Bão số 9 nhiều khả năng sẽ đổ bộ vào khu vực Nam Trung bộ vào ngày 24-11. Chính phủ, các bộ ngành trung ương và địa phương hiện đang tích cực chuẩn bị cho công tác ứng phó. Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay đó là việc đảm bảo tính mạng của người dân ở những nơi xung yếu.

Một ngôi nhà ở thôn Phước Lộc, Phước Đồng bị sạt lở sau đợt mưa vừa qua
Một ngôi nhà ở thôn Phước Lộc, Phước Đồng bị sạt lở sau đợt mưa vừa qua

Tại cuộc họp trực tuyến ứng phó bão số 9 do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Trưởng Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai chủ trì cùng các bộ ngành và 14 tỉnh khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên sáng 22-11, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: “Chúng ta cẩn thận bao nhiêu cũng thiếu. Chủ quan một chút đã thừa. Qua dự báo, khi vào gần bờ, bão sẽ di chuyển chậm, thời gian tác động lâu. Sức gió cấp 9, giật cấp 12. Xoáy vào các tỉnh từ Phú Yên đến Bình Thuận. Ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Quảng Nam đến Vũng Tàu. Đây là khu vực rất dễ bị tổn thương do thiên tai”.

Vào 7 giờ ngày 22-11, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 300km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 7, giật cấp 9. Dự báo sẽ mạnh lên thành bão số 9 nhiều khả năng sẽ đổ bộ vào khu vực Nam Trung bộ, đặc biệt là các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận vào chiều 24-11.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

Đến nay, qua kiểm đếm tại 9 tỉnh từ Quảng Nam đến Vũng Tàu có khoảng 29.000 tàu cá đang đánh bắt trên biển, các tỉnh này cũng có tổng cộng 25km bờ biển bị sạt lở, nhiều vị trí nguy hiểm. Khu vực này cũng có 11 vị trí với 38km đê biển xung yếu, cần tập trung bảo vệ trong tổng số 628 km đê biển. Tại Tây Nguyên, hơn 500 hồ chứa đã tích đầy nước từ 70% trở lên. Các hồ chứa cũng đã có biện pháp canh gác, tập trung bảo vệ.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, rút kinh nghiệm sâu sắc từ những lần thiên tai gần đây, tỉnh Khánh Hòa đang tập trung bám sát dự báo, nắm chắc hơn nữa diễn biến bão. Tích cực chỉ đạo các địa phương phổ biến, thông tin kịp thời cho người dân tình hình, diễn biến mưa bão sắp đến để người dân chủ động ứng phó; thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Tỉnh xác định gần 1.000 điểm xung yếu, cần phải sơ tán 280.000 dân. Khánh Hòa cũng có 41.000 lồng bè với 8.000 dân lao động trên lồng bè cần sơ tán, hơn 9.400 tàu thuyền cần được sắp xếp, neo đậu tránh trú bão an toàn. Căn cứ phương án ứng phó các cấp đã được phê duyệt, tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt di dời, sơ tán người dân ra khỏi vùng xung yếu trước khi có thiên tai xảy ra, đặc biệt là các vị trí xung yếu về lũ quét, sạt lở đất, các khu vực nuôi trồng lồng bè trên biển, kiên quyết cưỡng chế các hộ dân không chịu di dời, sơ tán và tăng cường kiểm tra sau khi di dời, không để người dân quay lại nơi nguy hiểm.

Toàn tỉnh Khánh Hòa cũng có 51 đập tràn xung yếu sẽ lập chốt chặn, không cho người dân qua lại. Các đơn vị quản lý lên phương án chi tiết nhằm đảm bảo an toàn công trình và khu vực hạ du đối với 30 hồ chứa thủy lợi. Ngoài ra, các với những công trình đang xây dựng, có các hạng mục, thiết bị có khả năng gây nguy hiểm cho người và tài sản của các hộ dân xung quanh, yêu cầu các nhà thầu, chủ đầu tư có các giải pháp đảm bảo an toàn.

Một hộ dân ở thôn Thành Phát đang được di dời về nhà văn hóa Phú Cường - Phú Thọ (Phước Đồng)
Một hộ dân ở thôn Thành Phát đang được di dời về nhà văn hóa Phú Cường – Phú Thọ (xã Phước Đồng, TP. Nha Trang)

Chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các địa phương tích cực quyết liệt hơn nữa, đặc biệt là ở khu vực tỉnh Khánh Hòa chưa bao giờ tình hình mưa bão lại đến trùng, dồn dập như hiện nay. Ban chỉ đạo trung ương sẽ tổ chức đoàn công tác vào Khánh Hòa trong ít ngày tới. Đây là cơn bão đặc biệt nguy hiểm, tuyệt đối không được chủ quan, nhất là ở các tỉnh Nam Trung bộ với địa hình, địa chất, địa mạo, quy mô kinh tế… rất dễ bị tổn thương bởi thiên tai. Yêu cầu các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Vũng Tàu thực hiện ngay công tác đảm bảo an toàn tuyến biển. Kiểm tra lại toàn bộ tàu thuyền. Kiên quyết không để xảy ra rủi ro cho bà con ngư dân. Khi tàu thuyền vào đến nơi neo đậu phải sắp xếp lại an toàn cả phương diện thiên tai, lẫn an ninh, trật tự. Đảm bảo an toàn cho du khách trên các đảo, các điểm du lịch trên biển. Kiên quyết di dời người dân nuôi trồng thủy sản trên biển vào bờ an toàn, có kế hoạch chốt trực, bảo vệ tài sản nuôi trồng trên biển và không để người dân tự ý quay lại bè nuôi trồng thủy sản. Trên bờ, tuyệt đối không để xảy ra tổn thương tính mạng đối với nhân dân khu vực xung yếu, sạt lở, ngập úng nghiêm trọng, lũ quét… Tập trung chỉ đạo các chủ công trình trọng điểm đang thi công thực hiện ngay các giải pháp đảm bảo an toàn công trình và không gây nguy hiểm cho khu vực dân cư lân cận trước, trong và sau khi xảy ra mưa bão.

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung rà soát kỹ phương án ứng phó, chủ động lực lượng, phương tiện, thiết bị, vật tư… Yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo. “Rút kinh nghiệm sâu sắc từ cơn bão 12 năm 2017, việc đảm bảo an toàn cho người dân trên biển, trên bờ phải là là ưu tiên cao nhất” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Công Định

Theo: Báo Khánh Hòa