Thực hiện chính sách thu hồi đất sản xuất của các nông, lâm trường để giao cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) nghèo thiếu đất sản xuất, những năm qua, người dân các địa phương miền núi đã cơ bản được giải quyết đất sản xuất. Tuy nhiên, việc thực hiện vẫn còn một số bất cập.

Giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA


Sau nhiều năm vật lộn với cái nghèo, cuộc sống của gia đình ông Hà Ni ở thôn Chà Liên (xã Liên Sang, huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) đã được ổn định khi được Nhà nước cấp 0,7ha đất sản xuất. Ông Hà Ni cho biết: “Từ tháng 9-2018, gia đình tôi và 72 hộ nghèo khác đã được Nhà nước giao đất từ quỹ đất bóc tách của Công ty TNHH một thành viên Lâm sản Khánh Hòa. Ngay khi nhận được đất, gia đình tôi đã lên rẫy phát dọn, khi thì trồng lúa, lúc trồng mì, đời sống đã ổn định hơn trước”. Không riêng gì gia đình ông Hà Ni, giai đoạn 2013 – 2020, nhiều hộ ĐBDTTS nghèo tại huyện Khánh Vĩnh đã được nhận đất sản xuất, với tổng diện tích hơn 1.540ha.



Một phần diện tích đất từ Công ty TNHH một thành viên Lâm sản Khánh Hòa đã được bóc tách để giao cho người dân xã Liên Sang (huyện Khánh Vĩnh) sản xuất.

Một phần diện tích đất từ Công ty TNHH một thành viên Lâm sản Khánh Hòa đã được bóc tách để giao cho người dân xã Liên Sang (huyện Khánh Vĩnh) sản xuất.



Tại huyện miền núi Khánh Sơn, những năm qua, đã có 423 hộ ĐBDTTS nghèo được giao đất sản xuất với tổng diện tích hơn 1.032ha; diện tích đất đã bóc tách chưa giao trên địa bàn còn hơn 1.447ha. Lãnh đạo huyện Khánh Sơn cho biết, chính sách bóc tách đất của Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa để giao cho các hộ đã giúp các hộ có đất canh tác, ổn định cuộc sống, khai thác được tiềm năng đất đai, từng bước nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần tích cực trong công tác xóa đói, giảm nghèo; hạn chế tình trạng khai thác lâm sản trái phép, lấn chiếm đất rừng để sản xuất.


Theo ông Đỗ Anh Thy – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực tế các hộ ĐBDTTS nghèo thiếu đất sản xuất đã sử dụng hiệu quả diện tích đất được giao. Những hộ này còn được địa phương hỗ trợ tham gia các chương trình, dự án hỗ trợ sản xuất, nhờ đó đã canh tác hiệu quả, từng bước ổn định đời sống, phát triển sản xuất.

Vẫn còn bất cập


Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách bóc tách đất để giao cho hộ ĐBDTTS nghèo thiếu đất sản xuất thời gian qua còn một số bất cập. Cụ thể, một số diện tích đất bóc tách nhưng không giao được do nằm ở những khu vực đồi núi cao; diện tích đã có những hộ khác lấn chiếm, xâm canh, sử dụng ổn định trước khi bóc tách. Trong khi đó, việc thực hiện các thủ tục về thu hồi đất, giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa kịp thời, gây khó khăn trong việc bàn giao đất cho người dân để canh tác, sản xuất…


Theo ông Nguyễn Văn Nhuận – Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, về mặt pháp lý, quỹ đất sau khi bóc tách, thu hồi từ các đơn vị chủ rừng nhà nước là đất sạch, chưa sử dụng, nhưng trên thực tế hầu hết diện tích này không phải đất sạch mà đã có các hộ khác xâm canh, làm nương rẫy trước khi được đo đạc bóc tách, thu hồi. Vì vậy, khi thực hiện thu hồi đất của những hộ xâm canh để giao cho các hộ khác rất khó khăn do không có kinh phí bồi thường, hỗ trợ về hoa màu, cây trồng trên đất. Địa phương kiến nghị tỉnh xem xét, tháo gỡ vấn đề này.



Theo tổng hợp của Chi cục Kiểm lâm, đến nay, tổng diện tích đất bóc tách để giao cho các hộ ĐBDTTS nghèo thiếu đất sản xuất tại các địa phương: Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Diên Khánh, Vạn Ninh, Ninh Hòa gần 9.625ha. Trong đó, gần 2.597ha đã giao, công nhận quyền sử dụng đất; hơn 6.825ha chưa giao, đang do UBND cấp huyện quản lý; hơn 203ha đã bóc tách nhưng chưa có quyết định thu hồi đất.

Còn tại địa bàn thị xã Ninh Hòa, đã có hơn 924ha đất từ Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa được bóc tách để giao cho các hộ đủ điều kiện. Thế nhưng, địa phương có nhu cầu như xã Ninh Tây thì không có đất sạch để giao cho hộ thiếu đất, trong khi xã Ninh Sơn có hơn 650ha đất sạch thì người dân lại không có nhu cầu. Chính quyền không thể giao cho hộ có nhu cầu ở xã Ninh Tây sang sản xuất tại xã Ninh Sơn được vì quá xa. Vì vậy, việc xác định địa điểm, diện tích bóc tách để giao cho người dân ở từng địa phương hết sức quan trọng.


Trong khi đó, đại diện một số chủ rừng nhà nước cho rằng, hiện nay, quỹ đất của các nông, lâm trường, công ty lâm nghiệp… trên địa bàn tỉnh không còn nhiều, nếu tiếp tục bóc tách đất sẽ rất khó khăn. Trên thực tế, có một số hộ nhận đất nhưng hạn chế về trình độ sản xuất nên canh tác không hiệu quả, đó là chưa kể có hộ vì điều kiện khó khăn nên đã bán đất cho người khác. Do đó, tỉnh cần có cơ chế, chính sách riêng về quản lý diện tích đất bóc tách giao cho các hộ; đồng thời, chính quyền các địa phương cần quan tâm hỗ trợ, thực hiện những dịch vụ khuyến nông, khuyến lâm, hỗ trợ giống, cây trồng, vật nuôi, vật tư sản xuất, hướng dẫn cách làm ăn… cho các hộ để giảm được nghèo và giải quyết được tình trạng thiếu đất sản xuất.


Theo tìm hiểu của chúng tôi, để giải quyết những vấn đề tồn tại trong công tác giao đất, quản lý đất bóc tách từ các nông, lâm trường, công ty lâm nghiệp, cuối năm 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thống nhất với các địa phương, đơn vị đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo việc rà soát những diện tích đã bóc tách, giao đất cho các hộ nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong công tác quản lý; đối với các diện tích đã bóc tách nhưng chưa giao cần phải làm rõ nguyên nhân và có phương án xử lý hiệu quả.


HẢI LĂNG


 

Theo: Báo Khánh Hòa

Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/kinh-te/202101/boc-tach-dat-giao-cho-ho-dong-bao-dan-toc-thieu-so-ngheo-nhieu-ton-tai-can-giai-quyet-8201581/