Những năm qua, từ nguồn vốn của Chương trình Phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và miền núi, huyện Diên Khánh đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, chăm lo đời sống người dân các địa phương có đông ĐBDTTS. Nhờ đó, diện mạo thôn Đá Mài (xã Diên Tân) đã có nhiều thay đổi.
Gặp chúng tôi khi đang lấy nước sinh hoạt tại bể nước tập trung ở thôn Đá Mài vừa được đưa vào sử dụng đầu tháng 10, bà Cao Thị Minh – người dân trong thôn chia sẻ: “Trước đây, người dân trong thôn chủ yếu sử dụng nước hồ, suối chưa qua lắng lọc nên không hợp vệ sinh. Từ khi Nhà nước đầu tư công trình nước sinh hoạt tự chảy có lắng lọc, người dân thôn Đá Mài không còn nỗi lo về nước sinh hoạt nữa”. Được biết, công trình cấp nước này có kinh phí đầu tư 1,4 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình Phát triển kinh tế – xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi của tỉnh.
Cũng từ nguồn vốn này, 4 tuyến đường vào khu sản xuất xung quanh hồ Cây Sung đã được đầu tư. Ông Cao Hoan – người dân trong thôn cho biết, gia đình ông có gần 1ha đất rẫy trồng chuối ở thượng nguồn hồ Cây Sung. Trước đây, để gùi được chuối từ rẫy về nhà rất khó khăn. Từ khi tuyến đường tránh hồ Cây Sung được bê tông hóa, việc vận chuyển các loại nông sản rất thuận lợi. Không chỉ vậy, còn giúp kết nối giao thông cho hơn 200ha đất sản xuất của người dân trong xã, nhờ đó giá trị các loại cây trồng như: keo, mía, chuối… được nâng lên. Ông Cao Dánh – người dân trong thôn so sánh: “So với cách đây 5 năm, đời sống của người dân thôn Đá Mài đã thay đổi nhiều, nhà cửa khang trang hơn. Còn nếu so với cách đây 10 năm thì sự thay đổi có thể nói là vượt bậc, thậm chí bây giờ nhiều gia đình có đám cưới còn thuê dịch vụ dựng rạp, nấu đám tiệc…”.
Bà Trảo Thị Kim Hạnh – Trưởng thôn Đá Mài cho biết: “Xã Diên Tân có 74 hộ ĐBDTTS thì có đến 71 hộ sinh sống ở thôn Đá Mài, với 290 nhân khẩu. Những năm gần đây, thôn Đá Mài đã có nhiều thay đổi tích cực. Cơ sở hạ tầng được đầu tư, đời sống của người dân ổn định nhờ có đủ đất sản xuất, hầu hết các hộ ngoài đất trồng lúa còn có đất rẫy trồng keo, mía, chuối… nhờ đó thu nhập ngày một cao hơn. Qua rà soát, trong thôn có 17 hộ ĐBDTTS khá giả, 10 hộ từ nghèo vươn lên cận nghèo. Hiện nay, xã và thôn đang tập trung hỗ trợ để giúp 44 hộ ĐBDTTS nghèo trong thôn vươn lên thoát nghèo”.
Theo báo cáo của UBND xã Diên Tân, để phát triển vùng ĐBDTTS, huyện Diên Khánh đã và đang tiếp tục đầu tư 14,2 tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng cho thôn Đá Mài. Ngoài những công trình đã được đầu tư kể trên, những năm tới, thôn Đá Mài sẽ được đầu tư sửa chữa, xây dựng nhà ở, nhà sinh hoạt cộng đồng, nâng cấp đường trục chính vào thôn, phát triển các mô hình sản xuất, đưa nước sinh hoạt về từng nhà dân… Trước đó, giai đoạn 2011 – 2015, thôn Đá Mài đã được đầu tư 2 tuyến đường vào khu sản xuất với kinh phí hơn 2,3 tỷ đồng; hệ thống mương tưới, tiêu được nâng cấp với kinh phí 222 triệu đồng. Trong giáo dục, Trường Tiểu học và THCS Diên Tân được thành lập đã đưa trường học về gần với học sinh DTTS tại địa phương; điện, đường cũng đã được đầu tư…
Theo ông Nguyễn Văn Hạnh – Chủ tịch UBND xã Diên Tân, thôn Đá Mài là một trong những thôn tập trung đông ĐBDTTS ở huyện Diên Khánh. Những năm qua, Chương trình Phát triển kinh tế – xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần thay đổi cơ bản bộ mặt của thôn. “Hiện nay, một số hộ ĐBDTTS ở thôn Đá Mài có nhà ở bị xuống cấp hoặc diện tích không đảm bảo, địa phương đang tranh thủ các nguồn vốn để sửa chữa nhà ở cho các hộ. Để phát triển kinh tế, bên cạnh giữ đất cho các hộ ĐBDTTS, địa phương sẽ chú trọng tập huấn kiến thức khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi… Các chính sách ưu tiên cho hộ ĐBDTTS sẽ được UBND xã triển khai kịp thời để người dân được hưởng lợi”, ông Hạnh nói.
BÍCH LA
Theo: Báo Khánh Hòa