Những năm qua, vào mùa mưa lũ, hàng trăm héc-ta lúa, ao đìa nuôi trồng thủy sản của người dân dọc hai bờ sông Tô Giang, khu vực xã Vạn Long, Vạn Phước (huyện Vạn Ninh) bị ngập úng, cuốn trôi gây thiệt hại nặng nề. Để khắc phục tình trạng này, địa phương đã lên kế hoạch đầu tư xây dựng tuyến kè sông Tô Giang.
Thấp thỏm lo ngập úng
Hai bên bờ sông Tô Giang (đoạn từ Quốc lộ 1 đến đập Hải Triều) là cánh đồng trồng lúa, vườn của hàng chục hộ dân xã Vạn Long và Vạn Phước. Những năm qua, sông Tô Giang chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi việc xả lũ của hồ Hoa Sơn, đặc biệt là khi có lũ lớn. Việc xả lũ gây ngập lụt trên diện rộng vùng hạ du, trong đó có đoạn sông qua khu vực kể trên.
Theo Phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh, với địa hình khá trũng và thấp nên sông Tô Giang đoạn từ Quốc lộ 1 đến đập Hải Triều thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của ngập lụt do mưa bão trong nhiều năm trở lại đây, đặc biệt là năm 2016. Tổng lượng mưa đổ về hồ Hoa Sơn rất lớn khiến hồ này xả lũ, gây ngập lụt trên diện rộng các xã vùng hạ du. Theo số liệu thống kê, tổng số hộ bị ngập khoảng 1.115 hộ với chiều sâu ngập từ 0,1 – 1m, khu vực ngập nặng nhất là thôn Tân Phước Tây, xã Vạn Phước. Diện tích đất trồng cây hàng năm (chủ yếu là lúa) bị ngập khoảng 759ha (khoảng 25 – 30% bị ngập do mưa úng nội vùng canh tác và khu dân cư lân cận đổ ra) với mức độ ngập sâu từ 0,5 – 1,2m. Các xã Vạn Phước và Vạn Khánh bị ngập gần như 100% diện tích canh tác.
“Vào mùa mưa lũ, nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn bị ngập lụt; thiệt hại nặng nhất là các hộ nuôi trồng thủy sản khu vực cửa sông thuộc xã Vạn Long và một số tuyến bờ bao ven biển bị nước lũ cuốn trôi một phần diện tích lúa vụ đông xuân mới gieo trồng. Những năm gần đây, tình hình lũ lụt ở khu vực này không những xảy ra khá thường xuyên mà mức độ cũng rất nghiêm trọng. Vì vậy, việc đầu tư một tuyến kè nhằm chống sạt lở, ngập úng là rất cần thiết”, ông Nguyễn Ngọc Ý – Trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh cho biết.
Sẽ sớm đầu tư
Lãnh đạo UBND huyện Vạn Ninh cho biết, tuy biết tình trạng sạt lở, ngập lụt dọc hai bờ sông Tô Giang ngày càng trầm trọng, nhưng do nguồn ngân sách hạn hẹp nên việc đầu tư vẫn chưa được đồng bộ, chủ yếu trông chờ vào nguồn vốn cấp tỉnh. Những năm trước đây, nhờ có nguồn vốn của tỉnh, đoạn sạt lở nhất từ khu vực cầu Hải Triều ra cửa biển đã được đầu tư kiên cố. Đến nay, sau nhiều năm kiến nghị, dự án xây kè sông Tô Giang từ Quốc lộ 1 đến đập Hải Triều đã được đưa vào danh mục đầu tư công trung hạn 2021 – 2025 của tỉnh.
Được biết, công trình thuộc cấp IV với quy mô đầu tư đoạn sông chỉnh trị dài khoảng 500m, được kè bờ kiên cố hai bên với tổng chiều dài 1.000m. Hình thức kè mái nghiêng kết hợp tường đứng. Kè có kết hợp làm đường giao thông nền bằng bê tông với bề rộng 5m. Dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 58 tỷ đồng. Cơ cấu nguồn vốn dự kiến do ngân sách tỉnh cấp khoảng 50 tỷ, số còn lại ngân sách huyện.
Ông Nguyễn Ngọc Ý cho biết, hiện nay, huyện đã có báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư. Sau khi được phê duyệt, bố trí vốn địa phương sẽ sớm triển khai. Trước mắt khi chưa triển khai xây kè, trong khi mùa mưa bão năm nay cũng đang đến gần, để đảm bảo an toàn cho người dân, UBND huyện chỉ đạo chính quyền địa phương chủ động triển khai các biện pháp khắc phục tạm thời và có hướng di dời một số hộ dân gần sông có nguy cơ bị ngập nặng.
THÀNH NAM
Theo: Báo Khánh Hòa ( https://baokhanhhoa.vn/xa-hoi/moitruong-dothi/202006/dau-tu-ke-song-to-giang-8168516/ )
Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/xa-hoi/moitruong-dothi/202006/dau-tu-ke-song-to-giang-8168516/