Dự án hồ chứa nước sông Chò 1 tại huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) với sức chứa lớn nhất tỉnh đang được kỳ vọng sẽ là đòn bẩy đánh thức những vùng đất nông nghiệp giá trị cao.

Hồ chứa nước lớn nhất tỉnh

Theo báo cáo của cơ quan chức năng, hiện nay, hơn 30 hồ chứa nước trên toàn tỉnh có tổng sức chứa chưa đầy 250 triệu m3 nước. Các công trình thủy lợi này mới chỉ đáp ứng tưới cho khoảng 20.000ha, trong khi diện tích đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh khoảng 100.000ha. Vì thế, việc đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi nhằm giải bài toán thiếu nước tưới đã được đặt ra từ nhiều năm qua.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

Sau quá trình khảo sát thực tế, tháng 4-2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án hồ chứa nước sông Chò 1. Dự án chia thành 2 phần, trong đó cụm công trình đầu mối (hồ chứa) với tổng mức đầu tư 950 tỷ đồng do Bộ NN-PTNT đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ. Cụ thể, hồ chứa nước sẽ được đầu tư trên sông EaKrông Trang, thượng lưu sông Chò thuộc địa phận xã Khánh Bình, Khánh Vĩnh. Tại đây sẽ có các hạng mục như: đập dâng ngăn sông, tràn xả lũ, cống lấy nước, tuynel cấp nước cho khu tưới huyện Khánh Vĩnh và tuynel cấp nước cho khu tưới thị xã Ninh Hòa… Dự án đầu tư trong giai đoạn 2017 – 2021, sẽ tạo nên hồ chứa nước có tổng dung tích 108 triệu m3, lớn nhất Khánh Hòa hiện nay.

Cùng với dự án do Bộ NN-PTNT làm chủ đầu tư, UBND tỉnh cũng sẽ thực hiện dự án hệ thống đập dâng, kênh và đường ống cấp nước để đưa nước vươn tỏa đến khu tưới của 3 xã tại Khánh Vĩnh gồm: Khánh Bình, Khánh Hiệp, Khánh Đông; một nhánh khác từ hồ chứa sông Chò 1 sẽ vươn đến các xã: Ninh Sim, Ninh Xuân, Ninh Tân và Ninh Hưng của thị xã Ninh Hòa. Tổng mức đầu tư dự án do Khánh Hòa thực hiện khoảng 548 tỷ đồng.

Khi ráp nối 2 hợp phần kể trên, công trình này đặt mục tiêu cấp nước tưới cho diện tích 2.500ha đất sản xuất nông nghiệp tại 3 xã ở Khánh Vĩnh và chuyển nước sang lưu vực sông Cái Ninh Hòa tưới cho 2.500ha đất sản xuất nông nghiệp tại thị xã Ninh Hòa. Đồng thời, hồ sông Chò 1 còn đảm nhận vai trò cấp nước với lưu lượng 110.000m3/ngày đêm phục vụ sinh hoạt và công nghiệp. Trong điều kiện nắng hạn, nước trên sông Cái Nha Trang cạn kiệt, nguồn nước từ hồ sông Chò 1 sẽ tiếp nước với lưu lượng khoảng 2m3/s để cấp về hạ du sông Cái Nha Trang nhằm hỗ trợ đẩy mặn.

Nhiều diện tích cây ăn quả ở Khánh Vĩnh chưa chủ động nước tưới

Nhiều diện tích cây ăn quả ở Khánh Vĩnh chưa chủ động nước tưới

Không chỉ để tưới lúa

Với quy mô đầu tư lớn như vậy, hồ chứa nước sông Chò không thể chỉ phục vụ để tưới lúa. Vì vậy, mới đây, trong cuộc họp liên quan đến dự án này, đồng chí Lê Đức Vinh – Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: “Đây là dự án quy mô, có mức đầu tư lớn. Đơn vị tư vấn cần xác định mục tiêu rõ ràng hơn, định hướng nguồn nước phục vụ tưới cho các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, trong đó đặc biệt là cây ăn quả”.

Về vấn đề này, theo lãnh đạo UBND huyện Khánh Vĩnh, các xã Khánh Đông và Khánh Hiệp trong khoảng 5 năm gần đây đã chuyển sang trồng cây ăn quả, trong đó chủ lực là cây bưởi da xanh, còn xã Khánh Bình đang tập trung phát triển chăn nuôi và một số diện tích cây ăn quả. Nhìn chung, hầu hết diện tích cây ăn quả của 3 xã này đều đang phải sử dụng nước tưới từ giếng khoan, vừa tốn kém đầu tư cho người dân vừa không đủ lưu lượng nước theo nhu cầu của cây trồng. Trong số 2.500ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp được hưởng lợi nguồn nước tưới từ sông Chò 1, chỉ có 340ha lúa, phần còn lại là hoa màu và cây ăn quả. Ngoài bưởi da xanh, người dân cũng đã phát triển đáng kể diện tích cây sầu riêng, cam… Tuy nhiên, do chưa chủ động nguồn nước nên chưa phát huy tối đa năng suất, hiệu quả. Ngoài ra, còn nhiều diện tích trồng keo, bắp và một số cây trồng ngắn ngày khác, người dân chưa mạnh dạn chuyển đổi do chưa chủ động được nước tưới.

Với nhánh đưa nước về vùng tưới dành cho 4 xã ở Ninh Hòa, đây đều là các xã trọng điểm vùng mía nguyên liệu của Khánh Hòa. Những năm qua, việc nâng cao hiệu quả của cây mía đường nơi đây luôn được quan tâm, song hầu hết người trồng mía vẫn chủ yếu trông chờ vào nguồn nước mưa, ảnh hưởng đến năng suất cây mía. Đồng thời, một số hộ muốn chuyển đổi một phần diện tích trồng mía, rẫy tạp sang các loại cây trồng khác nhưng do nguồn nước hạn chế nên chưa thể chuyển đổi.

Nhà nước và nhân dân cùng làm

Một trong những định hướng mà tỉnh đưa ra đối với hệ thống kênh, đập dâng, đường ống dẫn nước tưới tới mặt ruộng đó là cùng với nguồn lực của Nhà nước, sự đóng góp của người dân hết sức quan trọng. Cụ thể, khu tưới Khánh Vĩnh cần đầu tư hơn 60km kênh dẫn, phía Ninh Hòa 5,5km kênh để tiếp nước từ hồ sông Chò 1 đến hồ suối Trầu và tiếp nước vào suối Nhà Chay, thượng lưu sông Cái Ninh Hòa. Hệ thống kênh, đập dâng và đường ống cấp nước này cần tổng cộng hơn 158ha đất, trong đó có hơn 85ha đất lâm nghiệp, 52ha đất chưa sử dụng và khoảng 20ha đất lúa, hoa màu… Qua tính toán, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án do tỉnh thực hiện khoảng 22 tỷ đồng. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, đây là dự án mang tính xã hội cao, với mục tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, vì thế, các địa phương Ninh Hòa và Khánh Vĩnh chịu trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, vận động người dân hiến đất nơi công trình đi qua để thực hiện dự án, đặc biệt là đối với các hệ thống kênh nhánh cấp 1.

Để góp phần đưa dự án này vào thực hiện, theo kế hoạch đầu tư công trung hạn, đến năm 2020 tỉnh mới chỉ bố trí được khoảng 100 tỷ đồng, dự án sẽ được chuyển tiếp sang giai đoạn sau, nhưng nhìn chung trong điều kiện hiện nay sẽ rất khó khăn về vốn đầu tư. Vì thế, sự chung tay từ phía người dân, nhất là việc tự nguyện hiến đất nơi hệ thống đường nước đi qua là một trong những điều kiện cần thiết để dự án này sớm được triển khai các bước đầu tư.

Hồng Đăng
 

Theo: Báo Khánh Hòa