Một vụ trộm cắp tài sản khá đơn giản nhưng cơ quan tố tụng lại mắc sai lầm cơ bản trong việc xác định tên của bị cáo, khiến cấp giám đốc thẩm phải hủy án, xử lại từ đầu.
Theo hồ sơ, chiều 14/6/2018, Nguyễn Văn Tiến lẻn vào một tiệm cầm đồ không người trông coi trên đường Dã Tượng, phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang (Khánh Hòa). Tiến mở cửa tủ, lấy trộm một điện thoại di động iPhone 6. Khi Tiến định lẻn ra ngoài bỏ trốn thì chủ tiệm phát hiện và tri hô.
Thấy vậy, Tiến vứt chiếc điện thoại xuống đất rồi bỏ chạy. Chủ tiệm đuổi theo và cùng người dân bắt giữ được Tiến, áp giải đến công an lập biên bản người phạm tội quả tang. Theo kết quả định giá, chiếc điện thoại iPhone Tiến trộm cắp có giá hơn 2,5 triệu đồng.
Xử sơ thẩm, TAND TP Nha Trang phạt Tiến sáu tháng tù về tội Trộm cắp tài sản. Sau đó, Tiến kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt nhưng tại phiên phúc thẩm lại rút kháng cáo. Từ đó, TAND tỉnh Khánh Hòa đã ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm.
Tuy nhiên, tháng 9/2019, viện trưởng VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng kháng nghị giám đốc thẩm bản án đã có hiệu lực pháp luật. Lý do là theo kết luận giám định, bị cáo Nguyễn Văn Tiến và người tên Nguyễn Văn Danh trong bản thống kê tiền án, tiền sự của Phòng Hồ sơ – Công an tỉnh Khánh Hòa là cùng một người.
Trong khi trước đó, các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ căn cứ duy nhất vào lời khai của bị cáo (không có giấy tờ tùy thân) để lập hồ sơ lý lịch và lập danh chỉ bản mà không tiến hành điều tra, xác minh làm rõ đặc điểm nhân thân.
Khi cơ quan điều tra tra cứu tiền án, tiền sự của bị cáo cũng chỉ căn cứ vào tên Nguyễn Văn Tiến bị cáo tự khai mà không đối chiếu tra cứu trên chỉ bản (không so sánh dấu vân tay). Từ đó cơ quan tố tụng không phát hiện được chính xác họ tên thật và nhân thân, dẫn đến việc xét xử sai về nhân thân, lý lịch tư pháp của bị cáo.
Cạnh đó, theo VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng, bản án hình sự sơ thẩm còn áp dụng tình tiết giảm nhẹ không đúng và bỏ lọt tình tiết tăng nặng tái phạm đối với bị cáo. Từ đó, bản án sơ thẩm đã quyết định hình phạt không tương xứng với hành vi của bị cáo.
Trên cơ sở kháng nghị này, Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã xử giám đốc thẩm tuyên hủy bản án sơ thẩm và quyết định đình chỉ phúc thẩm để điều tra lại.
Sau khi bản án bị hủy, VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng đã có văn bản rút kinh nghiệm chung với các đơn vị. Từ tình huống tưởng như đơn giản nhưng đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và áp dụng sai pháp luật.
VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng nêu rõ Nguyễn Văn Danh (37 tuổi) chính là Nguyễn Văn Tiến trong vụ án. Bị cáo này có nhân thân xấu vì từng bị đưa vào trường giáo dưỡng và bị tuyên các bản án về tội trộm cắp tài sản.
Các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ căn cứ duy nhất vào lời khai của người phạm tội mà không tiến hành điều tra, xác minh làm rõ đặc điểm nhân thân của người phạm tội. Đây là vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc xác định sự thật của vụ án, từ đó xác định không đúng tên, nhân thân người phạm tội. Lẽ ra bị cáo bị khởi tố, truy tố và xét xử trong vụ án này phải là Nguyễn Văn Danh chứ không phải là Nguyễn Văn Tiến.
Theo: Zing News