Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020 được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 17-10-2016, các xã bắt buộc phải có hợp tác xã (HTX) để đạt tiêu chí nông thôn mới. Vì vậy, xã Cam Bình (TP. Cam Ranh, Khánh Hòa) đang xúc tiến để thành lập HTX tôm hùm Bình Ba, nhưng tình hình rất khó khăn.

Cuối năm 2014, xã Cam Bình (bao gồm hai đảo Bình Ba và Bình Hưng) đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên, theo bộ tiêu chí quốc gia mới được ban hành, xã Cam Bình đã bị rớt chuẩn do không có HTX theo quy định.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Minh Hải – Trưởng phòng Kinh tế TP. Cam Ranh cho biết, đối với tiêu chí tổ chức sản xuất, theo bộ tiêu chí trước đây thì xã chỉ cần có tổ hợp tác hoặc HTX hoạt động có hiệu quả là được công nhận. Tuy nhiên, bộ tiêu chí hiện nay quy định: “xã có HTX hoạt động theo đúng Luật HTX năm 2012 và xã có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững”. Chính vì vậy, Phòng Kinh tế đang tổ chức khảo sát và hướng dẫn UBND xã Cam Bình vận động người dân ở đảo Bình Ba thành lập HTX tôm hùm, đáp ứng yêu cầu của Trung ương về công nhận xã đạt nông thôn mới.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA
Thu hoạch tôm hùm ở đảo Bình Ba

Thu hoạch tôm hùm ở đảo Bình Ba

Ông Nguyễn Ân – Chủ tịch UBND xã Cam Bình: Nuôi tôm hùm là nghề truyền thống lâu đời tại xã đảo Cam Bình, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Hiện nay, toàn xã có 6.800 lồng tôm, trong đó có đến 204 bè. 8 tháng năm 2017, toàn xã đã xuất bán gần 180 tấn tôm hùm thịt, tăng hơn 20 tấn so với năm 2016.

Việc thành lập HTX tôm hùm Bình Ba là việc làm cần thiết nhằm liên kết các hộ nuôi tôm, thụ hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tiến tới hoàn thiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ cụ thể như thế nào vẫn chưa rõ ràng. Ông Mai Văn Mẻ (thôn Bình Ba Đông) cho biết, đã nghe cán bộ tuyên truyền về việc thành lập HTX nhưng chưa rõ vào HTX thì việc nuôi tôm, tiêu thụ sản phẩm sẽ khác với hiện tại như thế nào?. “Gia đình tôi nuôi tôm hùm hàng chục năm nay, cứ đến vụ thu hoạch là có thương lái tới mua tại bè. Hiện nay, tôi có khoảng 90 lồng tôm hùm xanh, mỗi năm thu hoạch hàng tấn tôm, nhưng chưa khi nào khó bán, chỉ có giá cao hay thấp mà thôi. Tôi nghĩ nếu vào HTX thì phải có chính sách hỗ trợ, giúp người dân phát triển hơn hiện tại thì mới thu hút được ngư dân”, ông Mẻ nói.

Theo ông Nguyễn Ân – Chủ tịch UBND xã Cam Bình, việc thành lập HTX tôm hùm gặp nhiều khó khăn, bởi tôm hùm là mặt hàng đặc thù, cả về sản xuất, tiêu thụ và giá cả. Thị trường tôm hùm hiện nay phụ thuộc vào các thương lái và chỉ xuất theo đường tiểu ngạch. Chính vì vậy, khi vận động người dân tham gia HTX cũng khó bởi HTX không thể hỗ trợ người dân bao tiêu sản phẩm, cũng như vốn vay mua giống bởi con giống tôm hùm có giá rất cao.

Ông Ân cho biết: “Theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới hiện nay thì xã phải có một HTX hoạt động theo đúng Luật HTX năm 2012, mà xã Cam Bình không có cây trồng, vật nuôi gì khác ngoài tôm hùm. Biết là rất khó nhưng chúng tôi vẫn đang tích cực vận động người dân tham gia HTX. Hiện nay, xã đang làm việc với Phòng Kinh tế TP. Cam Ranh, sắp tới Chi cục Phát triển nông thôn sẽ ra đảo Bình Ba để hướng dẫn thêm cho cán bộ xã về vấn đề này”.

VĂN KỲ

Theo: Báo Khánh Hòa