Tuy được lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa quan tâm nhưng đến nay, các cụm công nghiệp (CCN) Trảng É vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng trực tiếp đến thu hút đầu tư thứ cấp, cũng như tiến độ thực hiện các giai đoạn tiếp theo.
Những khó khăn, vướng mắc
Theo lãnh đạo Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư và Kinh doanh bất động sản Khatoco (chủ đầu tư các CCN Trảng É), đến nay, CCN Trảng É 1 (35ha) đã đi vào hoạt động, diện tích lấp đầy đạt hơn 92%. CCN này có 8 dự án đầu tư thứ cấp được cấp giấy chứng nhận đầu tư; một số dự án đã chính thức đi vào hoạt động; số còn lại đang xây dựng hệ thống nhà xưởng để hoạt động vào cuối năm. Ở CCN Trảng É 2, UBND huyện Cam Lâm cũng đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với diện tích 21,3ha (giai đoạn 1).
Tuy nhiên, tại CCN Trảng É 1, mới có 2/8 nhà đầu tư được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do các sở, ngành liên quan chưa xác định được lệ phí trước bạ để nhà đầu tư thứ cấp thực hiện nghĩa vụ tài chính. Tại CCN Trảng É 2, còn 2 trường hợp (diện tích 3,8ha) không chịu nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng nên không thể triển khai hạ tầng đồng bộ. CCN này đang tiếp tục kiểm kê khối lượng bồi thường giai đoạn 2 với diện tích 19,5ha, nhưng các cơ quan chức năng chưa xác định được giá đất nên đến nay không thể áp giá để xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các trường hợp đã kiểm kê.
Ngoài ra, Tỉnh lộ 3 chạy qua CCN Trảng É xuống cấp nghiêm trọng, nhưng việc triển khai nâng cấp còn chậm; đoạn từ cổng CCN đến Quốc lộ 1 vẫn chưa hoàn thiện đã ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề thu hút đầu tư. CCN Trảng É 2 vướng bồi thường, giải tỏa nên chưa thể triển khai thi công hạ tầng cũng là nguyên nhân khiến thu hút đầu tư chưa như kỳ vọng.
Cần sớm có hướng giải quyết
Ông Phan Hoài Phương – Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Bất động sản Khatoco cho biết, để xây dựng và thu hút nhà đầu tư thứ cấp vào các CCN Trảng É, ngoài nỗ lực của chủ đầu tư cần sự chung sức của nhiều cấp, ngành. Chủ đầu tư kiến nghị UBND tỉnh cùng các sở, ngành linh động trong việc chỉ đạo điều hành và tạo điều kiện để chủ đầu tư hoàn thành các hạng mục tiếp theo. Đối với chủ trương cho thuê đất, công ty kiến nghị UBND tỉnh điều chỉnh lại hình thức cho thuê từ trả tiền thuê hàng năm trở lại hình thức trả tiền 1 lần đối với CCN Trảng É 1 và CCN Trảng É 2. UBND tỉnh sớm chỉ đạo các sở, ngành xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai cho nhà đầu tư thứ cấp tại Trảng É để có cơ sở cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. “Chúng tôi cũng mong UBND huyện Cam Lâm sớm có phương án giá đất bồi thường của CCN Trảng É 2 (giai đoạn 2) gửi Sở Tài nguyên và Môi trường, Hội đồng thẩm định giá thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt để có cơ sở áp giá bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các trường hợp đã kiểm kê. Với những hộ không chịu giao đất, huyện cần nhanh chóng có phương án cưỡng chế thu hồi đất nhằm tạo điều kiện để công ty có mặt bằng triển khai thi công, bảo đảm tiến độ thực hiện các giai đoạn tiếp theo của dự án” – ông Phương kiến nghị.
Ông Nguyễn Sanh Đương – Phó Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, những khó khăn, vướng mắc của các CCN Trảng É đã được UBND tỉnh và các sở, ngành họp nhiều lần. Đến nay, những khó khăn trước mắt đã giải quyết được một phần. Tuy nhiên, qua rà soát có những khó khăn mới phát sinh. Sở đã tổng hợp và báo cáo UBND tỉnh để sớm có hướng giải quyết.
Ông Lê Hữu Hoàng – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư và Kinh doanh bất động sản Khatoco đã rất cố gắng thu hút nhà đầu tư thứ cấp vào CCN Trảng É. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn bởi đại dịch Covid-19 thì việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp càng trở nên cần thiết hơn. Để các CCN sớm tạo ra giá trị kinh tế, đóng góp cho ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm cho người lao động, UBND tỉnh sẽ sớm xem xét và tháo gỡ các khó khăn mà chủ đầu tư đang gặp phải. UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan quan tâm, giải quyết những vướng mắc ở các CCN Trảng É nhằm tạo điều kiện thu hút đầu tư, giúp các nhà đầu tư thứ cấp sớm hoàn thành công tác xây dựng để đi vào hoạt động. |
Đình Lâm