Để chủ động ứng phó, nhanh chóng khoanh vùng, khống chế một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch dự trữ vắc xin, hóa chất chống dịch bệnh động vật. Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Thắng – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Khánh Hòa cho biết:



TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

1

Ông Lê Thắng – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh



– Theo quy định, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi như: lở mồm long móng trâu bò, cúm gia cầm, viêm da nổi cục trâu bò… bắt buộc phải tổ chức tiêm phòng khẩn cấp khi có ổ dịch xảy ra. Vì vậy, để triển khai công tác chống dịch bệnh động vật hiệu quả, việc dự trữ vắc xin phòng bệnh và hóa chất sát trùng là cần thiết và tuân thủ quy định của pháp luật.

– Cụ thể, những vắc xin, hóa chất nào sẽ được dự trữ, thưa ông?


– Chủng loại và số lượng vắc xin dự trữ bao gồm: 21.150 liều vắc xin phòng bệnh do vi rút lở mồm long móng type O và A gây ra trên đàn trâu, bò; 488.000 liều vắc xin có hiệu lực bảo hộ đối với vi rút cúm gia cầm (A/H5N1, A/H5N6); 10.000 liều vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò. Đối với hóa chất, sẽ dự trữ 2.000 lít hóa chất tiêu độc, khử trùng chống dịch bệnh động vật. Theo kế hoạch được duyệt, việc mua vắc xin, hóa chất dự trữ sẽ lấy từ nguồn kinh phí phòng, chống dịch bệnh động vật hàng năm là 1,5 tỷ đồng.

– So với trước đây, chủng loại và số lượng vắc xin, hóa chất dự trữ hiện nay có sự thay đổi gì không, thưa ông?


– So với trước, kế hoạch dự trữ vắc xin, hóa chất chống dịch bệnh động vật được UBND tỉnh ban hành vừa qua (sử dụng từ năm 2023) đã điều chỉnh số lượng, chủng loại vắc xin cho phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay. Cụ thể, vắc xin phòng bệnh tai xanh trên đàn heo được thay thế bằng vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò. Đồng thời, số lượng vắc xin từng loại cũng có sự tăng, giảm phù hợp với tình hình chăn nuôi và dịch bệnh hiện nay. Cụ thể, vắc xin cúm gia cầm tăng 270.000 liều; vắc xin lở mồm long móng trâu bò giảm 33.000 liều. Đây là sự thay đổi bình thường, căn cứ vào tình hình dịch bệnh động vật, tổng đàn gia súc, gia cầm, hình thức chăn nuôi tại các địa phương trên địa bàn tỉnh năm 2022.

– Việc sử dụng vắc xin, hóa chất dự trữ được thực hiện như thế nào, thưa ông?


– Khi có dịch xảy ra, các địa phương đăng ký nhu cầu vắc xin, hóa chất khử trùng để Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, phân bổ vắc xin, hóa chất kịp thời cho các địa phương thực hiện chống dịch theo nguyên tắc kịp thời, an toàn, đúng mục đích, đúng đối tượng theo quy định. Hàng năm, Nhà nước hỗ trợ tiêm vắc xin phòng bệnh động vật cho một số đối tượng chăn nuôi (quy mô nông hộ), trong đó có 3 loại vắc xin kể trên; tổ chức 2 đợt tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi có sử dụng hóa chất khử trùng. Trong trường hợp năm nay không sử dụng hoặc sử dụng không hết vắc xin, hóa chất dự trữ, số vắc xin, hóa chất này sẽ được chuyển sang năm tới cho các nhiệm vụ tiêm phòng hỗ trợ người chăn nuôi quy mô nông hộ và các đợt tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng nêu trên. Đồng thời, mua lại số vắc xin, hóa chất bổ sung vào nguồn dự phòng đảm bảo đủ số lượng, chủng loại theo kế hoạch.

– Xin cảm ơn ông!


Hồng Đăng (Thực hiện)

Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202212/du-tru-vac-xin-de-tiem-phong-khan-cap-cho-dong-vat-8274258/