Nhiều giải pháp tạo cú hích phát triển du lịch Việt Nam đã được các đại biểu nêu lên tại hội thảo “Những vấn đề đặt ra trong tái cơ cấu ngành du lịch” do Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 22-12 tại Hà Nội.
Thành tựu khiêm tốn
Du lịch Việt Nam năm 2017 đã đạt được những kết quả ấn tượng. Tổng thu của ngành năm 2017 dự kiến đạt 500.000 tỉ đồng, tăng khoảng 25% so với năm 2016. Việt Nam cũng đã đón 13 triệu lượt khách quốc tế.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho rằng ngành du lịch Việt Nam đã đi được chặng đường nhưng mới chỉ là bước đầu. Tuy có thành tựu nhưng rõ ràng còn khiêm tốn so với tiềm năng, nguồn lực đang có và kỳ vọng của xã hội. So sánh với các nước khác trong khu vực, du lịch Việt Nam vẫn còn yếu kém hơn nhiều, năng lực cạnh tranh chưa cải thiện, các cơ chế chính sách trong thời gian qua mới chỉ tác động cục bộ ở một số lĩnh vực. Tăng trưởng nhanh nhưng khoảng cách giữa du lịch Việt Nam với các nước trong khu vực còn rất lớn. Ngành du lịch cần khắc phục nhiều vấn đề mới có thể đạt được mục tiêu năm 2030, đóng góp 12% cho GDP. Do đó, việc cơ cấu lại ngành du lịch cho phù hợp là việc làm cần thiết.
Du khách thích thú tham quan vườn thú ở Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang Ảnh: TẤN THẠNH
Ông Nguyễn Quốc Kỳ – Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel – cho rằng thị trường khách quốc tế đang thiếu cân đối, chủ yếu là thị trường Đông Bắc Á (chiếm 55% tổng lượng khách) và Đông Nam Á (16%). Khách Trung Quốc đã chiếm hơn 1/3, trong khi những thị trường khách chi tiêu cao chiếm tỉ trọng thấp. Ông Kỳ góp ý cần có sản phẩm du lịch có khả năng tái cơ cấu theo hướng tăng dần tỉ trọng khách các thị trường xa, chi tiêu cao như châu Âu để giảm rủi ro do quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc…
Ngoài ra, việc tái cơ cấu ngành du lịch cần triển khai đồng bộ tại tất cả các ngành liên quan như: giao thông vận tải, thương mại, dịch vụ, hải quan… Cần có lộ trình tái cơ cấu rõ ràng; trong đó xác định nhiệm vụ, công tác ưu tiên để tập trung thực hiện. Trước hết, cần xác định đúng thế mạnh, lợi thế cạnh tranh của địa phương để thiết kế sản phẩm du lịch đặc thù phù hợp, đây là đầu ra trong chuỗi giá trị du lịch mang lại nguồn thu trực tiếp cho ngành. Sản phẩm phải mới, có nét đặc trưng riêng và có những phân khúc riêng hướng đến từng nhóm đối tượng khách khác nhau.
Đề nghị lập Bộ Du lịch
TS Lương Hoài Nam – Phó Tổng Giám đốc Vietstar Airlines, thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam – kể rằng ông mừng đến mức muốn gặp ngay Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khi nghe Phó Thủ tướng phát biểu “thà tăng 1 triệu du khách còn hơn hút thêm 1 triệu tấn dầu”.
Ông Nam nhấn mạnh nước ta có nhiều thế mạnh về tài nguyên du lịch gồm thiên nhiên (đặc biệt là biển đảo), văn hóa các dân tộc và lịch sử (đặc biệt là chiến tranh chống ngoại xâm). Do đó, tái cơ cấu ngành du lịch cần nhấn mạnh đến việc tái cơ cấu các sản phẩm du lịch; tạo các điểm đến sạch, an toàn, thân thiện; cải thiện chính sách visa du lịch, quảng bá du lịch; phát triển cơ sở lưu trú…
Trong các giải pháp này, ông Nam đặc biệt chú ý đến việc cải thiện chính sách visa bao gồm mở rộng diện miễn visa du lịch, visa qua mạng, đơn giản hóa thủ tục xin, duyệt cấp visa tại cửa khẩu… Theo ông Nam, vấn đề không phải ở phí visa mà là sự nhiêu khê, cảm giác khó chịu nếu phải xin visa. “Chính chúng ta thấy điều đó thì du khách cũng thế” – ông Nam nhấn mạnh.
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương, khẳng định vai trò của sự sáng tạo trong ngành du lịch bằng cách ví von “Người ta trồng lúa trên sa mạc mới là hấp dẫn, trồng lúa trên cánh đồng lúa là chuyện bình thường”. Theo ông Cung, cần lấy doanh nghiệp làm trung tâm để rà soát các chính sách. Nếu cứ áp đặt phải làm theo quy định thì triệt tiêu tính sáng tạo cũng như tiềm năng của doanh nghiệp du lịch.
Ông Cung cũng đề xuất nâng thẩm quyền của Tổng cục Du lịch. “Ngành văn hóa mà lại quy định về một ngành rất thị trường thì “không ăn thua”. Cơ chế chính sách mang tính áp đặt hành chính nặng nề, trong khi lại thiếu tính thị trường. Chỉ có cách nhìn của thị trường thì mới đưa được du lịch phát triển” – ông Cung nói. Cũng chung quan điểm này, TS Lương Hoài Nam đề nghị sớm thành lập Bộ Du lịch bởi phần lớn các nước ASEAN đã có Bộ Du lịch cũng như Quỹ Phát triển du lịch quốc gia và cơ quan quảng bá du lịch quốc gia.
Doanh nghiệp nước ngoài hưởng lợi
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, giữa các công ty lữ hành, du lịch – yếu tố giữ vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị du lịch – còn thiếu sự liên kết, hợp tác cùng phát triển. Hơn 84% doanh nghiệp trong ngành là doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó nhiều doanh nghiệp hoạt động vì lợi nhuận trước mắt nên đã xảy ra tình trạng tour 0 đồng, sự khan hiếm khách sạn, nhà nghỉ tại Nha Trang, Quảng Ninh vừa qua. Cuối cùng, doanh nghiệp Việt Nam không được hưởng nhiều lợi ích mà giá trị tăng thêm lại thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài.
Theo: Người Lao Động