Đến sáng 4-3, tuy đã bị cúp điện nhưng nhiều tiểu thương kinh doanh trong chợ Đầm tròn vẫn tiếp tục mở sạp buôn bán. UBND TP. Nha Trang phải quyết liệt hơn nữa để giải quyết dứt điểm việc di dời các tiểu thương trong chợ Đầm tròn vào chợ mới kinh doanh.
Tiểu thương chợ mới bức xúc
Sáng 4-3, hàng chục tiểu thương kinh doanh tại chợ Đầm mới đã đến văn phòng Công ty TNHH Một thành viên chợ Đầm (đơn vị vận hành chợ Đầm mới) để yêu cầu doanh nghiệp kiến nghị UBND TP. Nha Trang xử lý dứt điểm việc di dời các tiểu thương trong chợ Đầm tròn vào chợ mới kinh doanh. Đồng thời, chủ đầu tư phải hoàn thành các hạng mục còn lại đúng như thiết kế, nhằm thu hút khách đến mua hàng.
Bà Lê Thị Cúc (kinh doanh mỹ nghệ) nói: “Tôi thấy tuy bị cúp điện nhưng các hộ trong chợ tròn vẫn cố tình trụ lại để buôn bán. Tôi đề nghị UBND thành phố có biện pháp quyết liệt hơn như cúp nước hoặc đóng cửa chợ tròn, không thể để tình trạng này kéo dài mãi. Cứ như vậy, không chỉ tiểu thương chợ mới không buôn bán được mà tiểu thương chợ tròn và cả doanh nghiệp sẽ bị thiệt hại. Với thực trạng chợ mới, chợ cũ tồn tại nhếch nhác như thế này thì hình ảnh chợ Đầm sẽ ngày càng mai một với du khách”.
Đa số các tiểu thương ở chợ Đầm mới đều bức xúc trước việc di dời vị trí kinh doanh bị kéo dài. Sự chậm trễ dẫn tới tiểu thương chợ mới và tiểu thương chợ tròn xung đột về mặt lợi ích. Cùng mặt hàng nhưng tồn tại song song 2 vị trí kinh doanh dẫn tới khách hàng thường chọn mua ở chợ tròn, còn các hộ kinh doanh trong chợ Đầm mới ở sâu phía trong nên ít ai lui tới. Bà Nguyễn Thị Kim Nga (kinh doanh giỏ xách) phân bì: “Các tiểu thương chợ tròn cho rằng ngày xưa họ bỏ tiền để mua lô, sạp nên bây giờ không chịu đi là vô lý. Chúng tôi kinh doanh phía ngoài cũng phải bỏ tiền để mua chứ đâu riêng họ? Số tiền này là số tiền làm lô, sạp chứ Nhà nước vẫn cho thuê theo năm. Thời điểm đó, chợ Đầm kinh doanh rất tốt nên ai cũng sẵn sàng bỏ tiền để có được lô sạp. Dù phải bỏ một khoản tiền lớn nhưng các hộ đã kinh doanh mấy chục năm rồi, phần tiền bỏ ra ban đầu bây giờ đòi Nhà nước bồi thường là không hợp lý”.
Các tiểu thương kinh doanh trong chợ mới cho rằng họ là những người bỏ chợ cũ vào chợ mới sớm nhất, nhưng mấy năm nay không làm ăn được gì. Nhiều hộ phải vay mượn ngân hàng, giờ không có khả năng trả nợ. Trong khi đó, hơn 200 hộ ở lại chợ tròn, không chịu di dời thì buôn bán tốt, như vậy là không công bằng. Các hộ kinh doanh tại chợ Đầm mới yêu cầu UBND TP. Nha Trang giải quyết dứt điểm việc di dời hộ kinh doanh vào chợ mới, nếu không họ sẽ đồng loạt trả lô, sạp.
Bám trụ để kinh doanh
Ông Vũ Chí Hiếu – Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang: Sau khi cúp điện, UBND thành phố cho thời hạn 1 tuần để các tiểu thương thực hiện việc di dời và đăng ký địa điểm kinh doanh bên chợ mới. Nếu sau đó, các hộ kinh doanh tại chợ tròn vẫn cố tình bám trụ ở lại, không chịu thực hiện, UBND thành phố sẽ có các biện pháp tiếp theo. Thực ra, chính quyền cũng đã trù liệu trước được vấn đề này, biết rõ tiểu thương sẽ có hành vi gì để đối phó. Vì vậy, chúng tôi sẽ có các phương án tiếp theo để tiếp tục thực hiện việc di dời và kiến nghị UBND tỉnh cho thực hiện các hạng mục còn lại của chợ Đầm theo quy hoạch đã được phê duyệt. |
Sau 3 ngày bị cúp điện, dù không đủ điều kiện kinh doanh song các tiểu thương chợ tròn vẫn mở lô, sạp để buôn bán. Cả khu chợ nóng nực, ánh sáng mờ mờ. Một số khu vực quá tối, tiểu thương dùng đèn điện sạc pin để lấy ánh sáng. Nhiều hộ cho biết sẽ không di dời sang chợ mới để kinh doanh, cho dù thế nào thì vẫn ở lại chợ tròn để “thi gan” với chính quyền. Các tiểu thương này đưa ra lý do họ đã buôn bán tại chợ tròn mấy chục năm, ngày trước phải đóng một khoản tiền lớn để có lô sạp nên hiện nay cương quyết không đi. Tuy nhiên, cũng có một số tiểu thương cho biết họ không cố tình chống đối, chỉ cần Nhà nước đáp ứng được yêu cầu của tiểu thương thì sẽ di dời. “Nếu ban quản lý chợ bố trí vị trí bằng hoặc tốt hơn chợ cũ, Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí thì chúng tôi sẽ chuyển vào chợ mới ngay”, một tiểu thương buôn bán giỏ xách bày tỏ.
Theo UBND TP. Nha Trang, sau khi bị cúp điện, đến ngày 3-3, có 75 hộ tại chợ Đầm tròn đến nhận điểm kinh doanh và có 43 hộ đã thực hiện việc di dời lô, sạp sang kinh doanh tại chợ mới. Toàn bộ chợ Đầm có gần 1.300 tiểu thương. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, có gần 1.060 hộ đã di dời vào chợ mới buôn bán, còn lại hơn 200 hộ chưa chịu di dời. Trong đó, có 191 hộ chưa đăng ký điểm kinh doanh.
Hiện nay, TP. Nha Trang vẫn duy trì lực lượng bảo vệ an ninh trật tự và đảm bảo công tác phòng, chống cháy, nổ cho khu vực chợ tròn. Tuy nhiên, vấn đề tài sản của các hộ kinh doanh, UBND thành phố và Ban Quản lý chợ Đầm sẽ không chịu trách nhiệm. Vì vấn đề này đã được thông báo cho tiểu thương; hợp đồng thuê lô, sạp tại chợ tròn đã hết và từ tháng 1-2021, ban quản lý chợ cũng dừng việc thu lệ phí lô sạp, thuế của các hộ kinh doanh này.
Sáng 4-3, tại cuộc họp giao ban định kỳ tháng 3 của Thường trực Tỉnh ủy, ông Nguyễn Khắc Định – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã yêu cầu UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo TP. Nha Trang giải quyết dứt điểm việc di dời tiểu thương chợ Đầm tròn vào khu chợ mới. Theo ông Nguyễn Khắc Định, để tạo sự đồng thuận của các tiểu thương và công luận, UBND tỉnh cần sớm ra thông báo về chủ trương sẽ không sử dụng khu chợ Đầm tròn vào mục đích thương mại, sẽ dành khu vực này để xây dựng các công trình công cộng phục vụ người dân; ra thời hạn cuối cùng cho việc di dời vào khu chợ mới. Đồng thời, ông yêu cầu UBND TP. Nha Trang chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ ở khu vực chợ Đầm. (Xuân Thành)
Nhật Minh
Theo: Báo Khánh Hòa ( https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202103/di-doi-tieu-thuong-o-cho-dam-tron-can-dut-diem-de-dam-bao-cong-bang-8209391/ )
Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202103/di-doi-tieu-thuong-o-cho-dam-tron-can-dut-diem-de-dam-bao-cong-bang-8209391/