Nhà trường để giáo viên (GV) trực tiếp thu tiền học sinh (HS), không công khai đầy đủ các khoản thu đầu năm học… đang là một số bất cập khiến phụ huynh bức xúc.
Đã quy định…
Trong hướng dẫn chuẩn bị năm học mới 2017 – 2018 đối với cấp tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã đề nghị các phòng GD-ĐT phải chỉ đạo các trường không được yêu cầu GV thu tiền trực tiếp từ HS. Theo đó, các trường phải bố trí nhân viên thu các khoản tiền theo quy định tại văn phòng nhà trường. Trong trường hợp cần nhắc nhở việc nộp các khoản tiền, nhà trường phải có thông báo bằng văn bản gửi đến cho cha mẹ HS, GV tuyệt đối không được nhắc trực tiếp HS việc nộp các khoản tiền.
Thực tế, quy định này đã được ngành GD-ĐT tỉnh đưa ra trong vài năm gần đây, tuy nhiên đến nay vẫn còn những đơn vị chưa chấp hành đúng. GV một trường tiểu học ở TP. Nha Trang chia sẻ: “Không biết từ bao giờ, GV còn phải kiêm người nhắc nhở, “thu hộ” tiền đối với HS. Bản thân tôi và các GV khác đều không muốn làm việc này nhưng vì áp lực từ lãnh đạo nhà trường nên phải thực hiện”.
Ông Hà Văn Thông – Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học Sở GD-ĐT cho hay, mới đây, một số GV phản ánh về việc nhà trường dùng áp lực từ phía GV để thu tiền HS. Điều này biến mối quan hệ giữa GV và HS không còn đơn thuần là mối quan hệ thầy và trò mà thành mối quan hệ giữa “chủ nợ” và “con nợ”. Những năm trước, sở đã yêu cầu các phòng GD-ĐT chỉ đạo các trường chấn chỉnh vấn đề này, nhưng đến nay vẫn tái diễn.
Việc đóng góp các khoản thu cũng là đề tài được nhiều phụ huynh bàn luận vào đầu mỗi năm học. Theo công văn số 909 ngày 16-6 của Sở GD-ĐT về đồng phục HS và các khoản thu thì “tất cả các khoản thu phải có căn cứ về pháp lý, được thông báo và niêm yết công khai ở những nơi dễ thấy để cán bộ, GV, công nhân viên, cha mẹ HS có thể đọc, tham khảo. Đối với các khoản thu hộ hoặc tiền ăn, đồ dùng bán trú cho HS, nhà trường chỉ thu đủ, tuyệt đối không để quỹ tồn số tiền lớn và phát sinh lãi từ các nguồn thu này”. Sở cũng yêu cầu nhà trường phổ biến đầy đủ Thông tư 55/2011 của Bộ GD-ĐT về việc ban hành Điều lệ ban đại diện cha mẹ HS đến tất cả phụ huynh; thực hiện lập và chi kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ HS của lớp và của trường theo đúng quy định; không thu các khoản tiền trái với quy định của điều lệ. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc việc công khai tài chính các khoản kinh phí theo quy định tại Thông tư 09/2009 của Bộ GD-ĐT…
… nhưng vẫn thu
Những năm học trước, bên cạnh các trường chấp hành tốt thì đã có một số trường trên địa bàn tỉnh không thực hiện đúng quy định về công khai các khoản thu đầu năm bị chấn chỉnh, xử lý. Năm học này, tuy chưa có kết quả thanh tra, kiểm tra của ngành chức năng, nhưng theo ý kiến một số phụ huynh thì sau khi đóng những khoản đã được niêm yết công khai, họ vẫn phải đóng thêm các khoản khác dưới danh nghĩa “tự nguyện”, “xã hội hóa” như: quỹ khuyến học, tiền xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, quỹ trường, quỹ lớp…
Theo Thông tư 55/2011 của Bộ GD-ĐT, ban đại diện cha mẹ HS không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học gồm: các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện; các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ HS như: bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của HS; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, GV, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, GV và nhân viên nhà trường… |
Chị L., phụ huynh HS một trường tiểu học tại TP. Nha Trang cho biết, chị không thể nhớ hết các khoản đóng góp đầu năm của con, chỉ biết tổng cộng phải đóng hơn 1 triệu đồng, trong đó có quỹ khuyến học nhà trường là 30.000 đồng, quỹ trường 100.000 đồng, quỹ lớp 200.000 đồng… Những khoản này chỉ được GV thông báo miệng tại cuộc họp phụ huynh, chứ không có văn bản nào gửi tới phụ huynh hay dán công khai ở bảng thông báo. Cô giáo cũng cho biết sắp tới nhà trường sẽ có “thư ngỏ” để vận động các phụ huynh ủng hộ “xã hội hóa” về cơ sở vật chất và tổ chức các hoạt động.
Đối với các khoản thu trên, dù dưới danh nghĩa “tự nguyện”, nhưng không phải phụ huynh nào cũng cảm thấy thoải mái. Anh H., phụ huynh HS một trường mầm non tại TP. Nha Trang phân trần: “Một vị trong ban đại diện phụ huynh lớp con tôi đề xuất mỗi người phải đóng ít nhất 400.000 đồng mới đủ chi cho việc trang trí lớp học, mua sắm các đồ dùng như: giấy vệ sinh, giấy tập vẽ và tổ chức các hoạt động khác như: Tết Trung thu, mua quà và tổ chức liên hoan cho các cháu cuối học kỳ… Đây là mức đóng cao so với nhiều người lao động, thậm chí có những khoản bất hợp lý, nhưng vì đa số phụ huynh đồng tình nên những người còn lại phải theo, phần vì sĩ diện, phần vì sợ con em mình bị phân biệt đối xử…”.
Trước những bất cập về các khoản thu đầu năm học, thiết nghĩ, cần có những biện pháp hiệu quả hơn nữa để phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm.
Anh Thái
Theo: Báo Khánh Hòa