Cái tên Cầu Đất nghe là lạ. Có người giải thích đó là bởi nơi này ngày xưa có một cây cầu làm bằng đất. Nói thế chứ đi qua những con đường vòng lượn ở đây biết bao lần, tôi chẳng thấy cây cầu bằng đất nào, chỉ thấy đồi chè Cầu Đất. Con đường từ Đà Lạt đến Cầu Đất dạo này trở nên rộn ràng, bởi sau một thời gian du khách từ Nha Trang đi Đà Lạt thích con đường mới, họ lại muốn trở lại con đường cũ. Sự rộn ràng ấy cũng nhờ mạng xã hội và cũng do dân phượt thường di chuyển bằng xe máy, muốn có một không gian check in mới, đẹp, lạ, độc.

Rời khỏi Đà Lạt từ sáng sớm, tôi đi theo con đường Trần Hưng Đạo, rẽ qua Hùng Vương rời xa thành phố. Một không gian rộng mở, một con đường mang hơi thở cuộc sống ấy tạo cho lòng nhiều cảm xúc. Đi qua Trại Mát, chỉ lướt qua khu chợ nằm sát đường, gặp ga xe lửa Trại Mát, điểm cuối của tuyến xe lửa du lịch Đà Lạt – Trại Mát dài 7km đầy hấp dẫn. Cầu Đất cách Đà Lạt 20km, thuộc thôn Trường Thọ, xã Xuân Trường. Cầu Đất có một khu dân cư phát triển kể từ năm 1922, khi những cư dân đầu tiên chủ yếu là công nhân của đồn điền chè Cầu Đất do Pháp tiến hành khai hoang. Năm 1927, đồn điền Cầu Đất chính thức đưa vào hoạt động khai thác do người Pháp quản lý, hiện nay gọi là Công ty Cổ phần chè Cầu Đất.

Thật ra với khách lữ hành, điều quan tâm chính là vẻ đẹp đến lạ của nơi này. Ngay cả con đường đến đây cũng mang đầy cảm giác. Từ Trại Mát đi đến Cầu Đất là khu vực dân cư. Những căn nhà gỗ thông, vườn hồng, vườn mận, vườn su su cứ thế làm cho cuộc hành trình của khách trở nên không vội. Ngay cả khi đi ngang một khu vực đông dân, rau cải cứ dồn ra đường để đợi những chuyến xe tới đưa đến một nơi chốn khác. Cảnh các cô cậu học trò mặc áo len đi bộ đến trường, thấp thoáng dưới thung lũng sâu là thông xanh, đó là cảm giác tận hưởng.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

Không vội tới đồi chè, mà hãy dừng chân ở Cầu Đất. Đây là một khu dân cư có rất nhiều ngôi nhà cổ xây dựng kiểu Pháp. Thị trấn cong một vòng dốc, quán cà phê có cửa kính, bên ngoài để bàn cho khách phương xa thích nhấp ly cà phê nóng mà ngắm phố xá. Cảm giác ngồi trong lạnh rét, cà phê ủ trong chiếc tách sứ dày ủ độ nóng, chỉ uống nhỏ nhẹ từng ngụm, còn đôi mắt thì nhìn con phố cổ đã gần trăm năm kia đang chộn rộn trong buổi sáng sương mù còn thênh thang trên từng đôi chân bước.

Rời con phố nhỏ, xe lại qua con đường nhỏ chao lên chao xuống, cho đến khi thấy chiếc cổng, đặc biệt là tấm bảng bên trên ghi: “Công ty Trà Việt Nam – Sở Trà Cầu Đất”, bên dưới ghi chữ tiếng Pháp giống như tấm bảng năm 1927, khi Sở Trà Cầu Đất đi vào hoạt động. Có khác chăng là trụ chống hai bên xưa là hai trụ thép, nay là hai trụ xi măng sơn vàng. Con đường đó đưa vào nhiều ngả đường trong chập chùng đồi chè. Bạn mặc sức phóng xe đi sâu vào theo con đường uốn lượn ấy, thích chỗ nào thì dừng chân, khám phá, chụp ảnh.

Đồi chè Cầu Đất không tạo ra kiểu hình trái tim như ở Mộc Châu, nhưng ở đây có màu xanh bắt mắt, đồi chè này nối đồi chè nọ, tạo cho người đến cảm giác rộn ràng. Con đường vào uốn lượn, có những hàng cây xanh đẹp, dọc lề đường có rất nhiều loài hoa dại mọc và bung nở đủ sắc hoa.

Tôi đã đi trên những con đường đã từng in dấu chân của những công nhân hái chè. Con đường ấy không dễ đi, nhưng là con đường của khát khao tìm tới. Tôi chen vào từng hàng chè đã được cắt ngọn còn để cao vừa tầm tay người hái. Những tấm ảnh của tôi lưu lại trong bình minh trên  xanh mướt ấy có cả bầu trời xanh, những bông hoa dại, có cả những cây cao làm bóng mát cho người công nhân hái chè. Tôi mang đi những tấm ảnh, còn đồi chè ở lại. Sẽ còn bao người lại tìm tới nơi này.

KHUÊ VIỆT TRƯỜNG