Sở Tài chính Khánh Hòa vừa có tờ trình gửi UBND tỉnh đề nghị cho phép triển khai thực hiện xây dựng phần mềm hỗ trợ công tác định giá đất, nhằm phục vụ cho quản lý, thẩm định giá đất và tính toán các nghĩa vụ tài chính liên quan kịp thời, có tính hệ thống.
Công tác định giá đất còn nhiều bất cập
Theo văn bản của Sở Tài chính, hiện nay, yêu cầu của công tác định giá đất cụ thể là định giá từng thửa đất, khu đất thực hiện dự án với nhiều mục đích khác nhau nên đòi hỏi các thửa đất phải được khoanh vùng, định vị rõ ràng theo từng đơn vị hành chính cấp xã. Trong khi đó, giá đất được quy định tại bảng giá đất của tỉnh chưa được xác định về mặt không gian, chưa gắn kết với bản đồ địa chính để hình thành cơ sở dữ liệu về giá đất theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT). Do đó, khi áp dụng giá đất tại bảng giá đất của tỉnh để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất và xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất… gặp nhiều khó khăn, bất cập; xác định vị trí và cung cấp thông tin chuyển nhượng quyền sử dụng đất cũng thiếu chính xác.
Ngoài ra, khi xây dựng cơ sở dữ liệu về giá đất thường chỉ mới dừng lại ở bước thực hiện công tác quản lý nhà nước về đất đai mà chưa tiến hành chuyển giá đất theo từng vị trí đất trong bảng giá đất đến từng thửa đất. Vì vậy, chưa thiết lập được mô hình toán học để khai thác thông tin dữ liệu hiện có để hỗ trợ công tác định giá đất cụ thể đang gặp nhiều khó khăn, phức tạp và rủi ro cao như hiện nay. Hàng năm, Sở TN-MT có tổ chức thu thập thông tin tình hình chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ Phòng TN-MT các huyện, thị xã, thành phố nhưng nguồn dữ liệu này chưa được khai thác và quản lý sử dụng một cách có hệ thống, liên tục để đảm bảo xây dựng cơ sở dữ liệu giá đất theo quy định.
Cần phần mềm hỗ trợ
Để nâng cao hiệu quả công tác định giá, mới đây, lãnh đạo Sở Tài chính, Sở TN-MT có chuyến công tác trao đổi, học tập kinh nghiệm, tìm hiểu phần mềm hệ thống VinaLandInfo mà tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang áp dụng. Đây là sản phẩm đề tài khoa học công nghệ cấp bộ, do Trường Đại học TN-MT TP. Hồ Chí Minh nghiên cứu và phát triển. Qua học tập, nghiên cứu, lãnh đạo Sở Tài chính nhận thấy, việc xây dựng cơ sở dữ liệu giá đất và xây dựng phần mềm hỗ trợ công tác định giá đất là rất cần thiết. Phần mềm giúp hỗ trợ cho công tác định giá đất cụ thể, phục vụ cho quản lý giá đất, cung cấp thông tin về giá đất cho các tổ chức, cá nhân khi có yêu cầu, kể cả của thanh tra, kiểm toán. Đồng thời, giúp thẩm tra, thẩm định giá đất, tính toán các nghĩa vụ tài chính liên quan được kịp thời và có tính hệ thống hơn.
Theo tờ trình của Sở Tài chính, để xây dựng cơ sở dữ liệu về giá đất, bản đồ giá đất trong cơ sở dữ liệu đất đai, trước hết cần chuẩn hóa, đồng bộ bản đồ địa chính về một hệ tọa độ VN – 2000 theo tiêu chuẩn của quốc gia hiện nay. Tuy nhiên, do cơ sở dữ liệu địa chính của tỉnh hiện chưa đồng bộ và cần thời gian để hoàn chỉnh nên sẽ ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu bản đồ giá đất. Do đó, Sở Tài chính kiến nghị UBND tỉnh giao Sở TN-MT kiểm tra, rà soát lại hệ thống cơ sở dữ liệu về đất đai để xây dựng cơ sở dữ liệu về giá đất, bản đồ giá đất, mô hình toán học. Trên cơ sở đó sẽ tiến hành quy trình xây dựng phần mềm hỗ trợ định giá đất. Sở Tài chính dự kiến kinh phí dành cho hoạt động này khoảng 3 tỷ đồng.
NHẬT THANH