Lãnh đạo ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) khẳng định, việc bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cho giáo viên (GV) toàn tỉnh Khánh Hòa được thực hiện theo lộ trình và không bắt buộc thực hiện ngay.

Không buộc thực hiện ngay

Gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện những chia sẻ bức xúc về việc GV ở TP. Nha Trang bị hối thúc đi bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp gấp nếu không muốn “tụt hạng”. Điều này gây áp lực lớn cho họ trong việc sắp xếp thời gian dạy và đi bồi dưỡng. Có những gia đình, cả hai vợ chồng cùng là giáo viên nên loay hoay không biết gửi con đi đâu, bởi lớp bồi dưỡng học vào buổi tối…

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA
Giờ học tại Trường Tiểu học số 1 Ninh Ích (thị xã Ninh Hòa).

Giờ học tại Trường Tiểu học số 1 Ninh Ích (thị xã Ninh Hòa).

Ông Trần Nguyên Lập – Trưởng phòng GD-ĐT TP. Nha Trang nói: “Tôi thừa nhận có dư luận này xảy ra tại Nha Trang. Phòng đã tìm hiểu sơ bộ và bước đầu đánh giá, nguyên nhân do cách hiểu sai lệch của một số GV và cả một số hiệu trưởng khi tiếp nhận văn bản chỉ đạo của phòng. Phòng GD-ĐT Nha Trang không hề có văn bản nào ấn định phải nộp chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp ngay trong năm 2018. Thông qua báo chí, chúng tôi nhấn mạnh, việc bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp xuất phát từ quyền lợi của GV, do đó, GV nên đi bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp để được cấp chứng chỉ, đáp ứng đúng quy định tại các thông tư liên tịch số 20, 21, 22 cùng ban hành tháng 9-2015 của Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với GV mầm non, GV tiểu học công lập và GV THCS công lập. Từ nay tới hết năm 2020, tùy theo hoàn cảnh, GV có thể sắp xếp công việc cho phù hợp để tự đi học lớp bồi dưỡng”.

Cũng theo lãnh đạo phòng GD-ĐT Nha Trang, quy định tại các thông tư liên tịch nêu trên, GV đã được bổ nhiệm vào hạng II đối với cấp THCS, hạng III và II đối với cấp tiểu học, mầm non phải đáp ứng đủ 4 tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng, trong đó phải có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp với hạng đang giữ. Tại TP. Nha Trang, GV đã được bổ nhiệm vào hạng II đối với cấp THCS, hạng III và II đối với cấp tiểu học và mầm non theo Quyết định số 1886 ngày 1-7-2016 của UBND tỉnh nhưng vẫn còn thiếu các tiêu chuẩn trên. Do đó, phòng đã hướng dẫn lãnh đạo các trường phổ biến cho GV tự sắp xếp thời gian để chuẩn hóa các tiêu chuẩn còn thiếu cho đủ điều kiện chức danh đang giữ.

zzCô và cháu Trường Mầm non Bình Minh (huyện Vạn Ninh).

Cô và cháu Trường Mầm non Bình Minh (huyện Vạn Ninh).

Bà Hoàng Thị Lý – Phó Giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT giải thích, các thông tư nêu trên quy định,  GV mầm non, tiểu học có 3 hạng: II, III, IV; GV THCS, THPT có 3 hạng: I, II, III (kèm mã số cụ thể). Một trong các tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng là có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp (trừ GV mầm non, tiểu học hạng IV và GV THCS, THPT hạng III). Cơ quan có thẩm quyền quản lý, sử dụng viên chức có trách nhiệm tạo điều kiện để viên chức bổ sung những tiêu chuẩn còn thiếu của chức danh nghề nghiệp GV được bổ nhiệm. Ngày 30-6-2018, Bộ GD-ĐT ra Công văn (CV) số 2793 nêu rõ, việc tham gia bồi dưỡng để có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp là yêu cầu bắt buộc đối với những GV đủ điều kiện và có nhu cầu thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Việc chọn, cử GV đủ điều kiện và có nhu cầu thăng hạng tham dự các khóa bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cần được thực hiện theo kế hoạch và có lộ trình, tránh làm ảnh hưởng đến các hoạt động giảng dạy và giáo dục của các cơ sở giáo dục trong năm học. Ngày 26-1-2018, Sở có CV 170, đề nghị UBND cấp huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phổ biến đến cán bộ quản lý và GV về nội dung chương trình bồi dưỡng của bộ; xây dựng kế hoạch, lộ trình tổ chức các lớp bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cho GV mầm non, phổ thông công lập đủ điều kiện và có nhu cầu thăng hạng, không làm ảnh hưởng đến các hoạt động giảng dạy và giáo dục. Việc tham gia bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp để có chứng chỉ là yêu cầu bắt buộc đối với những GV đủ điều kiện và có nhu cầu thăng hạng.

Những GV chưa đủ điều kiện và không có nhu cầu thăng hạng chưa phải tham gia bồi dưỡng. “Quan điểm chỉ đạo của sở là thực hiện bồi dưỡng theo lộ trình, không ép buộc thực hiện ngay. Chẳng hạn, các đơn vị trực thuộc có nhu cầu bồi dưỡng 250 GV THPT hạng II, nhưng tháng 8 vừa qua, sở chỉ tổ chức bồi dưỡng 140 GV, còn lại sẽ tổ chức trong những năm tiếp theo. GV chưa tham gia bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp vẫn giữ hạng hiện hưởng đã được bổ nhiệm”, bà Hoàng Thị Lý nhấn mạnh.

Có danh sách trường được phép bồi dưỡng với học phí cụ thể  

Bên cạnh đó, còn có dư luận khác về việc GV phải bỏ tiền túi ra đăng ký học bồi dưỡng. Một số người  thắc mắc, trường nào được tổ chức bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cho GV? Lãnh đạo sở cho biết, ngày 19-7-2017, Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ thẩm định hồ sơ, giao nhiệm vụ tổ chức bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp GV cho 15 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng đủ điều kiện (đến nay, số cơ sở này đã nhiều hơn). Trên địa bàn tỉnh, Trường Đại học Khánh Hòa được UBND tỉnh giao nhiệm vụ tổ chức bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp GV tiểu học và THCS; Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang được bồi dưỡng, cấp chứng chỉ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp GV mầm non theo quy định mới của bộ. Sở cũng đề nghị các địa phương phối hợp với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài tỉnh đủ điều kiện tổ chức bồi dưỡng theo quy định, riêng bồi dưỡng GV THPT của các đơn vị trực thuộc do sở đảm nhiệm.

Về kinh phí, ông Trần Nguyên Lập cho biết, hiện nay, GV đi bồi dưỡng từ nguồn kinh phí tự túc với học phí 2,6 triệu đồng/khóa 240 tiết (theo thông báo của Đại học Khánh Hòa và Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang). Mới đây, ngày 15-10-2018, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3067, phân bổ 674 triệu đồng cho việc tổ chức lớp bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp tại TP. Nha Trang. Trên cơ sở này, phòng sẽ tham mưu UBND TP. Nha Trang chi trả cho GV.  

Được biết, năm nay, UBND tỉnh đã cấp cho ngành GD-ĐT hơn 2,4 tỷ đồng để tổ chức bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cho GV các đơn vị trực thuộc sở và 8 địa phương. Đến ngày 15-10-2018, tỉnh có quyết định phân bổ cụ thể nguồn kinh phí này cho từng đơn vị. Đến nay, đã có 35 đơn vị trực thuộc sở và 5 địa phương gồm: Vạn Ninh, Cam Lâm, Cam Ranh, Khánh Vĩnh, Khánh Sơn hoàn thành việc phối hợp mở lớp bồi dưỡng.

TIỂU MAI
 

Theo: Báo Khánh Hòa