Trung tâm Khuyến nông quốc gia đang hỗ trợ Khánh Hòa dự án “Xây dựng mô hình cải tạo đàn dê, cừu bằng biện pháp luân chuyển đực giống chất lượng tốt và áp dụng các biện pháp chăm sóc, nuôi dưỡng để đạt năng suất, chất lượng cao phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu”. Đây được xem là giải pháp hiệu quả để cải tạo, phục tráng giống dê, cừu trong tỉnh đang có biểu hiện thoái hóa.
Kết quả bước đầu
Theo bác sĩ thú y Nguyễn Thanh Sơn – Trung tâm Khuyến nông tỉnh, trung tâm đã ký hợp đồng với Trung tâm Nghiên cứu dê và thỏ Sơn Tây (Viện Chăn nuôi) triển khai mô hình, cùng khảo sát và chọn điểm tại 2 xã Cam Phước Tây và Cam An Bắc (huyện Cam Lâm). Xã Cam Phước Tây thực hiện mô hình nuôi cừu quy mô 44 con/4 hộ (10 cừu cái và 1 cừu đực/hộ); xã Cam An Bắc thực hiện mô hình nuôi dê quy mô 40 con/4 hộ (9 dê cái và 1 dê đực/hộ). Cừu và dê được Trung tâm Nghiên cứu dê và thỏ Sơn Tây cung cấp. Dự án yêu cầu các hộ cam kết đầu tư đủ vốn đối ứng; bảo đảm đủ vật tư (50% thức ăn, hóa chất, chế phẩm sinh học…); tuân thủ quy trình kỹ thuật, hướng dẫn, quy định của dự án; chủ hộ có khả năng vận động thuyết phục và hướng dẫn các hộ khác làm theo…
Ông Lê Chí Hùng – chủ hộ thực hiện mô hình nuôi dê tại Cam An Bắc cho biết, giống dê Trung tâm Nghiên cứu dê và thỏ Sơn Tây chuyển giao có tầm vóc tương đương giống địa phương (Bách thảo lai) nhưng chắc, nhanh nhẹn hơn. Ông tuân thủ và bám sát chỉ dẫn của cán bộ khuyến nông về cách nuôi dưỡng, phòng bệnh cho dê, đồng thời bổ sung lượng cám thực phẩm để đảm bảo dê sinh trưởng, phát triển tốt, nhất là dê cái chuẩn bị sinh sản. Hiện nay, trong số 9 dê cái đã có 3 con mang thai.
Ông Nguyễn Thể Dục – chủ mô hình nuôi cừu tại Cam Phước Tây cho hay, giống cừu Trung tâm Nghiên cứu dê và thỏ Sơn Tây chuyển giao có tầm vóc như giống địa phương. Sau thời gian cho ăn, chăm sóc đầy đủ, cừu thay lông đẹp và dày, không khác cừu địa phương. Từ khi đưa về, cừu lạ khí hậu nên có biểu hiện tiêu chảy, viêm phổi nhưng khi áp dụng các biện pháp chăm sóc, điều trị của cán bộ khuyến nông, đàn cừu khỏe và thích nghi nhanh. Hiện nay, 5 con đã sinh sản.
Theo nhận xét của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, các hộ tham gia mô hình thực hiện tốt việc chăm sóc, nuôi dưỡng vật nuôi và điều trị bệnh kịp thời theo hướng dẫn của cán bộ thú y. Hiện nay, đàn dê phát triển tốt, 18 dê cái đã mang thai, dê đực phối giống tốt. Cừu đực cũng phối giống tốt, cừu cái hầu hết đều động dục và mang thai, 5 con đã sinh sản, cừu con sinh ra khỏe mạnh, trọng lượng trung bình 2,67kg/con.
Phục tráng nguồn giống
Tại Cam Phước Tây, đàn cừu phát triển tốt nhưng một số nơi khác như: Cam Thịnh Đông, Cam Thịnh Tây (TP. Cam Ranh) đã có dấu hiệu thoái hóa. Một số người nuôi có kinh nghiệm cho biết, đàn cừu chậm lớn hơn và khó đạt tiêu chuẩn xuất bán. Trước đây, trọng lượng xuất chuồng 30 – 32kg/con, hiện nay chỉ đạt 27 – 28kg/con, dù thời gian nuôi như nhau. Không những vậy, đàn cừu lại còi cọc và khó giao phối. Riêng đàn dê chưa có biểu hiện thoái hóa nhưng cách nuôi khép kín, không có sự giao lưu bầy đàn, có nguy cơ cận huyết cao. Việc chăn nuôi khép kín, biệt lập, không có sự trao đổi với nguồn gen bên ngoài chính là nguyên nhân gây ra hiện tượng đồng huyết.
Theo Thạc sĩ Lý Thị Luyến – Trung tâm Nghiên cứu dê và thỏ Sơn Tây, mô hình thực hiện trong 2 năm (2019 – 2020) nhằm cải tạo đàn dê, cừu bằng phương pháp luân chuyển đực giống và một số biện pháp khoa học về dinh dưỡng nhằm nâng cao thể lực, sức khỏe sinh sản của giống. Việc giao phối cận huyết trong một thời gian dài đã dẫn đến hiện tượng đồng huyết gia tăng, là nguyên nhân chất lượng đàn dê, cừu ở địa phương suy giảm. Giống cừu hỗ trợ cho địa phương là Daughter; giống dê là Boer, trong đó dê đực Boer thuần và dê cái Boer lai là những giống có ưu thế, thích nghi tốt với khí hậu Nam Trung Bộ. Chương trình ràng buộc người dân phải lưu giữ giống trong vòng 2 năm, không được bán, trao đổi nhằm lan tỏa nguồn gen quý trong cộng đồng. Riêng đàn con sinh sản ra, người dân có thể bán để tăng thu nhập.
Ông Nguyễn Lương Thao – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho rằng, đây là mô hình hay nhằm từng bước cải thiện nguồn gen của đàn dê, cừu trong tỉnh. Tuy nhiên, để có sự biến chuyển sâu sắc, lan tỏa trên phạm vi rộng, bền vững, tỉnh cần nghiên cứu xây dựng đề án cải tạo, phục tráng giống đàn cừu, dê. Có như vậy mới có thể ngăn chặn tình trạng thoái hóa giống đang có chiều hướng tăng tại các khu vực nuôi cừu, dê khép kín.
V.Lạc
Theo: Báo Khánh Hòa