Nhằm tăng cường hơn nữa sự quan tâm của các quốc gia đối với công tác phòng, chống tác hại thuốc lá, Tổ chức Y tế Thế giới lấy ngày 31-5 hàng năm là ngày Thế giới không thuốc lá. Chủ đề năm 2020 là “Bảo vệ thanh, thiếu niên khỏi tác động của việc quảng cáo các sản phẩm thuốc lá và sử dụng thuốc lá”.
Với chủ đề này, Tổ chức Y tế Thế giới kêu gọi cộng đồng cần quan tâm việc nghiện chất nicotine có trong sản phẩm thuốc lá; các quốc gia cần thực hiện những chính sách mạnh mẽ để bảo vệ giới trẻ trước nguy cơ sử dụng các sản phẩm thuốc lá, bao gồm cả thuốc lá điếu truyền thống cũng như các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Theo Bộ Y tế, một số tập đoàn thuốc lá trên thế giới giới thiệu thuốc lá nung nóng là loại sản phẩm thuốc lá mới, với đặc tính là chỉ làm nóng ở nhiệt độ đủ cao để sinh ra các hạt khói, làn khói cho người hút thuốc hít vào thông qua một thiết bị điện tử. Thiết bị điện tử bao gồm bộ phận gia nhiệt làm nóng, điếu thuốc (hay đầu cắm) được sử dụng cùng nhau. Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, thuốc lá làm nóng tạo ra chất khí độc hại, có nhiều chất độc giống như trong khói thuốc lá điếu thông thường. Tuy thuốc lá nung nóng được nung ở nhiệt độ thấp hơn, nhưng vẫn tạo ra một số hóa chất được xếp vào nhóm gây ung thư (acrolein, volatile organic chemicals, acetaldehyde, carbon monoxide, polycyclic aromatic hydrocarbons, heavy metals, formaldehyde…) tương tự như trong khói thuốc lá. Nồng độ một số hóa chất thấp hơn trong thuốc lá điếu thông thường, nhưng nồng độ một số hóa chất khác lại cao hơn. Nồng độ hóa chấp thấp không đồng nghĩa với giảm nguy cơ sức khỏe.
Khói thuốc lá nung nóng ngoài gây hại cho người hút thì còn gây tác hại cho người xung quanh do hút thuốc thụ động. Cụ thể, thuốc lá nung nóng chứa nicotine là chất gây nghiện mạnh, có hại cho sức khỏe, đặc biệt đối với trẻ em, vị thành niên và phụ nữ có thai. Phơi nhiễm chất nitrosamines liên quan tới ung thư phổi, mũi, thực quản, gan, tuyến tụy và cổ tử cung. Phơi nhiễm chất aldehydes cũng có thể gây ung thư phổi và mũi, còn làm cho phổi dễ bị nhiễm khuẩn. Phơi nhiễm carbon monoxide làm giảm việc cung cấp oxy tới tim, làm tăng nguy cơ gây huyết khối, gây bệnh tim và đột quỵ. Phơi nhiễm acrolein góp phần làm tăng mảng bám trong mạch máu cũng như tạo huyết khối, tăng nguy cơ tim mạch, gây tổn hại khả năng chống viêm của phổi. Sử dụng các sản phẩm thuốc lá là một trong các yếu tố nguy cơ hàng đầu đe dọa sức khỏe con người. Sử dụng thuốc lá gây ra 25 loại bệnh khác nhau; trong đó, có các bệnh như: Ung thư phổi, ung thư thanh quản, ung thư khoang miệng, ung thư bàng quang, các bệnh tim mạch, bất lực ở nam giới.
Hàng năm, trên thế giới có khoảng 8 triệu người chết do hút thuốc lá và 1 triệu người chết do phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động; 70% số trường hợp tử vong là ở các nước đang phát triển, trong đó, có Việt Nam. Theo Bộ Y tế, nếu các biện pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá không được triển khai có hiệu quả, dự báo trong thế kỷ này, thuốc lá sẽ giết chết khoảng 1 tỷ người, nhiều hơn tổng số người chết do dịch HIV/AIDS, bệnh lao và tai nạn giao thông đường bộ cộng lại. Đối với thanh, thiếu niên, khi sử dụng thuốc lá sẽ gây ra nhiều thay đổi tiêu cực. Thủ phạm là chất nicotine tác động vào hệ thần kinh trong não khiến người dùng ở nhóm tuổi trẻ dễ bị nghiện nicotine hơn so với các lứa tuổi khác; vì thế, sẽ sớm bị ảnh hưởng đến sức khỏe và trầm trọng hơn trong tương lai.
Để bảo vệ thanh, thiếu niên khỏi tác động của việc quảng cáo các sản phẩm thuốc lá và sử dụng thuốc lá, tất cả thanh, thiếu niên hãy nói không với thuốc lá. Đồng thời, không hút thuốc lá trong nhà khi có trẻ em, phụ nữ mang thai, người bệnh, người cao tuổi; không hút thuốc vì sức khỏe của bạn và những người thân yêu; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động không hút thuốc tại nơi làm việc. Và, hãy từ bỏ thuốc lá trước khi quá muộn.
Đặng Hồng Hoa
(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa)
Theo: Báo Khánh Hòa ( https://baokhanhhoa.vn/xa-hoi/yte-suckhoe/202011/canh-giac-voi-thuoc-la-nung-nong-8194713/ )
Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/xa-hoi/yte-suckhoe/202011/canh-giac-voi-thuoc-la-nung-nong-8194713/