Mức sinh ở huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) đã giảm xuống dưới mức sinh thay thế. Ngành Dân số huyện đang đẩy mạnh truyền thông, vận động người dân sinh đủ 2 con.
Người trẻ ngại sinh đông
Theo thống kê của Trung tâm Dân số – Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) huyện, số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ trên địa bàn huyện hiện nay giảm xuống chỉ còn khoảng 1,5 con. Có nhiều lý do người dân ngại sinh đông con, nhưng nhìn chung phần lớn xuất phát từ kinh tế, nhu cầu chi phí cho cuộc sống ngày càng cao so với mức thu nhập của người dân.
Chị Nguyễn Thúy Phương Dung – giáo viên ở thôn Mỹ Lộc, xã Diên Lộc chia sẻ, con chị hiện nay đã 6 tuổi nhưng chị chưa dám sinh thêm vì sợ mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến công việc đang làm. Chị cũng lo lắng thu nhập gia đình với đồng lương thấp sẽ không đủ nuôi 2 đứa con đầy đủ. Còn anh Nguyễn Phúc Đức ở thôn Đại Hữu, xã Diên Lộc cho biết, anh là thợ điện, vợ anh mở tiệm làm tóc. Thu nhập của 2 vợ chồng cũng khá nên gia đình anh có cuộc sống ổn định. “Vợ chồng tôi tính sinh 1 cháu thôi để lo cho cháu đầy đủ, cho học trường tốt. Tuy nhiên, nghe cán bộ dân số vận động sinh thêm cho đủ 2 con, tôi thấy cũng có lý nên đã sinh thêm cháu thứ 2. Bây giờ, các cháu có anh có em cũng vui”, anh Đức nói.
Chị Nguyễn Thị Loan Kiều Diễm – cán bộ chuyên trách dân số xã Diên Lộc cho biết, Diên Lộc là xã thuộc vùng nông thôn, xa trung tâm huyện, người dân chủ yếu làm nông, công nhân. Hiện nay, trên địa bàn xã đa số các cặp vợ chồng trẻ chỉ sinh 2 con, thậm chí có gia đình chỉ sinh 1 con vì sợ vất vả, mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến sức khỏe, hạnh phúc gia đình. Toàn xã năm 2017 có 35 trẻ em được sinh ra, trong đó chủ yếu là những cặp vợ chồng trẻ mới kết hôn sinh con đầu, chỉ có 1 trường hợp sinh con thứ 3.
Ông Đỗ Trọng Cư – Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện cho biết, những năm gần đây, mức sinh bình quân toàn huyện thấp. Cụ thể, năm 2017, tỷ suất sinh 10,97‰; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên chỉ còn 4,25%. Đa số trường hợp sinh con thứ 3 trở lên rơi vào những gia đình nghèo thuộc các xã vùng sâu, vùng xa, địa bàn có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, gia đình khá giả. Còn lại phần lớn các gia đình thế hệ trẻ đều dừng sinh ở 1 và 2 con.
Tăng cường vận động
Với tình hình người dân ngại sinh, Ban chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ huyện đang chú trọng truyền thông thông điệp “Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con” đến tất cả các xã. Ngoài ra, chỉ đạo mạng lưới cán bộ, cộng tác viên dân số phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền việc nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức; thực trạng và hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh. Năm 2018, theo Nghị quyết 21 về công tác dân số trong tình hình mới là chuyển trọng tâm DS-KHHGĐ sang dân số và phát triển, huyện sẽ củng cố mạng lưới tổ chức tuyến cơ sở, đào tạo và nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ chuyên trách và cộng tác viên nhằm linh hoạt trong công tác truyền thông ở cơ sở, hiệu quả về mặt tham mưu huy động nguồn lực địa phương. Bên cạnh đó, phối hợp lồng ghép công tác dân số vào chương trình hoạt động của các cấp, ngành, huy động sự tham gia rộng rãi của cộng đồng; tăng cường cung ứng các dịch vụ có chất lượng chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ cho người dân, đặc biệt ưu tiên phụ nữ vùng khó khăn và vùng có mức sinh cao; tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức, Ban chỉ đạo công tác dân số để triển khai các chương trình hoạt động dân số xuyên suốt, thường xuyên… Qua đó, phấn đấu nâng số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ lên 2,1 con; giảm số hộ nghèo vùng sâu vùng xa, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức 108%, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Thiết Trang
Theo: Báo Khánh Hòa