So với cách tính cũ, phương pháp xác định bồi thường cây trồng khi Nhà nước thu hồi đất sản xuất nông nghiệp hiện nay có sự thay đổi theo hướng sát thực hơn. Điều này không chỉ phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành, mà các tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng cũng được bồi thường thỏa đáng.
Cây hàng năm đền bù theo loại cây trồng chính
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành quyết định bãi bỏ Quyết định số 27 ngày 21-12-2017 về Quy định giá bồi thường, hỗ trợ các loại vật nuôi, cây trồng trên đất bị thu hồi khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh. Để thống nhất việc triển khai công tác này theo quy định pháp luật, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành hướng dẫn phương pháp xác định mức bồi thường đối với cây trồng trên đất bị thu hồi khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn Khánh Hòa. So với cách tính cũ, phương pháp xác định bồi thường cây trồng khi Nhà nước thu hồi đất sản xuất nông nghiệp hiện nay có sự thay đổi theo hướng sát thực hơn.
Theo hướng dẫn, đối với cây hàng năm, chẳng hạn như: lúa, rau màu, các tổ chức làm công tác bồi thường phải tính toán lấy giá trị sản lượng dựa trên năng suất của vụ thu hoạch cao nhất trong 3 năm liền kề của cây trồng hàng năm chính tại địa phương nhân với giá bán trung bình tại thời điểm thu hồi đất để cho ra mức bồi thường. Bà Lương Kim Ngân – Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, thông thường, cây trồng chính hàng năm được xác định dựa vào quy mô diện tích, tỷ lệ phần trăm diện tích của cây trồng chính/tổng diện tích sản xuất cây hàng năm trên địa bàn xã trong từng vụ và năm; mức thu nhập của cây trồng đó so với cây trồng khác… Cây trồng chính này do cấp xã rà soát, cấp huyện công bố hàng năm.
Ví dụ, UBND thị xã Ninh Hòa xác định cây trồng chính hàng năm của xã Ninh Quang là cây lúa. Như vậy, khi bất cứ diện tích cây hàng năm nào ở xã Ninh Quang bị ảnh hưởng, phải thu hồi, Nhà nước sẽ tính theo giá trị của cây lúa. Đơn vị làm công tác đền bù sẽ xác định trong 3 năm trước liền kề, năm nào diện tích lúa tại xã này có năng suất cao nhất, cùng với giá bán lúa hiện tại để tính đền bù cho người dân. Chẳng hạn trong 3 năm liền kề với thời điểm thu hồi đất, lúa Ninh Quang có năng suất vụ cao nhất là 80 tạ/ha, giá lúa thời điểm thu hồi đất là 7.000 đồng/kg, như vậy 1ha cây hàng năm của xã Ninh Quang bị thu hồi, người dân sẽ được đền bù cây trồng trên đất (không bao gồm giá trị đất) là 56 triệu đồng.
Mức bồi thường cây lâu năm đủ để tái thiết
Với cây lâu năm, phổ biến nhất là cây ăn quả, thay vì đưa ra giá của từng cây, rồi đếm cây tính tiền như trước, cách tính hiện nay là đơn vị làm công tác đền bù phải xác định giá trị hiện có của vườn cây theo giá ở địa phương tại thời điểm thu hồi đất (không bao gồm giá trị quyền sử dụng đất) để xác định mức bồi thường.
Trong đó, đối với vườn cây đang trong thời kỳ xây dựng cơ bản (chưa cho sản phẩm thu hoạch), giá trị hiện có của vườn cây là toàn bộ chi phí đầu tư ban đầu và chi phí chăm sóc (gồm các khoản chi phí vật tư, công lao động và các chi phí khác) đến thời điểm thu hồi đất tính thành tiền theo thời giá thị trường tại địa phương. Chẳng hạn trong 3 năm qua, ông A đầu tư trồng mới 1ha xoài bao gồm: 400 cây xoài giống, 10 tấn phân bón, 500 công lao động… Nhà nước sẽ tính giá cây, giá phân, giá công lao động tại thời điểm thu hồi đất chứ không phải tại thời điểm ông A đầu tư. Điều này giúp hộ dân bị ảnh hưởng được đền bù số tiền đủ để có thể tái thiết vườn cây ở một địa điểm khác.
Với cây lâu năm trong thời kỳ thu hoạch, ngoài việc đền bù chi phí thời kỳ kiến thiết cơ bản như đã nêu ở trên, cơ quan thực hiện công tác đền bù còn xác định giá trị của nông sản thu hoạch để đền bù cho tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng. Cụ thể, mức đền bù sẽ bao gồm chi phí thời kỳ kiến thiết cơ bản, cộng với giá trị loại quả của cây trồng cần đền bù ở địa phương tại thời điểm thu hồi đất.
Khác với cây hàng năm, sản lượng cây lâu năm tại năm thu hồi đất được xác định bằng năng suất trung bình 3 năm liền kề tại địa phương của loại cây trồng cần tính bồi thường từ số liệu thống kê cấp huyện. Chẳng hạn theo thống kê, sản lượng bình quân 1ha sầu riêng năm 2019 là 8 tấn quả, năm 2020 là 9 tấn và năm 2021 là 10 tấn quả. Sang năm 2022, việc xác định sản lượng 1ha sầu riêng ở Khánh Sơn sẽ là trung bình của 3 năm kể trên là 9 tấn/ha. Sau khi xác định được sản lượng, giá bán sầu riêng năm 2022 sẽ được áp dụng để tính ra số tiền cần bồi thường.
Qua tính toán sơ bộ, nếu theo cách tính cũ, trong thời kỳ kiến thiết (chưa cho trái), 1 cây xoài chỉ được đền bù cao nhất 450.000 đồng, còn hiện nay là hơn 600.000 đồng; cây bưởi từ 120.000 đồng/cây lên khoảng 350.000 đồng/cây.
Một điểm đáng chú ý khác là đối với cây lâu năm trồng tập trung, số lượng cây trồng được bồi thường, hỗ trợ theo thực tế nhưng tối đa không vượt quá mật độ cây được quy định theo định mức kinh tế kỹ thuật (định mức này do Nhà nước quy định). Đối với vườn cây lâu năm trồng xen cây trồng hàng năm thì cây lâu năm được bồi thường theo số cây thực tế có trong vườn, cây trồng hàng năm được bồi thường theo diện tích sản xuất thực tế trên đất bị thu hồi.
Được biết, các địa phương đang khẩn trương xác định cây trồng chính ở địa phương để làm căn cứ xác định mức giá bồi thường cây trồng trên đất bị thu hồi khi Nhà nước thu hồi đất.
Hồng Đăng