UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải đề xuất điều chỉnh quy mô kết cấu hạng mục công trình dự án Bến cảng tổng hợp Bắc Vân Phong nhằm nâng công suất khai thác, tạo đà phát triển kinh tế – xã hội.

Một cầu bến đã hoàn thành xây dựng, chuẩn bị đưa vào khai thác.

Một cầu bến đã hoàn thành xây dựng, chuẩn bị đưa vào khai thác.

Nhu cầu vượt dự kiến

Theo lãnh đạo Công ty TNHH Cảng Vân Phong, doanh nghiệp đang tích cực triển khai đầu tư xây dựng dự án Bến cảng tổng hợp Bắc Vân Phong – giai đoạn mở đầu tại Khu kinh tế Vân Phong. Đến nay, công trình đã hoàn thiện các thủ tục để công bố mở bến cảng cho tàu có tải trọng đến 50.000DWT, dự kiến đưa vào khai thác trong tháng 10-2019.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

Tuy nhiên, nhu cầu của khách hàng vận chuyển hàng hóa với cỡ tàu từ 50.000DWT đến 70.000DWT đã đăng ký qua cảng rất lớn. Tính đến thời điểm hiện tại, nhu cầu về lượng hàng đăng ký của các đối tác ngày một tăng và đã đạt công suất thiết kế của dự án là 2 triệu tấn/năm. Đối với tuyến bến 5.000DWT đang chuẩn bị xây dựng có tổng chiều dài 330m, độ sâu khu nước tự nhiên cách mép bến 15m khoảng -12m là hoàn toàn đáp ứng yêu cầu khai thác cho cỡ tàu 50.000DWT đầy tải (70.000DWT giảm tải). Còn với hạng mục tuyến bến cho tàu công vụ thủy nội địa hiện nay có chiều dài 370m, độ sâu khu nước tự nhiên cách mép bến 15m đạt khoảng -9,5m, cũng đáp ứng yêu cầu khai thác cho tàu cỡ 20.000DWT.

Theo ông Mai Đình Vũ – Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Cảng Vân Phong, để tận dụng tốt điều kiện tự nhiên và khu đất của cảng nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, phát huy tối đa hiệu quả dự án, góp phần phát triển kinh tế của khu vực, việc điều chỉnh kết cấu tuyến bến 5.000DWT để có thể tiếp thu cỡ tàu trọng tải 50.000DWT và tuyến bến cập tàu công vụ, thủy nội địa để có thể tiếp nhận cỡ tàu tải trọng 20.000DWT là phù hợp và rất cần thiết. Hơn nữa, việc điều chỉnh kết cấu các tuyến bến còn giúp công ty hiện đại hóa công nghệ bốc xếp hàng hóa với công suất lớn, đẩy nhanh giải phóng tàu và giảm thời gian chờ tàu của khách hàng. “Trên cơ sở đó, công ty đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng có thẩm quyền xin điều chỉnh quy mô kết cấu 2 hạng mục công trình thuộc dự án Bến cảng tổng hợp Bắc Vân Phong – giai đoạn mở đầu. Cụ thể, tuyến bến cập tàu 5.000DWT có chiều dài 330m, xin điều chỉnh quy mô kết cấu cho cỡ tàu 50.000DWT; tuyến bến cập tàu công vụ, thủy nội địa có chiều dài 370m, xin điều chỉnh để tiếp nhận tàu 20.000DWT”, ông Mai Đình Vũ cho biết.

Dự án được thực hiện tại thôn Đầm Môn, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh.

Dự án được thực hiện tại thôn Đầm Môn, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh.

Phù hợp với quy hoạch

Được biết, Bến cảng tổng hợp Bắc Vân Phong có quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Nam Trung bộ (nhóm 4) đã được Bộ GTVT phê duyệt năm 2016. Bến cảng thuộc khu bến Đầm Môn có quy mô giai đoạn 2020 đầu tư xây dựng mới 1 bến tiếp nhận tàu tổng hợp 50.000 đến 100.000 tấn; năng lực thông qua bến đến năm 2020 khoảng 1,3 đến 1,5 triệu tấn/năm; năm 2030 khoảng 5,5 đến 6 tấn/năm.

Dự án có quy mô với 3 tuyến bến: Tuyến bến thứ nhất cho tàu có tải trọng đến 50.000DWT đã hoàn thành, dự kiến đưa vào khai thác trong tháng 10. Hai tuyến bến xin điều chỉnh, gồm: Bến cập tàu 5.000DWT có chiều dài 330m, xin điều chỉnh quy mô kết cấu cho cỡ tàu 50.000DWT; tuyến bến cập tàu công vụ, thủy nội địa có chiều dài 370m, xin điều chỉnh để tiếp nhận tàu 20.000DWT.

Đồng thời, Bến cảng tổng hợp Bắc Vân Phong có vị trí thuộc Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong cũng được Bộ GTVT phê duyệt năm 2014. Theo đó, quy hoạch các bến cảng tổng hợp đa năng ở phía đông bắc vũng Đầm Môn, đáp ứng lượng hàng tổng hợp thông qua khoảng 1,5 đến 2 triệu tấn/năm, có thể tiếp nhận tàu trọng tải từ 50.000 đến 100.000DWT, diện tích khoảng 20ha, chiều dài tuyến bến là 500m. Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong cũng đã được xác định là khu chức năng trong điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2014 với quy mô diện tích đến năm 2030 là 290ha (giai đoạn tiềm năng là 750ha).

Trong khi đó, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Bến cảng tổng hợp Bắc Vân Phong – giai đoạn khởi động tại Quyết định 1384 năm 2017 với diện tích quy hoạch 42,75ha (diện tích đất khoảng 16,47ha, diện tích mặt nước khoảng 26,28ha). Dự báo hàng hóa thông qua cảng đến năm 2025 từ 7 đến 10 triệu tấn/năm; giai đoạn 2030 trên 10 triệu tấn/năm. Tổng mức đầu tư dự án giai đoạn mở đầu là 417 tỷ đồng.

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã có văn bản gửi Bộ GTVT đề xuất điều chỉnh quy mô kết cấu hạng mục công trình dự án Bến cảng tổng hợp Bắc Vân Phong với bến cập tàu từ 5.000DWT lên 50.000DWT và điều chỉnh quy mô kết cấu tuyến cập bến tàu công vụ và thủy nội địa để phù hợp với quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Nam Trung bộ và Quy hoạch chi tiết Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong.

Cũng trong văn bản, UBND tỉnh cho biết, nếu được Bộ GTVT đồng ý, tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Cảng tổng hợp Bắc Vân Phong – giai đoạn khởi động để làm cơ sở cho việc thực hiện các bước tiếp theo.

THÀNH NAM
 

Theo: Báo Khánh Hòa