Nhiều doanh nghiệp (DN) du lịch đã kiệt sức khi gồng mình vượt khó vì dịch Covid-19. Hơn lúc nào hết, DN cần được hỗ trợ nhiều hơn để vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Chồng chất khó khăn
Những ngày này, hoạt động du lịch ở Nha Trang – Khánh Hòa rất ảm đạm. Những con phố sầm uất; những điểm vui chơi giải trí lớn như: Vinpearl, Hòn Tằm, I-resort… thưa thớt khách du lịch. Rất nhiều khách sạn, nhà hàng đóng cửa chờ đợt dịch Covid-19 thứ hai đi qua.
Theo ông Võ Quang Hoàng – Chủ tịch Hội khách sạn Khánh Hòa, Tổng quản lý khách sạn Ariyana, dịch Covid-19 bùng phát trở lại, khách trong nước không dám đi du lịch nội địa, các sự kiện hội họp cũng hủy… khiến cho các DN du lịch khó khăn chồng chất. Trong khi các DN lữ hành “đau đầu” với việc giải quyết việc hủy, hoãn tour thì các DN kinh doanh dịch vụ lưu trú cũng bế tắc bởi không có doanh thu, trong khi vẫn phải trả lương cho bộ khung nhân sự.
Cùng với các DN lữ hành, khó khăn nhất là DN lưu trú vừa mới đi vào hoạt động, chưa có tích lũy về tài chính. Trao đổi với phóng viên, anh V. – chủ khách sạn E. trên đường Phan Chu Trinh cho biết, đã phải bán đất để có tiền cầm cự trong thời gian qua. Mọi thứ chỉ mới khởi động thì hiện nay lại chịu thêm một đợt “sóng” thứ hai. “Khách sạn của tôi vừa đi vào hoạt động thì gặp dịch Covid-19 nên chưa có tích lũy tài chính, hàng tháng phải trả lãi ngân hàng. Tôi đang đàm phán với ngân hàng để tiếp tục giãn nợ. Với tình hình hiện nay, kể cả khi hoạt động trở lại, thời gian đầu tôi cũng chỉ đủ sức trả lãi ngân hàng chứ không thể trả ngay tiền gốc”, anh V. bày tỏ. Anh T. – chủ khách sạn tiêu chuẩn 4 sao ở “phố Tây” Nha Trang cũng đã rao bán khách sạn với giá 105 tỷ đồng để cắt lỗ. Hiện tại, nhiều chủ khách sạn ở Nha Trang – Khánh Hòa đã buộc phải rao bán hoặc chuyển nhượng vì kinh doanh thua lỗ.
Cần sự hỗ trợ nhiều hơn
Để vượt qua khó khăn vì dịch Covid-19, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho ngành du lịch như: Giảm thuế, giảm giá điện, lãi suất ngân hàng… Tuy nhiên, theo ghi nhận của Hiệp hội Du lịch (HHDL) Nha Trang – Khánh Hòa, hiệu quả của việc hỗ trợ chưa cao, giữa chính sách và thực tế vẫn còn độ vênh. Cho đến nay, DN mới tiếp cận được chính sách ưu đãi giá điện, giảm thuế, phí… trong thời gian ngắn. Các DN và lao động trong ngành du lịch khó tiếp cận được khoản hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ; việc tiếp cận các gói tín dụng khác của ngân hàng cũng rất khó khăn.
Trong thời gian qua, HHDL Nha Trang – Khánh Hòa đã có nhiều văn bản kiến nghị UBND tỉnh và Tổng cục Du lịch, HHDL Việt Nam về việc đề xuất các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch như: Giảm VAT, thuế thu nhập DN cho các DN du lịch đến hết năm 2020; kéo dài chính sách giảm giá điện, nước, viễn thông… đến hết năm 2020; tiếp tục có chính sách giảm lãi suất cho vay, hoãn nợ cho DN du lịch. Mới đây, HHDL Nha Trang – Khánh Hòa cũng có văn bản gửi TP. Nha Trang kiến nghị tiếp tục giảm, miễn phí thuê bãi biển đến hết năm nay.
Trong cuộc họp trực tuyến về tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch do Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) tổ chức, ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch Thường trực HHDL Việt Nam cho rằng, phần lớn DN du lịch trong nước là vừa và nhỏ nên qua hai đợt dịch đã kiệt quệ về tài chính. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là làm sao giữ cho số DN này không bị “khai tử” trước khi dịch được kiểm soát và phục hồi lại lần nữa. Để giải quyết khó khăn cho DN, trong khi chờ tiếp cận các gói hỗ trợ giảm thuế, giảm lãi suất, cho vay lãi suất thấp… của Nhà nước, trước mắt Tổng cục Du lịch cần đề xuất tiếp tục giảm tiền điện, nước… cho DN du lịch; về lâu dài cần phải tính giá điện của các DN lưu trú du lịch là giá điện sản xuất thay vì điện kinh doanh như hiện nay.
Theo lãnh đạo Sở Du lịch, hiện nay, Tổng cục Du lịch đã hoàn thiện việc đề xuất các chính sách tháo gỡ khó khăn cho DN nhằm ngăn chặn sự đứt gãy trong chuỗi mắt xích phát triển của du lịch. Trong đợt này, Tổng cục Du lịch đề xuất Chính phủ có gói tài chính hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, chỉ đạo ngân hàng xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi vay, khoanh nợ cho DN. Đồng thời, Tổng cục Du lịch cũng đề nghị tiếp tục cho DN chậm nộp các loại thuế như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, các chính sách về bảo hiểm xã hội; áp dụng giá điện sản xuất cho DN kinh doanh dịch vụ lưu trú.
Những đề xuất trên không mới, nhiều nội dung từng được các DN, HHDL địa phương kiến nghị từ đợt dịch Covid-19 thứ nhất nhưng chưa được quan tâm hoặc có chính sách nhưng chưa sát với thực tế nên khi triển khai thì vướng mắc, DN không tiếp cận được. “Theo tôi, các chính sách hỗ trợ ngành du lịch cần phải sát sườn hơn, bám sát thực tế hơn. Làm sao để các gói cứu trợ tới được DN và người lao động trong ngành du lịch…”, ông Phạm Minh Nhựt – Phó Chủ tịch HHDL Nha Trang – Khánh Hòa bày tỏ.
Xuân Thành
Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/du-lich/202008/doanh-nghiep-du-lich-can-tro-luc-8180455/