Trang chủ Thời sự “Chẩn bệnh” ngập lụt Nha Trang

“Chẩn bệnh” ngập lụt Nha Trang

15



Ngày 15-12, đoàn công tác do ông Hồ Văn Mừng, Bí thư Thành ủy Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), dẫn đầu đã tổ chức khảo sát khu vực xung yếu, thường xảy ra tình trạng ngập lụt để tìm giải pháp căn cơ, chống ngập cho Nha Trang.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

Ngập nhanh, rút chậm

Đợt mưa từ ngày 28-11 đến 1-12 vừa qua không phải là quá lớn nhưng TP Nha Trang, nhất là khu vực phía Tây, ngập nặng kéo dài nhiều ngày. Thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Khánh Hòa, khu vực ngập nặng nhất ở xã Vĩnh Trung và xã Vĩnh Thạnh, gần như các thôn đều ngập và cô lập hoàn toàn gần 5.800 hộ với 25.000 người bị ảnh hưởng. Các khu vực khác như xã Vĩnh Phương, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Ngọc cũng đều ngập sâu.

Ông Ngô Chí, Trưởng thôn Phú Trung 2 (xã Vĩnh Thạnh), sống ở đây từ năm 1981, nhà ông nâng nền cao hơn mức lũ thường xảy ra khoảng 15 cm nhưng liên tục 2 năm 2020, 2021 nước vẫn vào nhà. “Thời điểm năm 2020, tôi cho là kỷ lục từ trước đến nay. Vậy mà ai ngờ được đến năm nay không những nước vào nhà mà ngập đến đầu gối. Kỷ lục lại bị phá” – ông Chí nói.

Anh Nguyễn Minh Chế, một người dân xã Vĩnh Thạnh, cho biết nhà anh cũng bị ngập ở mức kỷ lục trong đợt lụt vừa qua, gần 1,5 m. “Nước lên thì nhanh nhưng lại mất đến 2-3 ngày mới rút hết, mặc dù khu tôi ở chỉ cách cửa biển chừng 5 km” – anh Chế nói.

Theo ông Chí, trước đây khu vực Vĩnh Thạnh đa số là đồng lúa trũng nên nước rút rất nhanh. Còn bây giờ, nhiều người đổ đất san nền khiến nước không có chỗ thoát. Một số con đường như Phú Trung nâng cao cốt đường nhưng không làm cống để thoát ra sông Cái khiến nước ứ đọng, biến khu vực Tây Nha Trang thành rốn lũ.

Chẩn bệnh ngập lụt Nha Trang - Ảnh 1.

Phố biển Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa ngập nặng trong trận lụt vừa qua dù 4 phía có sông, biển

Cần giải pháp căn cơ

Ông Lê Xuân Thái – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Khánh Hòa, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Khánh Hòa – cho biết năm nay mưa và các hồ xả lũ nhưng không thoát ra được sông Cái, gây ngập. Trong khi đó, hạ tầng ở các xã vùng ven TP Nha Trang không đồng bộ, khu vực Vĩnh Trung, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Ngọc, Vĩnh Phương… không có hệ thống thoát nước bài bản, cống nhỏ chủ yếu thoát nước mưa. Tình trạng phân lô, xây dựng tràn lan, giao thông đầu tư không tính toán cầu, cống thoát nước. Đây là lý do gây nên việc ngập nhanh, rút chậm.

Ông Nguyễn Duy Quang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa, cho rằng cần phải có các giải pháp công trình như nạo vét những dòng sông, thi công một dòng sông đào nối giữa sông Cái và sông Tắc, sông Quán Trường để thoát lũ ra biển nhanh hơn so với hiện nay. “Cần phải có những hệ thống liên thông giữa lưu vực sông, để khi mưa lớn thì dòng chảy tập trung vào cánh nào đó thì cánh kia sẽ gánh bớt lưu lượng tải lũ ra biển” – ông Quang nêu.

Ông Hồ Văn Mừng cho biết qua khảo sát, đánh giá để chống ngập lụt cho Nha Trang thì phải có giải pháp căn cơ, tổng thể. Điều này đồng nghĩa phải có một nghiên cứu khoa học, từ đó có đánh giá điểm nào ngập, điểm nào có thể liên kết với nhau… để đưa ra giải pháp cho cả TP Nha Trang. Điều quan trọng là phải kết nối được các dòng sông với nhau để tạo hệ thống thoát nước. “Tôi cũng yêu cầu cơ quan, ban ngành liên quan chỉnh trang đô thị phải đồng bộ, khớp nối với nhau. Các khu đô thị phải có phương án thoát nước cho cả khu đô thị và khu dân cư lân cận. Vì các khu đô thị triển khai sẽ nâng cốt nền, điều này làm các khu vực lân cận bị thấp trũng, hứng nước. Ngoài ra, cần bổ sung việc thoát nước, chống ngập vào quy hoạch chung TP Nha Trang. Bên cạnh đó, TP cũng sẽ lên kế hoạch khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh rạch” – ông Mừng thông tin.

Trước mắt, TP Nha Trang yêu cầu các đơn vị, địa phương giải quyết những điểm ngập thường xuyên ở các tuyến đường cửa ngõ TP như đường 2/4, phường Vĩnh Hải; đường 23/10, đoạn qua xã Vĩnh Thạnh; đại lộ Nguyễn Tất Thành, xã Phước Đồng. 

Không để xả lũ cùng lúc

Ngày 15-12, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Khánh Hòa có văn bản yêu cầu các địa phương chủ động ứng phó đối với áp thấp nhiệt đới có khả năng thành bão số 9. Dự báo ngày 17-12, bão đi vào khu vực phía Nam biển Đông; ngày 19 đến 20-12, bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực ven biển nước ta. Ban chỉ huy yêu cầu các địa phương rà soát các khu vực xung yếu, có nguy cơ ảnh hưởng của bão, mưa lũ, nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, lũ ống để chủ động thông tin, cảnh báo đến người dân khi có tình hình mưa lũ lớn xảy ra. Đặc biệt, các đơn vị quản lý hồ chứa thủy lợi, thủy điện phải tổ chức trực ban 24/24 giờ, theo dõi diễn biến mưa lũ để tính toán lưu lượng nước về hồ và căn cứ tình hình vùng hạ du để điều tiết, tích nước, xả lũ hợp lý, tránh xả lũ cùng lúc nhằm hạn chế ngập lụt, bảo đảm an toàn vùng hạ lưu.

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

Chẩn bệnh ngập lụt Nha Trang - Ảnh 3.
Chẩn bệnh ngập lụt Nha Trang - Ảnh 4.







Bài và ảnh: KỲ NAM








Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/chan-benh-ngap-lut-nha-trang-20211215195010205.htm