5 năm qua, tuy đạt được nhiều kết quả khả quan trong phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH) nhưng huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn khiến một số chỉ tiêu về KT-XH của huyện không đạt kết quả như mong muốn.

8/22 chỉ tiêu không đạt

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA


Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2015 – 2020 nêu rõ 22 chỉ tiêu phát triển KT-XH của địa phương. Tuy nhiên, đến cuối tháng 5, sau khi tiến hành rà soát, tổng kết, huyện vẫn có 8 chỉ tiêu không đạt kết quả như đã đề ra. Cụ thể, các chỉ tiêu về giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân hàng năm; trồng rừng tập trung; giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của ngành dịch vụ – thương mại; huy động trẻ trong độ tuổi nhà trẻ đến trường, học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày; số bác sĩ/1.000 dân; giảm tỷ suất sinh hàng năm; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng không đạt.



Một số chỉ tiêu  về giáo dục của huyện gặp khó.  (Ảnh minh họa)

Một số chỉ tiêu về giáo dục của huyện gặp khó. (Ảnh minh họa)



Theo ông Phan Văn Sửu – Phó Chủ tịch UBND huyện, sở dĩ các chỉ tiêu trên không đạt trước hết là do tác động của tình hình mưa, bão liên tiếp xảy ra, hạn hán kéo dài làm cho việc sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề. Huyện có xuất phát điểm thấp, đời sống kinh tế, văn hóa của người dân còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, hạ tầng giao thông còn hạn chế. Nguồn vốn đầu tư cho địa phương chưa được nhiều, vốn thực hiện các đề án, chương trình còn chậm. Tình hình dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế của địa phương. Bên cạnh đó, còn có những nguyên nhân mang tính chủ quan như: Công tác dự báo tình hình đầu nhiệm kỳ không sát nên đề ra một số chỉ tiêu chưa phù hợp, chưa sát với thực tiễn, quá cao so với khả năng triển khai; một số chỉ tiêu thuộc ngành, lĩnh vực chưa đánh giá được sự phát triển lại được đưa vào; một số chỉ tiêu không thể đánh giá được… nhưng cũng có một số chỉ tiêu kinh tế quan trọng đánh giá sự phát triển của huyện chưa được đưa vào nghị quyết như: Chỉ tiêu diện tích chuyển đổi cây trồng, sản lượng, nguồn thu từ cây ăn quả chủ lực. Ngoài ra, có những thời điểm, công tác chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện nghị quyết chưa thật sự quyết liệt.

Căn nguyên vấn đề


Trong sản xuất nông nghiệp, việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã được huyện thực hiện mạnh mẽ trong thời gian qua, với tổng diện tích chuyển đổi 1.063,59ha. Tuy nhiên, việc chuyển một số diện tích cây trồng hàng năm không hiệu quả sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao đã tác động tới giá trị sản xuất nông nghiệp. Diện tích cây trồng hàng năm giảm dẫn tới sản lượng lương thực giảm, sản lượng cây chất bột giảm. Diện tích cây ăn quả lâu năm tăng, nhưng chủ yếu đang trong thời kỳ chưa cho sản phẩm. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất của người dân vẫn còn hạn chế nên năng suất, sản lượng cây trồng chưa đạt yêu cầu.


Đối với lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện khó có thể phát triển bởi nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến của địa phương chưa được khai thác hiệu quả. Sản phẩm nông, lâm nghiệp chủ yếu tiêu thụ thô, chưa qua chế biến là chính. Một số nguyên liệu được khai thác, chế biến nhưng với quy mô nhỏ. Các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chủ yếu là hộ kinh doanh cá thể, hộ gia đình nên sản phẩm làm ra không nhiều, sức cạnh tranh trên thị trường thấp; số lượng các cơ sở có chiều hướng giảm dần. Mặc dù có nguồn nguyên liệu phong phú về nông – lâm sản nhưng do kết cấu hạ tầng, vị trí địa lý xa trung tâm, giao thông đi lại, vận chuyển hàng hóa khó khăn đã hạn chế sự phát triển thương mại của huyện. Địa phương cũng chưa có chiến lược kinh doanh rõ ràng, chưa mạnh dạn đầu tư mở rộng kinh doanh, khả năng tiếp cận thị trường tiêu thụ còn nhiều hạn chế.


Trong các chỉ tiêu về giáo dục chưa đạt, nổi cộm vẫn là vấn đề cơ sở vật chất chưa đảm bảo. Các phòng học để huy động trẻ trong độ tuổi nhà trẻ ra lớp và tổ chức dạy 2 buổi/ngày, nhất là các điểm trường lẻ vẫn còn thiếu. Đội ngũ giáo viên không đủ để đáp ứng nhu cầu dạy học theo quy định. Tuy nhiên, số biên chế vị trí việc làm của các trường đều bị cắt giảm từng năm theo lộ trình giảm 10% biên chế trong 5 năm 2016 – 2021. Lĩnh vực y tế, từ nhiều năm nay, huyện vẫn phải đối mặt với tình trạng thiếu bác sĩ. Điều kiện làm việc khó khăn, chế độ đãi ngộ chưa cao là những rào cản trong việc giữ chân và tuyển dụng đội ngũ y, bác sĩ…


Theo ông Mấu Thái Cư – Bí thư Huyện ủy, việc xác định rõ những nguyên nhân dẫn đến các chỉ tiêu KT-XH được đề ra trong nhiệm kỳ 2015 – 2020 chưa đạt là cơ sở để địa phương rút kinh nghiệm và có định hướng phát triển trong thời gian tới sát thực, hiệu quả hơn. Huyện sẽ xác định rõ những nội dung mang tính trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và có giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện. Mục tiêu chính là đưa đời sống người dân từng bước được cải thiện, phát triển KT-XH địa phương.


Nhân Tâm

Theo: Báo Khánh Hòa ( https://baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202006/dinh-huong-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-o-khanh-son-can-xac-dinh-ro-trong-tam-trong-diem-8168022/ )

Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202006/dinh-huong-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-o-khanh-son-can-xac-dinh-ro-trong-tam-trong-diem-8168022/