Sau cơn bão số 12, các rừng keo trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa bị gãy, đổ nằm ngổn ngang. Đến nay, việc tận thu rừng trồng vẫn còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế và có nguy cơ cháy trên diện rộng.
Ông Lương Nguyễn Nhật Trường – Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Vĩnh cho biết: Toàn huyện có 3.000ha rừng keo. Sau bão, gần 100% diện tích bị thiệt hại từ 30 đến 50%. Trong đó, có 1.000ha đang trong độ tuổi khai thác, người dân có thể tận thu, còn lại khoảng 2.000ha từ 1 đến dưới 3 năm tuổi khó tận thu. Đến thời điểm này, chỉ có số ít diện tích rừng trồng ven các tuyến đường giao thông đã được người dân tận thu; còn những diện tích ở xa, đường đi lại khó khăn đang nguyên hiện trạng.
Ông Nguyễn Văn Thêm (xã Khánh Hiệp) cho biết, sau bão, toàn bộ diện tích keo gần 4ha của gia đình ông bị gãy, đổ hơn 90%. Mấy ngày nay, ông phải chạy khắp nơi mới tìm được nhân công để cắt keo, lột vỏ. Hiện nay, keo đã thu xong hơn 5 ngày nhưng chưa vận chuyển được về nhà máy do thiếu phương tiện. Mặt khác, keo gãy đổ nhiều, lại phơi nắng, mưa nhiều ngày nên chất lượng không đảm bảo, giá mua thấp, công lại cao nên người dân có tận thu cũng không được bao nhiêu. “Điều chúng tôi lo lắng là mấy ngày nay trên địa bàn có nắng, nếu không thu kịp thì nguy cơ cháy rất cao”, ông Thêm nói.
Theo ông Trương Nghĩa – thương lái thu mua keo tại các xã cánh bắc huyện Khánh Vĩnh, sau bão, hàng nghìn héc-ta keo tại các xã cánh bắc của huyện bị gãy, đổ, mặc dù các nhà máy đã tích cực thu mua nhưng khó khăn nhất hiện nay là thiếu nhân công và phương tiện vận chuyển keo về các nhà máy. Giá keo hiện nay tương đối thấp, thu mua tại Khánh Vĩnh chỉ 800.000 đồng/tấn (giảm khoảng 300.000 đồng/tấn so với trước bão), giá nhân công 230.000 đồng/công (tăng 60.000 đồng so với trước); bên cạnh đó, do gãy đổ lâu ngày nên cây keo bị khô, trọng lượng giảm khoảng 20 – 30%…
Tại huyện Khánh Sơn, ông Phan Văn Sửu – Phó Chủ tịch UBND huyện cho hay: “Ngay sau cơn bão số 12, UBND huyện đã đề nghị các đơn vị thu mua keo trên địa bàn tập trung thu mua những diện tích keo trong độ tuổi khai thác bị gãy, đổ để giảm thiệt hại cho người dân. Đến thời điểm này, gần 50% trong tổng số 480ha keo bị gãy, đổ đã được tận thu. Người dân đang tích cực dọn, tìm mua giống để trồng lại cho kịp thời vụ. Địa phương cũng đã chỉ đạo các ngành, địa phương liên quan triển khai các biện pháp phòng, chống cháy cho những diện tích rừng bị thiệt hại sau bão, có nguy cơ cháy cao”.
Theo ông Nguyễn Văn Tới – Phó Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Vạn Ninh, đến nay, toàn bộ diện tích khoảng 1.200ha rừng trồng trong lâm phận của đơn vị vẫn chưa được tận thu. Đơn vị đang lập hồ sơ xin tận thu diện tích rừng trồng này để thu hồi tài sản cho Nhà nước. “Chúng tôi kiến nghị tỉnh sớm chỉ đạo các đơn vị, địa phương tiến hành kiểm kê, xác định mức độ thiệt hại, cho phép chủ rừng nhanh chóng tận thu diện tích rừng bị gãy, đổ sau bão, vừa để thu hồi tài sản cho Nhà nước, vừa đảm bảo công tác phòng, chống cháy rừng trên diện rộng”, ông Tới nói.
Thống kê sơ bộ, có ít nhất 7.718ha rừng trồng của các chủ rừng nhà nước bị thiệt hại nặng. Trong khi đó, cơn bão số 12 cũng đã để lại hậu quả nặng nề đối với hơn 33.000ha rừng trồng (chủ yếu là rừng keo) của người dân trên địa bàn tỉnh. Các địa phương chịu nhiều thiệt hại về rừng trồng là: Vạn Ninh, Ninh Hòa, Diên Khánh, Khánh Vĩnh… Hiện nay, người dân các địa phương tích cực tận thu những diện tích rừng trong độ tuổi khai thác; những diện tích rừng chưa tận thu được thì chặt bỏ để trồng mới. Theo chia sẻ của người dân các địa phương, với tốc độ tận thu rừng trồng chậm như hiện nay rất khó để người dân kịp trồng lại rừng trong năm nay, nhiều diện tích sẽ phải đợi đến mùa mưa năm sau mới có thể trồng lại. Ngoài ra, hầu hết rừng gãy đổ đã khô cành, ngọn, trở thành nguồn vật liệu dễ bén lửa; rừng lại sát cạnh đường đi, nếu không kiểm soát kỹ, nắng vài ngày, rất dễ xảy ra cháy lớn.
Ông Nguyễn Khương – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Sau bão, chi cục đã chỉ đạo các hạt kiểm lâm địa phương tăng cường công tác quản lý, bảo vệ lâm sản; bên cạnh đó, chú trọng công tác phòng cháy chữa cháy rừng. Các hạt kiểm lâm địa phương cần thực hiện song song việc tuần tra, kiểm soát, xử lý nạn khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép với việc đôn đốc, hỗ trợ chủ rừng trong phòng, chống cháy rừng, nhất là đối với những diện tích rừng bị gãy đổ sát đường đi, gần nhà dân…
BÍCH LA
Theo: Báo Khánh Hòa