Tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, ngày 2-11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; giải pháp quản lý và phát triển hệ thống khu bảo tồn biển tại Việt Nam. Các đại biểu từ 63 tỉnh, thành đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Khai thác vượt 30% khả năng cho phép

Tại hội nghị, Bộ NN-PTNT cho biết qua 5 năm điều tra đã xác định nguồn lợi thủy sản biển có gần 1.200 loài; tình trạng khai thác đã vượt quá giới hạn cho phép trên 30%, đặc biệt là các loại hải sản tầng đáy. Cụ thể, khả năng khai thác cho phép trung bình 2,45 triệu tấn/năm thì đến nay, tổng lượng khai thác đã là 3,1 triệu tấn/năm.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA
Biển Việt Nam bị đầu độc quá nhiều! - Ảnh 1.
Biển Việt Nam bị đầu độc quá nhiều! - Ảnh 2.

Khu bảo tồn biển Hòn Mun vịnh Nha Trang chịu nhiều tác động từ các hoạt động kinh tế

Về công tác bảo tồn, Bộ NN-PTNT đã thành lập 10/16 khu bảo tồn biển. Theo kế hoạch, đến năm 2015 phải có 16 khu bảo tồn biển, có ít nhất 0,24% diện tích biển nằm trong khu bảo tồn và 30% diện tích trong số này được bảo vệ nghiêm ngặt. Tuy nhiên, đến nay, diện tích khu bảo tồn biển chỉ đạt 0,18%, trong đó chỉ 10% được bảo vệ nghiêm ngặt. Nhiều vùng biển có rạn san hô, đa dạng sinh học cao như Bình Định, Kiên Giang chưa đưa vào bảo vệ.

Bà Bùi Thị Thu Hiền, đại diện Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) tại Việt Nam, cho rằng khu bảo tồn biển đang đối diện với tình trạng ô nhiễm biển từ đất liền. Khu bảo tồn biển ở Nha Trang (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang), Cù Lao Chàm (Quảng Nam) chịu tác động từ tình trạng xây dựng cơ sở phục vụ hoạt động du lịch. Khu bảo tồn biển Hạ Long (Quảng Ninh), Hòn Cau (Bình Thuận) còn bị đe dọa từ các hoạt động kinh tế vùng bờ.

Ông Trần Lê Nguyên Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Bộ NN-PTNT), cho rằng nguyên nhân chính là phát triển kinh tế chưa đi đôi với bảo vệ môi trường; xây các nhà máy điện, phát triển du lịch trong vùng lõi khu bảo tồn, phá rừng ngập mặn để xây dựng công trình đã làm mất nơi cư trú, sinh sản của thủy sản. Bên cạnh đó, thiếu cơ sở khoa học cho việc xây dựng quy hoạch; hệ thống chính sách pháp luật trong bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi thủy sản chậm sửa đổi. “Luật chỉ mới tập trung bảo vệ, ngăn ngừa; còn ít quan tâm đến tái tạo, phục hồi, khắc phục suy thoái về nguồn lợi và chất lượng môi trường sống” – ông Hùng nhận xét.

Lợi ích kinh tế lấn át mục tiêu bảo vệ

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho rằng hiện nay đang xảy ra mâu thuẫn giữa bảo vệ nguồn lợi thủy sản với phát triển du lịch và các ngành kinh tế khác. Dường như lợi ích kinh tế đã lấn át việc bảo vệ thủy sản. “Tôi đã đi kiểm tra, thị sát một số khu bảo tồn biển mà thấy đau xót. Ở những nơi chúng ta nghĩ rằng nguồn lợi thủy sản sẽ được bảo vệ nghiêm ngặt nhất, rõ ràng nhất nhưng cũng chưa thu được kết quả” – thứ trưởng bày tỏ.

Theo ông Tám, cần đổi mới tư duy về việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản là bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ hệ sinh thái nơi cư trú, sinh sản của các loại thủy sản, bảo vệ môi trường nước và các đối tượng có giá trị. Các sự kiện liên quan đến môi trường như sự cố ở nhà máy gang thép Formosa Hà Tĩnh hay vụ nhận chìm bùn cát xuống biển ở Bình Thuận ít có tổ chức, chính quyền địa phương lên tiếng mạnh mẽ.

“Chúng ta phải có những cảnh báo mạnh mẽ mang tính xây dựng để bảo vệ môi trường, hệ sinh thái, môi trường nước biển quyết liệt hơn nữa chứ không dừng lại ở bảo vệ san hô, cỏ biển… Việc bảo vệ không chỉ có nhà nước là làm được, chúng ta phải tập hợp các lực lượng xã hội. Cộng đồng người dân, các nhà khoa học, quản lý xây dựng một đại diện có tiếng nói, có trọng lượng để lên tiếng” – ông Tám nói.

Liên quan đến đề xuất nhận chìm, xả thải ở các địa phương, PGS-TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho rằng biển Việt Nam bị đầu độc quá nhiều, nếu không có biện pháp thì đời con cháu không có tài nguyên để sử dụng.

“Chất thải đổ ra biển thì xong việc nhưng thủy sản lại chết, bà con ngư dân và các ngành dựa vào giá trị bảo tồn thiên nhiên đều chết. Thế giới đã có luật, có quy định muốn nhận chìm thì phải quy hoạch không gian nhận chìm. Chỉ những không gian đó mới được cấp phép còn nước ta chưa có. Bây giờ là “thầy lang bốc thuốc”, họp 5 ngày, 7 ngày xem hồ sơ 500 trang thì không thể chính xác” – TS Hồi nhấn mạnh.

KỲ NAM

Theo: Người Lao Động