Đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 sẽ được lựa chọn các đoạn ưu tiên làm trước 657km. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 sẽ tăng thêm 3km chiều dài, giảm tổng mức gần 14.000 tỷ đồng so với bước nghiên cứu tiền khả thi trước đó.

Đây là điểm nhấn trong báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải gửi Quốc hội về tình hình thực hiện dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 theo Nghị quyết 52/2017 ngày 22/11/2017 của Quốc hội.

[Cao tốc Bắc-Nam ‘ngốn’ gần 120.000 tỷ đồng cơ bản thông xe vào 2021]

Theo kết quả thực hiện trong bước nghiên cứu nghiên cứu khả thi, tổng chiều dài toàn tuyến cao tốc Bắc-Nam đoạn phía Đông tăng thêm 3km so với bước nghiên cứu tiền khả thi (từ 654km lên 657km), tổng mức đầu tư giảm gần 14.000 tỷ đồng, từ 118.716 tỷ đồng xuống 105.046 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn Nhà nước giảm từ 55.000 tỷ đồng xuống 50.943 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư giảm từ 63.716 tỷ đồng xuống 54.103 tỷ đồng.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

Lý giải về việc tổng mức đầu tư giảm gần 14.000 tỷ đồng so với báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dù tăng 3km chiều dài, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, trong bước nghiên cứu khả thi thực hiện khảo sát chi tiết, chuẩn xác các giải pháp thiết kế, tính toán khối lượng theo thiết kế cơ sở, cập nhật đơn giá, định mức, chế độ chính sách của Nhà nước, chuẩn xác lại chi phí giải phóng mặt bằng trên cơ sở cập nhật lại khối lượng giải phóng mặt bằng và khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt,… để lập tổng mức đầu tư.

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Thể, tổng mức đầu tư các dự án thành phần thay đổi do thay đổi chiều dài tuyến, giảm chi phí dự phòng do cập nhật theo chỉ số giá xây dựng, thay đổi mức lãi suất vốn vay… so với bước nghiên cứu tiền khả thi.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, 8 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam thực hiện đầu tư theo hình thức PPP đã hoàn thành công tác lập báo cáo nghiên cứu khả thi, hoàn thiện các thủ tục có liên quan theo quy định như phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, phê duyệt khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đã thỏa thuận với các bộ, ngành và địa phương.

Sau khi phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, Bộ Giao thông Vận tải sẽ lựa chọn nhà thầu tư vấn (theo hình thức đấu thầu rộng rãi), tổ chức khảo sát và lập thiết kế kỹ thuật, dự toán các dự án thành phần.

Đối với vốn đầu tư của Nhà nước đối với 3 dự án thành phần (Mai Sơn-Quốc lộ 45, Quốc lộ 45-Nghi Sơn và Dầu Giây-Phan Thiết), Bộ Giao thông Vận tải đã cập nhật, hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi, xác định mức vốn đầu tư của Nhà nước cho các dự án để phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi.

Đối với 5 dự án còn lại (Nghi Sơn-Diễn Châu, Diễn Châu-Bãi Vọt, Nha Trang-Cam Lâm, Cam Lâm-Vĩnh Hảo và Vĩnh Hảo-Phan Thiết), Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thiện báo cáo kết quả thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định mức vốn Nhà nước cho 5 dự án làm cơ sở để phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án và triển khai các bước tiếp theo theo quy định. Hiện nay, Văn phòng Chính phủ đang lấy ý kiến của các bộ, ngành.

Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư (do địa phương tổ chức thực hiện), dự kiến, Bộ Giao thông Vận tải sẽ bàn giao cọc giải phóng mặt bằng, mốc lộ giới đường bộ cho các địa phương khoảng đầu năm 2019. Các địa phương sẽ tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và triển khai công tác giải phóng mặt bằng.

Dự kiến đến thời điểm khởi công các dự án thành phần, công tác giải phóng mặt bằng đạt khoảng 70% tổng khối lượng giải phóng mặt bằng; hoàn thiện toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng khoảng quý 1/2020.

“Thời gian thực hiện theo quy định đối với các thủ tục nêu trên cần tối thiểu khoảng 15 tháng, do vậy các dự án đầu tư theo hình thức PPP dự kiến sẽ bắt đầu thi công khoảng đầu năm 2020 và cơ bản hoàn thành năm 2021,” Bộ trưởng Thể cho hay.

[Hoàn thành các đoạn, tuyến cao tốc Bắc-Nam vào năm 2021]

Trước đó, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV vào tháng 11/2017, Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư một số đoạn cao tốc Bắc-Nam, giai đoạn 2017-2020 đầu tư khoảng 654km, chia thành 11 dự án thành phần đi qua 13 tỉnh, thành.

Theo tính toán sơ bộ, tổng mức đầu tư giai đoạn 2017-2020 khoảng 118.716 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ khoảng 55.000 tỷ đồng bao gồm 14.155 tỷ đồng thực hiện giải phóng mặt bằng; 27.694 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng các dự án đầu tư theo hình thức PPP; 13.151 tỷ đồng cho các đoạn đầu tư công. Nguồn vốn nhà đầu tư khoảng 63.716 tỷ đồng, bao gồm vốn chủ sở hữu khoảng 12.743 tỷ đồng, vốn vay khoảng 50.973 tỷ đồng.

Để đảm bảo bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, có lợi nhuận, phù hợp với cơ chế thị trường và sức chi trả của người dân, Chính phủ xác định mức giá tại thời điểm đưa vào kinh doanh khai thác (khoảng 1.500 đồng/xe con tiêu chuẩn/km) và mức giá cụ thể cho từng thời kỳ trong vòng đời dự án làm cơ sở tính toán phần vốn góp của Nhà nước và xác định giá gói thầu để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư./.

Theo: Viet Nam Plus