Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều khách sạn, nhà hàng, quán ăn ở khu phố Tây (TP. Nha Trang) một thời nổi tiếng sầm uất vẫn đang đóng cửa; số mở cửa cũng chỉ hoạt động theo kiểu “cầm hơi”…
Vắng bóng du khách
Tôi trở lại đường Tôn Đản, con phố nhỏ ngày nào nhộn nhịp bước chân du khách nay vắng vẻ, hiu quạnh trong cái lạnh cuối đông. Ngay đầu đường, một tài xế taxi ngồi chờ khách với điệu bộ ủ rũ. Đi vào phía trong, phần lớn khách sạn đóng cửa, số ít mở cửa cũng không có bóng dáng du khách. “Khách sạn 3 – 4 sao mặt tiền đường biển giá thuê phòng rẻ như “bèo” còn không có khách thì những khách sạn trong các đường nhỏ, hẻm làm sao sống được. Những khách sạn quanh đây mở cửa cho bớt ảm đạm, để khỏi hư hỏng thiết bị mà thôi…”, ông Nguyễn Kha – chủ khách sạn mini Hoàng Châu thẳng thắn chia sẻ.
Rời đường Tôn Đản, tôi đi loanh quanh khu phố Tây mà không khỏi buồn lòng. Những ngày này cách đây 1 năm, khách du lịch Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc và cả khách Việt đi lại chật kín vỉa hè. Tiếng nhạc chào đón năm mới rộn rã khắp các con phố: Hùng Vương, Nguyễn Thiện Thuật, Biệt Thự, Trần Quang Khải… Còn giờ đây, khi Tết Nguyên đán Tân Sửu đã đến thật gần, nhưng không khí ảm đạm đến nao lòng. Cho đến lúc này, nhiều khách sạn, nhà hàng ở các tuyến trong khu phố Tây vẫn đang đóng cửa chưa hẹn ngày mở lại. Quán bar The Local (góc đường Trần Quang Khải – Hùng Vương) ngày nào rất sang chảnh nay cửa đóng then cài. Hàng loạt quán bar, nhà hàng, spa ở gần đó cũng đóng cửa.
18 giờ, nhà hàng Oh! Sushi Bar (17C Hùng Vương, Nha Trang) vắng như chùa Bà Đanh. Thanh Thủy – quản lý nhà hàng cho biết, từ đầu giờ chiều đến lúc đó, nhà hàng chỉ có một khách quen là người nước ngoài định cư ở Nha Trang đến ăn thố cơm bò giá 125.000 đồng. Trước dịch Covid-19, nhà hàng chuyên món Nhật này có gần 30 nhân viên, hiện nay vì không có khách nên chỉ còn 8 nhân viên, thời gian làm việc cũng phải rút ngắn. Thủy chia sẻ: “Hiện nay, doanh thu của nhà hàng chỉ còn chưa đến 20% so với trước dịch Covid-19. Bán cả tuần có khi mới bằng một ngày trước đây. Nhân viên cắt giảm nên dù là quản lý tôi cũng phải chạy bàn, rửa chén bát như nhân viên, nhưng vẫn may vì còn có việc làm”.
Sát bên cạnh, Spot Restaurant – nhà hàng nhỏ theo kiểu gia đình rất được khách Tây ưa thích cũng vắng tanh. Khách quốc tế không còn nên từ hè 2020, chủ nhà hàng đã chuyển sang bán các món Việt như cơm gà, hủ tiếu, bún thịt nướng… thay vì chuyên các món Tây như trước đây. Ông Vũ Lê Tuấn – quản lý nhà hàng cho biết, đã 3 ngày quán không có khách nào. Cũng may gia đình có sẵn mặt bằng không phải thuê nên gắng gượng duy trì chứ không cũng đóng cửa từ lâu.
Gắng gượng “cầm hơi”
Dịch bệnh Covid-19 đã kéo dài 1 năm. Sau thời gian đóng cửa, nhà hàng Lee’s Grill (111 Nguyễn Thiện Thuật) chuyên phục vụ khách Nga và Hàn Quốc vừa mở cửa trở lại. Bà Nguyễn Thị Phương Điềm – chủ nhà hàng Lee’s Grill cho biết, vừa sang quán từ cuối năm 2019 thì gặp ngay phải dịch bệnh. Đợt dịch Covid-19 đầu năm 2020, do còn số khách Nga kẹt lại nên quán vẫn còn ít khách… nhưng đến đợt dịch thứ 2 bùng phát thì quán đóng cửa hẳn. Mãi đến gần lễ Giáng sinh vừa rồi, quán mới mở cửa trở lại. Thay vì bán món ăn Âu – Á phục vụ du khách quốc tế như trước đây, nay quán phải chuyển sang bán buffet với giá 169.000 đồng/người lớn, 99.000 đồng/trẻ em… “Trước đây quán rất nhiều nhân viên nhưng nay chỉ còn giữ lại 2 người, tôi vừa quản lý vừa chạy bàn. Mỗi tối, quán bán được độ 10 khách. Chủ nhà giảm giá mặt bằng nên tôi đang gắng gượng để tìm cơ hội, bởi chờ dịch qua đi thì không biết đến bao giờ”, bà Điềm chia sẻ.
Cũng giống như các nhà hàng, quán bar, hầu hết các spa ở khu phố Tây cũng đóng cửa, số còn lại đang rất khó khăn. Bà Trần Cẩm Lệ – chủ Ell Louge Spa & Hotel (117 Hùng Vương) cho biết, công ty đã đóng hẳn spa, chỉ còn duy trì khách sạn với hơn 40 phòng nhưng chẳng được mấy khách. Hiện nay, tuy chỉ giữ lại bộ khung văn phòng, một số nhân viên buồng phòng khách sạn và 50% nhân viên spa, nhưng mỗi tháng công ty phải bù lỗ gần 100 triệu đồng tiền lương. Cũng may, số tiền tích lũy từ những năm trước đang giúp công ty gắng gượng đến thời điểm này. Tương tự, ông chủ Bamboo Spa (số 19, đường Tôn Đản) cho biết, mỗi tháng cơ sở kinh doanh của ông có khoảng 10 ngày không có khách, những ngày còn lại chỉ lèo tèo 3 – 4 khách. Nhân viên của spa chỉ còn vài người, không còn hưởng lương mà chỉ ăn chia với chủ cơ sở trên đầu khách.
20 giờ, tôi đứng ở ngã tư đường Biệt Thự – Hùng Vương, gió thổi thông thốc trên phố. Khách sạn LegendSea ngày nào đèn sáng rực một góc phố nay cửa đóng then cài chìm trong bóng đêm. Bên kia đường, khách sạn Liberty Central Nha Trang mở cửa nhưng không thấy khách ra vào. Từ khi dịch xảy ra, các khách sạn lớn ở khu vực này như: Galina, Liberty Central Nha Trang, Ibis Styles Nha Trang… đã xoay xở để không phải đóng cửa. Ông Lê Văn Sơn – Tổng quản lý khách sạn Liberty Central Nha Trang cho biết, khách sạn đã phải cho nhân viên nghỉ luân phiên (theo kiểu nghỉ một thời gian không lương), nghỉ phép, nghỉ bù cho đến tung ra các gói sản phẩm với giá kích cầu nhưng dịch bệnh Covid-19 khiến hoạt động không mấy khởi sắc. “Việt Nam đang chống dịch rất tốt, tôi hy vọng năm nay du lịch sẽ phục hồi được phần nào, tình hình kinh doanh sẽ đỡ hơn”, ông Lê Văn Sơn bày tỏ.
XUÂN THÀNH
Khu phố Tây là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19. Trên trang rao vặt Alonhadat, nhiều người rao bán nhà hàng, khách sạn ở khu phố Tây, từ những khách sạn mặt tiền đường Hùng Vương giá 130 tỷ đồng cho đến những khách sạn, nhà nghỉ trong hẻm có giá 20 – 30 tỷ đồng. Thậm chí, có người môi giới rao bán cùng lúc 10 khách sạn ở khu vực này.
________________________________________
Theo báo cáo của UBND TP. Nha Trang, năm 2020, thành phố chỉ đón được gần 998.600 lượt khách lưu trú, giảm hơn 83,2% so với năm 2019, trong đó có 367.650 lượt khách quốc tế, giảm hơn 87,8%. Tổng doanh thu du lịch trên địa bàn thành phố đạt 3.865 tỷ đồng, giảm gần 83,4% so với năm 2019.
Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/du-lich/202101/diu-hiu-pho-tay-8203452/