cổ vững chắc nhất, mang lại hiệu quả cao trong điều trị, nhất là những trường hợp bị gãy trật, còng, vẹo biến dạng cột sống cổ nặng. Nếu không áp dụng phương pháp này, BN phải trải qua hai cuộc phẫu thuật phía trước và phía sau mới cố định vững chắc cột sống cổ. Như vậy, ca mổ rất nặng nề, tốn kém và tăng nguy cơ tai biến cho BN.

Bác sĩ Trần Hoàng Mạnh giới thiệu phương pháp trên tại Nhật Bản

Bác sĩ Trần Hoàng Mạnh giới thiệu phương pháp trên tại Nhật Bản

Bác sĩ Trần Hoàng Mạnh – Trưởng khoa Ngoại cột sống, BVĐK tỉnh: Cột sống cổ tuy chỉ có 7 đốt xương sống nhưng lại là đoạn cột sống quan trọng nhất. Chấn thương vùng cột sống cổ do nhiều nguyên nhân khác nhau, thường do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt, tai nạn thể thao… Hậu quả của chấn thương vùng cột sống cổ rất nặng nề, BN có thể bị liệt vận động, mất cảm giác tứ chi, bí tiểu. Ngoài ra, BN còn có thể bị suy hô hấp, viêm phổi, xẹp phổi, loét da, teo cơ và rất nhiều biến chứng khác. Tỷ lệ tử vong ở các trường hợp có tổn thương tủy cổ hoàn toàn, liệt tứ chi rất cao.

Được biết, hiện nay, ở các nước tiên tiến có ứng dụng hệ thống định vị bằng máy hay hệ thống khuôn đúc nhằm xác định được chính xác điểm vào và góc của vít chân cung, giúp bắt vít với tỷ lệ chính xác gần như tuyệt đối. Tuy nhiên, các hệ thống hỗ trợ này rất đắt tiền và cách sử dụng phức tạp nên chưa áp dụng ở Việt Nam. “Với điều kiện kinh tế hiện nay của các bệnh viện tuyến tỉnh rất khó áp dụng những phương pháp tiên tiến trên. Vì thế, chúng tôi sáng tạo kỹ thuật dùng thước đo trong lúc phẫu thuật để xác định điểm vào và góc lý tưởng để đặt vít chân cung cột sống. Phương pháp này khá đơn giản và dễ áp dụng, giúp phẫu thuật viên xác định chính xác vị trí cần bắt vít mà không cần trang bị những phương tiện đắt tiền; đồng thời giúp BN được điều trị tốt nhất, tránh các tai biến xảy ra và giảm được nhiều chi phí”, bác sĩ Mạnh chia sẻ.

Phương pháp này được Khoa Ngoại cột sống áp dụng từ tháng 11-2016, đã điều trị cho 11 BN. Có 52 vít chân cung đã được đặt, tỷ lệ chính xác vít nằm trong chân cung đạt 94,2%. Với những thành công trên, phương pháp mới này đã được báo cáo tại hội nghị nghiên cứu cột sống cổ Á Châu Thái Bình Dương tổ chức tại Kobe, Nhật Bản (tháng 3-2017) và sẽ được báo cáo tại hội nghị chấn thương chỉnh hình Hàn Quốc diễn ra tại Seoul trong tháng 10. Phương pháp trên đã đạt giải nhì ở Hội thi Sáng tạo Khoa học – Kỹ thuật tỉnh lần thứ VII, năm 2016 – 2017.

Việc sáng tạo và ứng dụng thành công dùng thước đo khi  phẫu thuật đặt vít chân cung cột sống cổ của BVĐK tỉnh đã giúp cho các bác sĩ phẫu thuật trong và ngoài nước có thêm một phương pháp mới, điều trị hữu hiệu cho các trường hợp bệnh lý hay chấn thương cột sống cổ phức tạp.

Cát Đan

Theo: Báo Khánh Hòa