Với thực trạng nguồn nước hiện tại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các tỉnh, thành ngay từ bây giờ cần cân đối nước hợp lý, đề phòng hạn hán, thiếu nước vào năm sau. Ở Khánh Hòa, các kịch bản ứng phó đã được lên chi tiết.

2 hồ chứa đạt thấp

Theo lãnh đạo Chi cục Thủy lợi, trong số 19 hồ chứa nước lớn trên địa bàn tỉnh, hầu hết đều đã tích trữ đủ nước phục vụ cho các nhiệm vụ của năm 2020. Cụ thể, 19 hồ chứa nước này có khả năng chứa được khoảng 250 triệu khối, theo số liệu đến ngày 20-12 đã tích trữ được 183 triệu khối, tương đương 74%. Nhiều hồ đang đầy nước, các hồ khác phổ biến đạt hơn 70%. Tuy nhiên, hiện nay còn 2 hồ chứa nước đạt thấp so với trung bình nhiều năm, trong khi đây là 2 hồ có sức chứa lớn, phục vụ cho các mục đích sinh hoạt, công nghiệp, sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, hồ Đá Bàn với sức chứa 75 triệu khối nước hiện chỉ mới tích được 49 triệu khối. Hồ này bên cạnh phục vụ cấp nước cho sinh hoạt khoảng 5.500m3 ngày đêm còn đảm nhiệm nước tưới cho khoảng 7.800ha lúa 2 vụ và rau màu. Hồ chứa nước Cam Ranh có sức chứa 22 triệu khối, hiện nay mới chỉ đạt được khoảng một nửa. Hồ này đảm nhận nhiệm vụ tưới cho khoảng 1.500ha sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là cấp 20.600m3 nước sinh hoạt ngày đêm.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA
Đoàn công tác của Tổng cục Thủy lợi kiểm tra an toàn  tại hồ chứa nước Suối Lớn (xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh).

Đoàn công tác của Tổng cục Thủy lợi kiểm tra an toàn tại hồ chứa nước Suối Lớn (xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh).

Theo cơ quan chuyên môn, với sức chứa các hồ khoảng 250 triệu khối cũng chưa đủ để đáp ứng nhu cầu nước ngày càng cao trong sinh hoạt, công nghiệp, sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, trong những năm tới, hoạt động cung ứng nước cho các khu, cụm công nghiệp, dịch vụ du lịch, vùng trồng cây ăn quả sẽ tăng lên. Các đối tượng này đòi hỏi được cung cấp nước thường xuyên, quanh năm.

Tiết kiệm cả trong mùa mưa

Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn có thể xảy ra trong năm tới, vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ thị các địa phương phải tiết kiệm nước và ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn ngay từ cuối năm 2019. Chỉ thị nêu rõ, với thực trạng nguồn nước hiện tại và thông tin nhận định khí tượng, thủy văn, khả năng sẽ xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2019 – 2020 ở nhiều vùng trên cả nước.

Tại Khánh Hòa, mùa mưa vừa kết thúc. Lẽ ra đây là thời điểm nước tại các hồ chứa dồi dào, nhiều hồ còn phải xả điều tiết nước. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Chi cục Thủy lợi, trong 3 năm liên tiếp gần đây, tình hình thời tiết rất bất thường, lượng mưa tăng, giảm đột biến. Trong khi đó, hầu hết các hồ chứa nước ở Khánh Hòa đều là công trình nhỏ, chỉ cần mưa lớn trong ít ngày đã phải xả điều tiết, còn khi nắng hạn xảy ra liên tục trong khoảng 3 – 4 tháng thì tình trạng thiếu nước lại xảy ra. Vì vậy, hoạt động cân đối, điều tiết, tiết kiệm nước là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, ngay cả trong mùa mưa.

Thực hiện chỉ thị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh đã tập trung xây dựng kế hoạch tổng thể phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019 – 2020. Trong đó, chú trọng ở 2 hồ chứa nước Đá Bàn và Cam Ranh. Khu vực hưởng lợi từ 2 hồ chứa này đã được tính toán, lên kế hoạch để ưu tiên sử dụng nước theo thứ tự sinh hoạt, công nghiệp – dịch vụ, nông nghiệp. Theo cơ quan chuyên môn, về cơ bản, vụ đông xuân đã hoàn tất. Lượng nước hiện tại đủ phục vụ cho các nhiệm vụ tưới trong năm 2020 trong trường hợp nắng hạn không quá gay gắt và khi các giải pháp tiết kiệm nước được triển khai ngay từ bây giờ.

HỒNG ĐĂNG
 

Theo: Báo Khánh Hòa