Ngày 7-12, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (PCTT – TKCN và PTDS) tỉnh Khánh Hòa đã có công văn tới các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh về việc chủ động ứng phó với mưa lũ lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất và gió mạnh trên biển.


TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA
Mưa sẽ tiếp tục kéo dài đến hết ngày 9-12 trên địa bàn Khánh Hòa
Mưa sẽ tiếp tục kéo dài đến hết ngày 9-12 trên địa bàn Khánh Hòa

Theo đó, trong những ngày vừa qua, khu vực miền Trung từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa đã xảy ra mưa lớn, một số tỉnh đã có thiệt hại về người, công trình hạ tầng và sản xuất nông nghiệp. Tại Khánh Hòa, lượng mưa đo được từ ngày 2-12 đến sáng ngày 7-12 phổ biến từ 150-250mm đã gây ngập một số diện tích lúa, hoa màu, làm sạt lở một số tuyến đường, công trình thủy lợi.

Theo bản tin của Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam Trung Bộ, trong các ngày từ 7 đến 9-12, khu vực tỉnh Khánh Hòa tiếp tục có mưa vừa đến mưa to và dông, mưa lớn tập trung trong ngày 7 và ngày 8-12, sau đó giảm dần. Tổng lượng mưa toàn đợt các nơi phổ biến từ 100-150mm.

Do mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày, đất đạt trạng thái bão hòa nên nguy cơ sạt lở rất cao, đặc biệt là các các tuyến đường đèo, khu vực dân cư và các dự án xây dựng ở khu vực đồi núi…; một số hồ chứa trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã đầy nước, dung tích các hồ chứa đạt từ 90-100% so với dung tích thiết kế nên khả năng mất an toàn hồ chứa là rất lớn.

Để kịp thời triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lũ lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất và gió mạnh trên biển, Ban Chỉ huy PCTT – TKCN và PTDS tỉnh đề nghị Ban Chỉ huy PCTT – TKCN các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tăng cường công tác thông tin cảnh báo về diễn biến thời tiết, thiên tai, mưa lũ đến các cơ quan, đơn vị, chính quyền và người dân trên từng địa bàn để nắm bắt chủ động triển khai các biện pháp ứng phó. Các khu vực cầu, ngầm, tràn… đang bị ngập lụt, chia cắt do mưa lũ phải bố trí lực lượng hướng dẫn, chốt chặn nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân khi có thiên tai xảy ra. Kiểm tra ngay các khu vực có nguy cơ sạt lở, khu vực nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất để thực hiện sơ tán người khỏi khu vực nguy hiểm.

Chỉ đạo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN cấp xã tuyên truyền, vận động người dẫn thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi tham gia hoạt động trên biển; Phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chi cục Thủy sản quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các phương tiện.

Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại khu vực trọng điểm để kịp thời tổ chức hỗ trợ người dân sơ tán, cứu trợ, cứu hộ cứu nạn khi có yêu cầu.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh và các đơn vị đóng trên địa bàn rà soát phương án, chủ động triển khai lực lượng, phương tiện, trang thiết bị hỗ trợ địa phương ứng phó với mưa lũ, sẵn sàng sơ tán dân, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Sở Giao thông vận tải phối hợp với Công an tỉnh và các địa phương chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn giao thông, nhất là tại các khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở đất, khắc phục nhanh các tuyến giao thông bị sạt lở do mưa lũ.

Chủ đầu tư xây dựng các công trình trên địa bàn tỉnh chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn công trình khi có mưa lũ lớn, đặc biệt là đảm bảo an toàn người lao động và người dân trong khu vực xây dựng công trình, đặt biển cảnh báo tại các khu vực ngập nước trong phạm vi dự án, tổ chức gia cố giằng néo các phương tiện, trang thiết bị và bố trí lực lượng, phương tiện để kịp thời khắc phục các sự cố công trình do mưa lũ gây ra.

Các đơn vị quản lý hồ chứa nước chủ động điều tiết nước hồ chứa hợp lý trên cơ sở dự báo khí tượng, thủy văn và tình hình thực tế để đảm bảo an toàn cho công trình, hạn chế ngập lụt cho vùng hạ du và tích trữ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2023. Phối hợp với các địa phương bị ảnh hưởng do xả lũ hồ chứa thực hiện thông tin, cảnh báo tình hình điều tiết, xả lũ để các địa phương nắm bắt, chủ động sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm khi có thiên tai, mưa lũ xảy ra. Tăng cường công tác kiểm tra thực địa, quan sát trực quan tại hiện trường để nắm bắt kịp thời hiện trạng đập, hồ chứa nước; đảm an toàn công trình. Đồng thời, không để các hoạt động có nguy cơ gây mất an toàn đối với tính mạng người dân diễn ra trong phạm vi bảo vệ công trình đập, hồ chứa nước như: câu cá, vớt củi, bơi lội, vớt cá, di chuyển ghe thuyền trên mặt hồ chứa…

Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam Trung Bộ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, nguy cơ sạt lở đất, lũ quét và thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và người dân biết để chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó

Đài Phát thanh và Truyền hình Khánh Hòa, Báo Khánh Hòa và các phương tiện thông tin đại chúng tiếp tục theo dõi, đưa tin kịp thời, chính xác về diễn mưa lũ, công tác chỉ đạo ứng phó của các cấp các ngành để Nhân dân biết, chủ động phòng tránh.

H.Đ

Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202212/chu-dong-ung-pho-nguy-co-sat-lo-dat-do-mua-lon-keo-dai-8271742/