Thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác truyền thông về giảm nghèo. Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Duy Lộc – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết:
Những năm qua, công tác thông tin, tuyên truyền về giảm nghèo luôn được các sở, ngành, đơn vị, địa phương thực hiện với hình thức, nội dung phong phú và đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, đến cuối năm 2018, số lượng hộ nghèo và cận nghèo của tỉnh vẫn còn 35.622 hộ, chiếm 11,73% dân số. Do vậy, để góp phần đạt mục tiêu về giảm nghèo mà tỉnh đã đề ra, công tác tuyên truyền về giảm nghèo cần tăng cường hơn nữa để người dân hiểu rõ về các chính sách hỗ trợ; thay đổi nhận thức trong giảm nghèo, khơi dậy tính chủ động, vươn lên; sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng.
– Sở đã triển khai công tác truyền thông về giảm nghèo thời gian qua như thế nào, thưa ông?
– Sở đã tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều hội nghị tập huấn tuyên truyền về công tác giảm nghèo bền vững cho cán bộ các sở, ban, ngành, địa phương và phóng viên các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh tuyên truyền về giảm nghèo bền vững theo phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều. Bên cạnh đó, tăng cường truyền thông nhằm khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo và huy động nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; xây dựng, củng cố hệ thống thông tin cơ sở; nâng cao khả năng tiếp cận thông tin của người dân…
– Xin ông cho biết việc thực hiện đề án hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất và đầu thu truyền hình số vệ tinh cho các hộ nghèo, cận nghèo?
– Sở đã kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các quyết định thực hiện đề án; thành lập, thay thế, kiện toàn ban chỉ đạo đề án, quy chế hoạt động. Đồng thời, sở tập trung đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền để các cơ quan, đơn vị và người dân hiểu về mục tiêu, lợi ích của đề án.
Bên cạnh đó, sở đã khảo sát để tham mưu cấp có thẩm quyền hỗ trợ đầu thu truyền hình số đối với 29.165 hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2017 đến nay, sở đã hỗ trợ 11.064 đầu thu truyền hình số mặt đất (DVB -T2) cho hộ nghèo, cận nghèo Nha Trang, Ninh Hòa, Diên Khánh và Vạn Ninh. Dự kiến đến cuối tháng 12-2019, sở sẽ hỗ trợ đầu thu tại Cam Ranh, Ninh Hòa, Cam Lâm, Khánh Sơn và Khánh Vĩnh.
– Để đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống dưới 2% vào cuối năm 2020, công tác truyền thông cần tập trung vào vấn đề gì, thưa ông?
– Để đạt được mục tiêu đó rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, địa phương trong việc thực hiện các chính sách, trong đó có đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động các cấp, ngành, tổ chức kinh tế – xã hội và các cá nhân tích cực tham gia chương trình giảm nghèo bền vững. Mặt khác, tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người nghèo, cận nghèo; tác động và tạo động lực để họ sử dụng hiệu quả các chính sách hỗ trợ, vươn lên thoát nghèo.
Các cơ quan báo chí cần xây dựng các chuyên trang, chuyên mục và tăng thời lượng thông tin, tuyên truyền một cách đồng bộ, có trọng tâm, đa dạng về phương thức thông tin với từng nhóm đối tượng, vùng miền nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về công tác giảm nghèo…
– Xin cảm ơn ông!
VĂN GIANG (Thực hiện)
Theo: Báo Khánh Hòa