Trong xu thế hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra nhiều cơ hội và thách thức cho ngành Du lịch. Thị trường du lịch Việt Nam đã có nhiều thay đổi do sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng nhanh của kinh doanh du lịch online. Thực tế này buộc các thành phần trong ngành Du lịch phải hướng tới hình thành một hệ thống tích hợp và trao đổi dữ liệu du lịch thông minh, qua đó tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm và dịch vụ du lịch. Phát triển du lịch thông minh được xem là một trong những yếu tố quan trọng để đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn cả chiều sâu và chiều rộng.

1

Một góc Vinpearl Land.

Kết thúc năm 2017, hoạt động du lịch Khánh Hòa tiếp tục gặt hái được những thành công vượt bật với mốc đạt hơn 2 triệu khách du lịch quốc tế trong tổng số gần 5,5 triệu khách có lưu trú trên địa bàn tỉnh. Kết quả đó đã mở ra hướng đi thành công cho chặng đường phấn đấu đến năm 2020 đạt mục tiêu đón 8,5 triệu khách du lịch có lưu trú với 3,5 triệu khách quốc tế.

Tuy nhiên, những thách thức phát sinh từ sự tăng trưởng nhanh chóng của cả số lượng và yêu cầu về chất lượng của du khách, đã đặt ra nhiều vấn đề cho nhà quản lý cần suy nghĩ, đòi hỏi ứng dụng công nghệ thông tin một cách mạnh mẽ, đặc biệt trong công tác quản lý vì nó mang lại nhiều lợi ích như: kiểm soát thông tin đầy đủ, kịp thời; giảm số lượng bộ máy nhưng tổ chức công việc đồng bộ, linh hoạt; công tác truyền thông hiệu quả; chi phí phân phối thấp. Đối với khách du lịch, công nghệ thông tin cải thiện chất lượng dịch vụ và góp phần nâng cao sự hài lòng của du khách, cụ thể: công nghệ thông tin sẽ tạo điều kiện tối ưu cho khách du lịch tiếp cận toàn diện thông tin chi tiết về điểm đến; sử dụng dịch vụ nhanh chóng, chính xác và được lựa chọn nhiều hơn; giải phóng thời gian cho dịch vụ khách hàng một cách hiệu quả; đánh giá thường xuyên để cải thiện chất lượng và cung cấp dịch mới theo nhu cầu…

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

Đối với hoạt động du lịch Khánh Hòa, việc triển khai áp dụng các giải pháp công nghệ thông tin cần thiết phải được xem xét cẩn trọng và có bước đi thích hợp. So với một số thị trường du lịch phát triển trong khu vực, nhân lực trong ngành Du lịch và người dân Khánh Hòa còn hạn chế về trình độ hiểu biết, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động du lịch; hiện tại khung pháp lý, cơ chế thực hiện thống nhất từ Trung ương đến địa phương vẫn chưa hình thành; hạ tầng tiện ích đô thị, viễn thông đang từng bước đầu tư, tạo sự đồng bộ… Mặt khác, chi phí đầu tư giải pháp công nghệ thông tin rất cao, chu kỳ ứng dụng ngắn, trong khi nguồn ngân sách đang rất khó khăn, sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp còn rất ít.

Theo thống kê của Tổ chức Du lịch Thế giới, doanh số du lịch trực tuyến toàn cầu năm 2016 đạt khoảng 565 tỷ USD và tăng 14%. Tại Việt Nam, xu thế của du lịch trực tuyến đã bắt đầu được ghi nhận tại Luật Du lịch sửa đổi. Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch phải chú trọng yếu tố công nghệ thông tin trong giao dịch điện tử du lịch. Nha Trang – Khánh Hòa cũng không nằm ngoài xu hướng này. Với vị thế là ngành kinh tế mũi nhọn, cộng với mục tiêu xây dựng Nha Trang trở thành thành phố thông minh, ngành Du lịch cũng đang nghiên cứu các giải pháp ứng dụng những tiện ích của công cụ trực tuyến, mà trước mắt là xây dựng Đề án “Du lịch thông minh” giai đoạn 2018 – 2020.

Một website đặt phòng du lịch.

Một website đặt phòng du lịch. (Ảnh minh họa)

Để đề án này đạt hiệu quả, ngành Du lịch cần có sự chuẩn bị, tận dụng được sức mạnh công nghệ, phát huy tối đa hiệu quả của du lịch trực tuyến. Theo đó, thứ nhất, cần rà soát, chọn lọc nâng cấp một số ứng dụng hữu ích có sẵn trong ngành Du lịch nhằm hỗ trợ truyền thông, tiếp thị quản bá chung cũng như liên kết trao đổi thông tin, đặc biệt là tạo môi trường tương tác giữa cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp với khách hàng. Ví dụ như thông qua website nhatrang-treval.com.vn, ngành Du lịch có thể liên kết thông tin với các doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện cho khách liên lạc trực tiếp để yêu cầu thông tin và mua sản phẩm, hoặc tiếp nhận phản ánh của du khách, từ đó kịp thời nâng cao hiệu quả hoạt động của mình thông qua việc tăng cường các nỗ lực quản lý tiếp thị và quản lý chiến lược đầu tư sản phẩm…

Thứ hai, xây dựng hệ thống phần mềm ứng dụng phục vụ công tác quản lý, đặc biệt là các ứng dụng thu thập thông tin quản lý lượt khách lưu trú, quản lý hoạt động cơ sở kinh doanh du lịch; kiểm soát môi trường sinh thái và chất lượng dịch vụ tại các điểm đến là các khu, điểm du lịch; quản lý hướng dẫn viên; trao đổi thông tin doanh nghiệp phục vụ công tác quản lý nhà nước, kết quả thanh kiểm tra và xử lý sai phạm…

Thứ ba, du khách ngày càng quen thuộc với việc sử dụng các tiện ích trên thiết bị di động thông minh để xác định và mua các sản phẩm cũng như dịch vụ thích hợp cho nhu cầu của họ, mặt khác đấy cũng là công cụ hữu ích hỗ trợ thông tin, hướng dẫn trải nghiệm tham quan điểm đến. Để đáp ứng xu thế này, hoạt động du lịch phải nhanh chóng hình thành một số ứng dụng tiên tiến như: phần mềm hướng dẫn viên du lịch ảo; ứng dụng tạo trung tâm thông tin hỗ trợ khách du lịch; giải pháp thanh toán thông minh… Ví dụ rõ ràng nhất trong hoạt động du lịch hiện nay là quá trình đặt chỗ (khách sạn, điểm tham quan, vui chơi giải trí…) đã dần dần trở nên hợp lý và cho phép cả người tiêu dùng và doanh nghiệp tiết kiệm thời gian đáng kể trong việc xác định, hợp nhất, đặt và mua các sản phẩm du lịch.

Như vậy, công nghệ thông tin đang kích thích những thay đổi cơ bản trong hoạt động của ngành Du lịch. Hoạt động du lịch thế giới với tác động của công nghệ thông tin đang chuyển hướng sang các chuyến du lịch riêng lẻ và các gói năng động. Đối với Khánh Hòa, cùng với sự phát triển của hoạt động du lịch, những đóng góp công nghệ thông tin vào lĩnh vực này trong tương lai cũng sẽ ngày càng sâu rộng hơn và có ý nghĩa quyết định việc đảm bảo cạnh tranh thành công trong khu vực và trên thế giới, đưa du lịch Khánh Hòa phát triển thành ngành công nghiệp du lịch phát triển hiện đại và một tầm nhìn cho tương lai.

Trần Việt Trung – Giám đốc Sở Du lịch

 


Ngày 4-5-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và giảm thiểu những tác động tiêu cực của làn sóng này ở Việt Nam, trong đó nêu rõ du lịch là một trong những ngành kinh tế được ưu tiên xây dựng chiến lược chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm thúc đẩy du lịch thông minh ở Việt Nam. Đây là định hướng chính sách quan trọng cho ngành Du lịch hướng tới các mục tiêu do Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành nền kinh tế mũi nhọn đã đặt ra.

________________________________________________

Trên thế giới, xu hướng sử dụng dịch vụ trên Internet để đặt tour và phòng khách sạn ngày càng tăng. Tại Việt Nam, theo khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường Q&Me, có 88% khách du lịch tra cứu thông tin qua mạng, trong đó, 35% thường xuyên sử dụng Internet để tìm kiếm thông tin du lịch. Tra cứu Google Trends cho thấy, từ khóa “du lịch” được tìm kiếm tăng 3 lần trong 5 năm gần đây. Thông tin du lịch trong nước được tìm kiếm thường liên quan đến điểm đến, khách sạn, nhà hàng, kinh nghiệm du lịch… Những yếu tố này là nền tảng thuận lợi để du lịch Việt Nam phát triển trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.