Các sở, ngành, địa phương của tỉnh đang tích cực phối hợp với Ban Quản lý Dự án 6, Bộ Giao thông vận tải để hoàn thiện các thủ tục liên quan đến Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột nhằm sớm trình Quốc hội phê duyệt.

Dự kiến thi công trong 3 năm

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA


Theo báo cáo, Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột có tổng chiều dài hơn 117km, đoạn qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa dài khoảng 33km. Dự án được chia làm 2 đoạn: Đoạn đầu tuyến đến nút giao cao tốc Bắc – Nam phía Đông có quy mô 4 làn xe hoàn thiện, mặt cắt ngang 24,75m, cầu trên tuyến quy mô phù hợp khổ đường; đoạn còn lại quy mô phân kỳ đầu tư 4 làn xe, mặt cắt ngang 17m. Tại các vị trí công trình hầm, một số cầu qua địa hình khó khăn, yếu tố kỹ thuật phức tạp; các đoạn nền đường đào sâu, đắp cao theo quy mô hoàn thiện để đảm bảo phù hợp điều kiện địa hình, an toàn trong vận hành khai thác và phát huy hiệu quả đầu tư.



iểm cuối cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột kết nối với Quốc lộ 1 và Quốc lộ 26B.

Điểm cuối cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột kết nối với Quốc lộ 1 và Quốc lộ 26B.



Ông Phạm Ngọc Biên – Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án 6 cho biết, do Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột nằm trong vùng có địa hình chủ yếu là đồi núi nên điều kiện tiếp cận mặt bằng, tập kết máy móc thiết bị, vật liệu để triển khai thi công gặp khó khăn; trên tuyến có nhiều công trình cầu, hầm có chiều dài lớn, yêu cầu kỹ thuật phức tạp. Căn cứ tình hình thực tế hiện nay, thời gian dự kiến thi công cần khoảng 3 năm. Dự kiến tiến độ triển khai như sau: Chuẩn bị dự án trong năm 2021 – 2022; thiết kế kỹ thuật, dự toán và thực hiện giải phóng mặt bằng, tái định cư năm 2022 – 2024; khởi công năm 2023, hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng năm 2026.

Sớm rà soát để chuyển mục đích sử dụng đất



Mới đây, ông Nguyễn Tấn Tuân – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với Ban Quản lý Dự án 6. Ông đã đề nghị đơn vị này sớm xác định ranh giới tuyến để có số liệu chính xác, cụ thể về đất rừng, đất trồng lúa 2 vụ, từ đó có phương án chuyển đổi phục vụ dự án; nghiên cứu khu vực tái định cư, bãi đổ thải, vật liệu phục vụ dự án. Đồng thời, đơn vị phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương để lên phương án giải phóng mặt bằng bảo đảm các quy định của pháp luật…

Theo đại diện Ban Quản lý Dự án 6, trong thời gian qua, ban quản lý đã chỉ đạo đơn vị tư vấn điều tra, lập báo cáo chuyển mục đích sử dụng đất rừng; triển khai công tác điều tra, khảo sát và phối hợp, làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm để thực hiện nhiệm vụ. Đến nay, đơn vị tư vấn đã hoàn thành hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất rừng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk. Trên cơ sở bản đồ cập nhật diễn biến rừng năm 2021 do Chi cục Kiểm lâm cung cấp, diện tích đề nghị chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác tại Khánh Hòa là 41,59ha. Ban Quản lý Dự án 6 đã có đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất rừng trình UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.


Theo ông Phạm Ngọc Biên, để đảm bảo các điều kiện trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, ban quản lý đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành quan tâm, sớm tham mưu UBND tỉnh ý kiến đóng góp về việc thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án theo đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đồng thời, tỉnh phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải trong các bước tiếp theo để đảm bảo đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án trước ngày 22-3.


Cùng với đó, theo quy định tại Nghị định 83/2020 của Chính phủ, chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất rừng là một nội dung trong chấp thuận chủ trương đầu tư dự án; hồ sơ đề nghị quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất rừng là thành phần trong hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư công hoặc pháp luật về đầu tư. Vì vậy, ban quản lý đề nghị UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông vận tải, UBND các huyện, thị xã có dự án đi qua cùng với ban quản lý và các đơn vị liên quan thực hiện công tác rà soát, tổng hợp nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng và đất trồng lúa 2 vụ trở lên, kịp thời gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định.



Dự kiến, tổng diện tích đất thực hiện dự án 938ha; số hộ bị ảnh hưởng 771 hộ, số hộ tái định cư 593 hộ. Tổng mức đầu tư dự án 21.935 tỷ đồng, bằng nguồn vốn đầu tư công, trong đó nhu cầu sử dụng vốn trong giai đoạn 2021 – 2025 khoảng 16.110 tỷ đồng, chuyển tiếp thực hiện trong giai đoạn 2026 – 2030 khoảng 5.825 tỷ đồng.


THÀNH NAM

Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202202/du-an-cao-toc-khanh-hoa-buon-ma-thuot-khan-truong-hoan-thien-thu-tuc-dau-tu-8244118/