Cơn bão lớn cuốn theo tất thảy những gì nó gặp trên đường đi, trang trại Kim Kim Hoa ở thôn Xuân Tự, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh cũng không ngoại lệ.

Khu vườn rộng 20ha của trang trại Kim Kim Hoa từ lâu đã là một hình mẫu cho mô hình kinh tế cây trồng giá trị cao. Nơi đây chẳng những được ví như một công viên mà còn là hình thái về nông nghiệp sạch đã chạm ngưỡng chuẩn globalGAP vốn khắt khe hơn nhiều so với chuẩn VietGAP. Hàng nghìn gốc bưởi da xanh, gốc xoài nhiều chủng loại đang ở độ sung sức nhất. Xen lẫn vào đó là rừng gỗ quý hơn 8 năm tuổi xanh tốt. Tất cả được vun trồng, chăm sóc một cách tỷ mẩn ở trình độ canh tác cao.

Cả vườn cây xanh tốt, giá trị cao hoang tàn sau bão

Cả vườn cây xanh tốt, giá trị cao hoang tàn sau bão

Chủ vườn, bà Kim Hoa, vốn là một kỹ sư xây dựng, nhưng lại có niềm đam mê đặc biệt với cây cỏ. Bà đã dần biến mảnh đất vốn chỉ là rẫy tạp trở thành điểm du lịch sinh thái lý tưởng với hàng chục loại cây ăn trái, cây gỗ quý được trồng ngay hàng thẳng lối, mang về nguồn thu nhập bạc tỷ. Ấy vậy mà sau khi cơn bão Damrey quét qua, những gì còn sót lại nơi đây khiến cho tất thảy những ai từng đến nơi này phải chạnh lòng.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

“Đón chào” chúng tôi là hàng cây keo độ 7 năm tuổi vốn được trồng để tạo cảnh quan và chắn bớt gió nay đã gãy gụp xuống. Vào sâu hơn trong khu vườn, hàng nghìn cây bưởi, cây xoài đều bật gốc trơ trọi. Phần lớn trong số đó gãy gụp, héo úa. Ông Nguyễn Hữu Kha – người đã gắn bó với vườn cây này 5 năm cho biết: “5 tấn bưởi đang thu hoạch dở, 10 tấn bưởi chỉ độ vài tháng nữa là đưa ra thị trường bán Tết Nguyên đán đều thi nhau rụng. Khoảng 6 tấn xoài chưa kịp thu hoạch cũng lần lượt rời cành. Chúng tôi chỉ có thể ở trong nhà, nghe tiếng lộp bộp khắp vườn mà lòng như lửa đốt”.

Vẫn chưa hết bàng hoàng sau trận bão, bà Võ Thị Son – người làm lâu năm ở đây than: “Gần 8 giờ sáng thì gió lặng. Anh em bước ra và tất cả đều không tin vào mắt mình. Cả vườn cây đã bị gió đánh tả tơi sau bão. Mọi người lặng lẽ xách từng chiếc giỏ đi lượm quả rụng mà nước mắt lưng tròng”.

Cho đến lúc này, vườn cây Kim Kim Hoa có 3.000 gốc bưởi da xanh, 2.000 gốc xoài với 3 giống chủ lực là xoài Úc, xoài Đài Loan và xoài tứ quý, 300 gốc cam xoàn, quýt đường mà một nửa trong số đó đã cho trái, số còn lại sang năm tới là đến độ thu hoạch… bị gãy, đổ. Những người làm vườn ở đây cho biết, các loại cây ăn quả bị đổ ngã không thể phục hồi là 50%. Phần còn lại, anh em công nhân đang tập trung tời kéo cây đứng dậy, cắt tỉa bớt số cành và thực hiện các biện pháp kỹ thuật để dưỡng cây, nhưng cũng mất cả năm trời số cây này mới có thể cho trái.

Theo lãnh đạo UBND huyện Vạn Ninh, cơn bão số 12 đã gây ra thiệt hại nặng nề cho nông nghiệp của huyện. Diện tích bị hư hại gồm: 500ha lúa, 360ha hoa màu, 450ha cây ăn quả, 300ha điều, 1.700ha keo, 30.800 con gia cầm, 600 con gia súc bị cuốn trôi… Ước thiệt hại về nông nghiệp khoảng 630 tỷ đồng (không bao gồm thiệt hại về thủy sản).

Ngay sau bão, bà Kim Hoa – chủ khu vườn tất tả bay từ TP. Hồ Chí Minh ra thăm vườn cây, những gì đập vào mắt bà thật quá đỗi khủng khiếp. Lặng lẽ, bà chia cho mỗi người bám trụ lại vườn cây của mình 500.000 đồng như một sự hàm ơn vì đã ở lại trong điều kiện bão lớn. “Cây ăn quả tôi có thể phục hồi được phần nào. Những cây không thể phục hồi thì độ 3 năm sau cây thay thế sẽ lại xanh tốt. Thứ tôi tiếc nhất đó là vườn cây gỗ quý đều ngã đổ, gãy làm đôi, không thể cứu được”, bà Kim Hoa chia sẻ. Vườn cây gỗ quý mà bà nói bao gồm: 700 gốc gỗ sưa đã 8 năm tuổi, hơn 500 cây dó bầu từ 4 đến 10 năm tuổi, 200 gốc gỗ vĩnh 8 năm tuổi, đường kính 30cm… Tất cả nếu không bị bão xé toạc, bẻ gãy thì cũng bị bật gốc, không thể phục hồi.

Không chỉ cây trái, vườn cây vốn dĩ được đầu tư hơn 25 tỷ đồng trong khoảng 8 năm qua còn bị gãy đổ hoàn toàn hệ thống nhà kính trị giá hơn 3 tỷ đồng, cả 3 hệ thống tưới bao gồm tưới phun, tưới vòi và tưới nhỏ giọt được đầu tư bài bản cũng bị cuốn theo cơn bão. Toàn bộ hệ thống điện bị gãy đổ, đứt gãy, 5 nhà trại công nhân bị sụp đổ hoàn toàn, 1 nhà chính dành cho công nhân bị tốc mái… Trong câu chuyện với chúng tôi, bà Kim Hoa chia sẻ: “Hơn chục tỷ đồng đã bay theo cơn bão. Bây giờ, của thì cũng đã mất rồi. Bên cạnh sự nỗ lực bằng các giải pháp kỹ thuật để cứu lấy những gì còn sót lại, lúc này chúng tôi rất cần sự động viên, khích lệ từ chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn giúp phục hồi vườn cây. Tham vọng của chúng tôi là muốn xây dựng Kim Kim Hoa thành một hình mẫu, một cách làm mới trong nông nghiệp, không chỉ cung cấp cho thị trường những loại trái cây chất lượng cao, an toàn mà còn hướng đến mô hình du lịch sinh thái”.

Đăng – Hùng

Theo: Báo Khánh Hòa