Mấy hôm nay, một số trang báo mạng đưa thông tin có một doanh nghiệp đã tổ chức đưa cano cứu người ngay trong cơn bão dữ. Việc cứu người là đáng được biểu dương dù ở hoàn cảnh nào, thế nhưng nói chỉ có doanh nghiệp này tổ chức cứu hộ là phủ nhận sự nỗ lực vào cuộc của cả một hệ thống chính trị huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa). Những người viết bài này đã trực tiếp trực bão cùng địa phương xin gửi tới bạn đọc góc nhìn đa chiều về câu chuyện cứu người trong cơn bão dữ.

13 giờ 30 ngày 2-11, theo sự phân công của Ban biên tập, phóng viên có mặt tại huyện Vạn Ninh. Theo ghi nhận của chúng tôi, tại đây, công tác phòng chống lụt bão của huyện được triển khai rốt ráo. Lãnh đạo huyện chia thành các tổ đi kiểm tra trực tiếp các xã, thị trấn về công tác phòng chống bão số 12. Huyện xác định, tập trung di dời người dân ở những nơi xung yếu vào nơi an toàn. Đặc biệt là những lao động trên các lồng bè thủy hải sản được tới nhắc nhở, tuyên truyền để sớm vào bờ tránh trú bão. Không chỉ vậy, huyện đã quyết liệt cưỡng chế đối với những hộ cố tình không vào bờ. Đến trước 16 giờ cùng ngày, hầu hết người nuôi trồng thủy sản đã được đưa vào bờ. Thế nhưng thực tế, sau khi trở về nhiều người tìm cách quay trở lại lồng bè bởi tâm lý lo sợ mất tài sản.

Đến 11 giờ ngày 4-11 bão đã đi qua được một ngày, gió lớn và những cơn mưa nặng hạt bắt đầu nổi lên. Người dân trên lồng bè đã cảm thấy lo lắng, nhưng do sóng quá lớn không thể vào được bờ. Gia đình những người ngoài biển liên tục lên trụ sở UBND huyện báo cáo cầu cứu. Trước tính cấp bách, với phương châm cứu người là trên hết, huyện tổ chức một cuộc họp khẩn yêu cầu các ngành chức năng hiến kế cứu người. Lãnh đạo đồn biên phòng trên địa bàn được huy động, thế nhưng những chiếc tàu trên địa bàn huyện không thể nào ra khơi. Trong lúc khó khăn nhất, huyện đã quyết định liên lạc nhờ sự vào cuộc của cảnh sát biển (Hải đội Cảnh sát biển 302) tại Ninh Hòa. Nhận được tin báo, hải đội đã đồng ý điều 2 tàu cứu hộ đi tìm kiếm. Đến tối cùng ngày khoảng gần 60 người được tàu Cảnh sát biển cứu và đưa vào bờ an toàn.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA
Chiếc cano này được cho là của doanh nghiệp tổ chức đi cứu hộ người dân trong đêm bão dữ ngày 4-11.
Chiếc cano này được cho là của doanh nghiệp tổ chức đi cứu hộ người dân trong đêm bão dữ ngày 4-11.

Theo báo cáo của UBND huyện, sau khi nhờ sự chi viện của cảnh sát biển, đến 14 giờ 50 đơn vị này đã tổ chức đưa tàu phối hợp với lực lượng biên phòng, quân sự đến tối cùng ngày đã đưa được 54 người từ biển vào bờ an toàn. Ông Lê Văn Khải – Chánh Văn phòng UBND huyện Vạn Ninh cho biết, tin từ tàu cảnh sát biển báo về, đơn vị đã tiếp cận và cứu được nhiều người dân dọc tuyến biển, đặc biệt là gom được những người bị cô lập trên biển; số còn lại đã được một tàu hải quân gần đó vào trú bão đưa lên tàu an toàn và sẽ tổ chức đưa vào ngày hôm sau do thời tiết chuyển xấu. Bên cạnh đó, huyện đã liên hệ được với Viện nuôi trồng thủy sản I, nhờ xà lan gần đó đưa được 100 người vào bờ an toàn. Như vậy, trong ngày 4-11, chỉ có 154 người được đưa vào bờ.

Theo lãnh đạo Hải đội 302, việc tìm kiếm cực kỳ khó khăn do trời tối, sóng quá lớn, trong khi hàng nghìn thùng phuy nhựa và cây gỗ từ các bè trôi lênh đênh trên biển nên không thể tiếp tục tìm kiếm trong đêm. Ngay cả tàu lớn như của cảnh sát biển còn khó khăn, với thời tiết đó thì không một chiếc ca nô nào có thể ra khơi để cứu người. Chỉ cần nổ máy ra khơi là ắt hẳn sẽ chìm ngay.

Thiếu tá Hồ Văn Tương – Chính trị viên phó Hải đội 302: Sóng gió trong chiều ngày 4-11 là rất dữ dội, chỉ có tàu lớn mới có thể ra khơi, ghe không thể mà cano thì càng không được phép. Bởi cano chỉ lướt nhẹ trên sóng nhỏ còn sóng gió mạnh thì chắc chắn ra khơi sẽ bị lật.

Ông Khải khẳng định, ngay thời điểm người dân báo, huyện đã huy động tổng lực, trong đó gồm cả doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn. Tuy nhiên khi liên hệ doanh nghiệp này cũng báo không dám ra khơi. “Nếu chỉ nói một doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức cứu người bị nạn trong bão là không đúng, như vậy là phủ nhận vai trò của chính quyền địa phương trong việc tìm kiếm cứu hộ đối với người dân bị cô lập trên biển trong cơn bão số 12. Trong cơn nguy cấp nhất, toàn bộ lãnh đạo huyện có mặt tại trực tiếp chỉ đạo, phối hợp với những cơ quan chức năng đưa người dân vào bờ an toàn. Còn doanh nghiệp được cho là đi cứu người thực chất là sau hai ngày bão qua, đơn vị này mới cho cano đưa người dân từ các điểm tương đối an toàn vào bờ (các điểm đảo, gành). Dù đưa người từ những khu vực nào thì việc cứu người cũng đều được tuyên dương. Tuy nhiên mấy hôm nay, tôi đọc báo và thấy nhiều trang mạng đưa thông tin chưa đa chiều và thời điểm cứu người không chính xác, huyện cũng rất phiền lòng”, ông Khải chia sẻ.

Những người viết bài này cũng đã trực tiếp liên hệ với giám đốc doanh nghiệp này để tìm hiểu sự việc. Tuy nhiên khi chúng tôi ngỏ ý muốn gặp để trao đổi thì ông này nói đang đưa cano và nhân viên tiếp tục đi tìm kiếm người dân trên biển và đồng ý trao đổi qua điện thoại. Theo chủ doanh nghiệp, việc tổ chức đi cứu người được đơn vị này thực hiện ngay trong 16 giờ ngày 4-11, tức là thời điểm sóng to gió lớn. Ông cũng cho biết, đơn vị huy động 3 cano và 8 người trong công ty đi cứu người trên biển cũng như ở một số gành trong lúc sóng cao từ 2 đến 3m. Đặc biệt, 3 chiếc ca nô cùng đội cứu hộ đi xuyên đêm không nghỉ đến sáng 5-11 mới trở về. Cũng theo giám đốc doanh nghiệp này thì đơn vị đã đưa được hơn 200 người dân vào bờ.

Chúng tôi đã liên hệ với UBND huyện Vạn Ninh và có được công văn của doanh nghiệp này về việc tham gia cứu hộ người bị nạn trên biển thuộc các đảo, theo đó doanh nghiệp này báo cáo đưa được 178 người vào bờ trong 2 ngày 4 và 5-11.

VINH – NAM

Theo: Báo Khánh Hòa