Tại tọa đàm “Thực trạng và giải pháp trong việc theo dõi thi hành án hành chính” do Cục Công tác phía Nam (Bộ Tư pháp) phối hợp với Tổng cục Thi hành án dân sự tổ chức tại Khánh Hòa mới đây, các đại biểu đã nhận định, công tác theo dõi thi hành án hành chính đã có nhiều chuyển biến, nhưng cũng bộc lộ nhiều bất cập.

Nhiều quy định chưa rõ ràng

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA


Ông Nguyễn Thái Hổ – Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Khánh Hòa cho biết, Nghị định (NĐ) số 71, ngày 1-7-2016 của Chính phủ quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của tòa án có quy định, trong 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định buộc thi hành án hành chính, chấp hành viên được phân công theo dõi việc thi hành án phải làm việc với người phải thi hành án để yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trong bản án, quyết định của tòa án… Tuy nhiên, cơ chế thực hiện chưa được quy định rõ nên chấp hành viên khó thực hiện đúng quy định, nhất là về thời gian.



Một phiên xử vụ án hành chính tại Tòa án nhân dân tỉnh tháng 7-2022.

Một phiên xử vụ án hành chính tại Tòa án nhân dân tỉnh tháng 7-2022.



Đại diện Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nêu, NĐ số 71 quy định cơ quan thi hành án dân sự đề xuất xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án nếu vi phạm. Các hành vi vi phạm có thể là chậm thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đúng và không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của tòa án. Đối với trường hợp chậm thi hành án, do NĐ số 71 không quy định thời hạn cuối cùng phải thi hành xong bản án hành chính nên nếu người phải thi hành án cho rằng họ đang thi hành thì trong một thời điểm cụ thể khó nhận diện được họ có vi phạm hay không để kiến nghị xử lý. Đại diện Cục Thi hành án dân sự TP. Hồ Chí Minh ý kiến, NĐ số 71 chưa quy định rõ thời hạn cơ quan thi hành án dân sự phải ra văn bản kiến nghị xử lý trách nhiệm người phải thi hành án có vi phạm. Mặt khác, để xử lý trách nhiệm của người chậm thi hành án hoặc không chấp hành bản án, quyết định của tòa, cần xác định người đó có hành vi cố ý, nhưng NĐ số 71 không quy định rõ thế nào là hành vi cố ý.


Cũng liên quan đến quy định đề xuất xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án nếu vi phạm, nhiều đại biểu cho rằng, trong thực tế, người phải thi hành án là lãnh đạo cơ quan nhà nước, nhiều vụ việc là chủ tịch UBND, đồng thời là trưởng ban chỉ đạo thi hành án dân sự; trong nhiều trường hợp, cơ quan thi hành án dân sự phải thực hiện chỉ đạo của chủ tịch UBND. Do đó, trên thực tế, quy định nói trên chưa đảm bảo tính khả thi.

Cần sửa đổi, bổ sung các quy định


Ông Nguyễn Thanh Bình – Cục trưởng Cục Công tác phía Nam thừa nhận, một số quy định về thi hành án hành chính chưa rõ ràng. Do cơ chế thi hành án hành chính là cơ chế tự thi hành nên đối với trường hợp bản án, quyết định bị chậm hoặc không được tổ chức thi hành, chưa có chế tài khả thi để buộc người phải thi hành án tổ chức thi hành. Vai trò của cơ quan thi hành án dân sự chỉ là theo dõi, đề xuất và kiến nghị xem xét, xử lý trách nhiệm. Quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2015 cũng dẫn tới thực trạng không ít cơ quan thi hành án dân sự chưa quyết liệt kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý trách nhiệm người phải thi hành án.


Nhiều ý kiến đề nghị sớm sửa đổi, bổ sung Luật Tố tụng hành chính và NĐ số 71 để công tác thi hành án hành chính và theo dõi thi hành án hành chính được thống nhất, hiệu quả. Tòa án cần tăng cường xử lý sớm các kiến nghị giám đốc thẩm, giải thích án phát sinh trong quá trình tổ chức thi hành án. Người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án tăng cường kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc thực hiện nghĩa vụ thi hành án; nghiêm khắc xử lý trách nhiệm người phải thi hành án có vi phạm…



Trên toàn quốc, từ năm 2017 đến 2021, tòa án nhân dân các cấp đã chuyển giao cho cơ quan thi hành án dân sự 10.445 bản án hành chính, trong đó có 1.711 bản án thuộc phạm vi theo dõi của cơ quan thi hành án dân sự. Các cơ quan này đã ra 1.486 văn bản thông báo tự nguyện thi hành án; đăng tải công khai 733 quyết định buộc thi hành án; tổ chức làm việc với người phải thi hành án trong 1.112 vụ việc; kiến nghị người có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với 269 vụ việc do vi phạm nghĩa vụ thi hành án. Riêng năm 2022, các cơ quan thi hành án dân sự đã theo dõi 403/403 bản án hành chính có quyết định buộc thi hành án; đã thi hành xong 120 bản án, quyết định; đang tiếp tục thi hành 283 bản án, quyết định có quyết định buộc thi hành án hành chính.

Tại Khánh Hòa, từ năm 2020 đến nay, Cục Thi hành án dân sự tỉnh tiếp nhận 62 bản án hành chính, trong đó phát sinh 15 việc có quyết định buộc thi hành án; đã thi hành xong 6 việc, còn 9 việc chưa thi hành xong.


NGUYỄN VŨ

Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/phap-luat/202211/cong-tac-theo-doi-thi-hanh-an-hanh-chinh-con-nhieu-bat-cap-8270755/