Mới đây, Cục Bảo vệ thực vật thông báo xoài Việt Nam chính thức được cấp phép xuất khẩu sang thị trường Mỹ sau 10 năm đàm phán bền bỉ. Khánh Hòa có diện tích xoài lớn, là loại nông sản chủ lực. Vậy đâu là cơ hội cho trái xoài Khánh Hòa có thể tiếp cận thị trường cao cấp này?

Giá cả thiếu ổn định

Đến hết năm 2018, Khánh Hòa có trên 8.000ha xoài. Trong đó có trên 6.500ha đang cho thu hoạch. Năng suất bình quân 58,43 tạ/ha; sản lượng 38.224 tấn. Xoài chủ yếu tập trung ở huyện Cam Lâm, chiếm khoảng 60% diện tích toàn tỉnh. Những năm qua, xoài Khánh Hòa chủ yếu cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu sang Trung Quốc qua con đường tiểu ngạch. Thời điểm thu hoạch xoài chính vụ từ tháng 4 đến tháng 7 hàng năm.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA
Người dân Cam Lâm chăm sóc xoài.

Người dân Cam Lâm chăm sóc xoài.

Nhiều năm qua, xoài Khánh Hòa thường xuyên rơi vào cảnh đầu mùa và cuối vụ giá xoài tương đối ổn định, nhưng vào thời điểm thu hoạch rộ nhất thì giá xoài giảm mạnh. Như mùa vụ năm 2018, xoài Úc đầu mùa và cuối mùa có giá phổ biến 30.000 đồng/kg, nhưng giữa vụ chỉ khoảng 12.000 đồng/kg. Hầu hết các giống xoài khác như: cát Hòa Lộc, tứ quý, canh nông… cũng đều chịu cảnh rớt giá thê thảm như vậy. Trong đó xoài canh nông được giá là 12.000 đồng/kg, nhưng nhiều thời điểm rớt xuống chỉ còn 2.000 đồng/kg.

Theo một số vựa thu mua xoài ở Cam Lâm, biên độ dao động giá bán xoài trở nên lớn hơn kể từ khi các tiểu thương Trung Quốc ồ ạt thu mua xoài trong khoảng hơn 5 năm trở lại đây. Trước đó, xoài Khánh Hòa chủ yếu phục vụ thị trường trong nước, giá cả không quá cao, nhưng ổn định hơn. Chẳng hạn như trái xoài Úc, ban đầu ổn định ở mức khoảng 28.000 đến 30.000 đồng/kg. Nhưng khi thị trường xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc phát triển mạnh, xoài Úc lại được thu mua với giá gấp đôi. Nhưng khi trái xoài Úc đã lệ thuộc khá lớn vào thị trường này, cũng là lúc giá cả nhảy múa với biên độ lớn theo chiều hướng giảm dần. Hiện nay, xoài Úc chỉ còn khoảng 18.000 đồng/kg đối với loại ngon nhất, xoài loại hai chỉ bán được 10.000 đồng/kg.

Hướng tới xuất khẩu

Theo bà Trịnh Thị Thùy Linh – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, mới đây, Cục Bảo vệ thực vật đã thông báo xoài Việt Nam chính thức được cấp phép xuất khẩu sang thị trường Mỹ sau 10 năm đàm phán. Đây là một thị trường có nhu cầu tiêu thụ xoài lớn, giá cả ổn định ở mức cao. Tuy nhiên, trái xoài vào thị trường này phải đáp ứng được yêu cầu cao về tiêu chuẩn chất lượng và truy xuất nguồn gốc. “Về cơ bản, để vào được thị trường Mỹ, trái cây tươi nói chung và trái xoài phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Chuẩn VietGAP của chúng ta đáp ứng được đòi hỏi này. Ngoài ra, người trồng xoài chỉ sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất trong danh mục phía Mỹ cho phép. Trái xoài sau khi thu hoạch phải được chiếu xạ để trừ các loại nấm, sâu bệnh trên bề mặt trái”, bà Linh cho biết.

Một yếu tố quan trọng khác để có thể xuất khẩu xoài sang Mỹ nói riêng và một số thị trường khó tính nói chung đó là trái xoài phải truy xuất được nguồn gốc thông qua quy trình cấp mã số vùng trồng. Mã số này do người dân đăng ký và cơ quan nhà nước chứng nhận, nhằm xác định nguồn gốc khu vực trồng của trái cây đó. Cụ thể, các tổ chức, cá nhân trồng xoài làm hồ sơ yêu cầu cấp mã số vùng trồng gửi về Cục Bảo vệ thực vật. Cục sẽ xem xét, kiểm tra, khảo sát vùng trồng trái cây xin cấp mã số. Nếu vùng trồng đáp ứng đầy đủ các tiêu chí kỹ thuật, cục sẽ tiến hành cấp mã số vùng trồng.

Theo bà Trịnh Thị Thùy Linh, tại Khánh Hòa hiện chưa có nông dân, doanh nghiệp nào được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu xoài sang Mỹ. Ngoài ra, trên toàn tỉnh cũng chưa có cơ sở chiếu xạ theo yêu cầu của Mỹ. Doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu phải vào TP. Hồ Chí Minh chiếu xạ tại các cơ sở đạt tiêu chuẩn. Như vậy, để tiến tới thị trường “đẳng cấp” hơn, cùng với đó là mang về lợi nhuận cao và ổn định hơn, người trồng xoài Khánh Hòa không còn con đường nào khác ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm của mình. Trồng, chăm sóc theo chuẩn VietGAP hoặc tương đương. Khi trái xoài đã đạt chất lượng theo yêu cầu, các tổ chức, cá nhân có thể đăng ký cơ quan chức năng để được cấp mã số vùng trồng. Đó là 2 điều kiện tiên quyết để trái xoài có thể đến được với thị trường Mỹ.

“Sắp tới, chi cục sẽ tiến hành lồng ghép tuyên truyền những thông tin cần thiết liên quan đến việc đưa trái xoài sang Mỹ tại các buổi, lớp tập huấn cho nông dân. Trong đó, tập trung phổ biến chi tiết các điều kiện, yêu cầu, quy trình, thủ tục đăng ký cấp mã số vùng trồng; đề xuất các giải pháp nhằm đảm bảo trái xoài đạt chất lượng xuất khẩu sang các thị trường khó tính nói chung và sang Mỹ nói riêng”, bà Linh cho biết.

Hồng Đăng
 

Theo: Báo Khánh Hòa