Sáng 14-11, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với UBND thị xã Ninh Hòa, Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa (đơn vị chủ rừng) và các đơn vị liên quan để tìm giải pháp bảo vệ rừng căm xe Ninh Tây.
Nhức nhối nạn phá rừng
Tuy căm xe không phải là loại cây nguy cấp, quý hiếm nhưng điều đặc biệt là rừng căm xe Ninh Tây là rừng tự nhiên thuần loại duy nhất của cả nước, mật độ bình quân khoảng 400 cây/ha, đường kính trung bình 20 – 30cm. Gỗ căm xe có giá trị kinh tế cao, dưới tán rừng địa hình có độ dốc thấp, tầng đất dày rất thích hợp với việc trồng cây công nghiệp ngắn ngày, cây dược liệu, cây nông nghiệp. Vì vậy, rừng căm xe Ninh Tây liên tục bị “chảy máu” trước thực trạng phá rừng để lấy đất sản xuất, khai thác lâm sản trái phép với nhiều thủ đoạn. Theo thống kê mới nhất của đơn vị chủ rừng, khu vực rừng căm xe được quy hoạch chức năng rừng phòng hộ có diện tích 702,59ha nhưng hiện nay chỉ có 407,52ha có rừng, đất trống và nương rẫy hơn 278ha.
Tìm hiểu được biết, hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng để lấy đất sản xuất phổ biến nhất là vào mùa vụ, các hộ đang canh tác nương rẫy xen lẫn trong rừng, ven rừng lại xâm lấn rừng căm xe theo kiểu “gặm nhấm”, “vệt dầu loang” bằng cách ken cây, đốt gốc cho cây chết để mở rộng diện tích nương rẫy. Khi lực lượng chức năng phát hiện, lập biên bản thì đưa phụ nữ đứng ra nhận nhưng không chịu ký biên bản vi phạm; việc điều tra, xử lý các vụ vi phạm cũng gặp nhiều khó khăn. Nhức nhối nhất hiện nay là tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển căm xe trái phép. Các đối tượng khai thác lâm sản trái phép cấu kết, phân chia địa bàn, phân công nhiệm vụ một cách bài bản. Gần đây, các đối tượng còn manh động, sẵn sàng chống người thi hành công vụ, thậm chí có đối tượng còn dùng dao đe dọa nhân viên quản lý bảo vệ rừng. Thống kê của Hạt Kiểm lâm Ninh Hòa, từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã lập biên bản 28 vụ việc liên quan đến rừng căm xe, trong đó chủ yếu là các vụ khai thác lâm sản trái phép.
Ông Sử Hồng Quốc Tịnh – Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Tây cho biết, trước năm 2017, tình trạng xâm lấn rừng, khai thác lâm sản trái phép chủ yếu diễn ra lén lút nhưng hiện nay như “ong vỡ tổ”. Đặc biệt, qua các cơn bão số 5, số 6, các đối tượng lợi dụng mưa bão, khai thác rừng căm xe một cách rầm rộ, ngang nhiên cả ngày lẫn đêm. Khi lực lượng chức năng đến kiểm tra thì các đối tượng tháo chạy. Trước thực trạng này, nếu không có giải pháp bảo vệ hiệu quả, một thời gian nữa rừng căm xe Ninh Tây sẽ biến mất.
Giải pháp bảo vệ rừng
Ông Đặng Quang Thành – Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa cho biết: “Việc bảo vệ rừng căm xe Ninh Tây vô cùng khó khăn. Trước mắt, chúng tôi kiến nghị phải tăng cường lực lượng liên ngành (kiểm lâm, công an, quân đội và chủ rừng) tham gia truy quét, ngăn chặn nạn phá rừng căm xe; tăng cường kiểm tra các cơ sở cưa xẻ gỗ; phải điều tra xử lý nghiêm các đối tượng đầu nậu, thu mua, vận chuyển căm xe trái pháp luật, bởi đây là gốc rễ của vấn nạn phá rừng căm xe. Bên cạnh các lực lượng chức năng, cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền cơ sở. Về lâu dài, phải lập dự án nông lâm kết hợp để kêu gọi tổ chức, cá nhân đầu tư, từ đó tạo công ăn việc làm ổn định cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ”.
Ông Đỗ Anh Thy – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Trước mắt, phải thành lập ngay Đội Liên ngành bảo vệ rừng căm xe Ninh Tây, lực lượng bố trí vào đội liên ngành phải là lực lượng làm trực tiếp. Về lâu dài, Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa cần đưa toàn bộ diện tích rừng căm xe Ninh Tây vào phương án quản lý rừng bền vững, trên cơ sở đó xây dựng dự án kêu gọi tổ chức, cá nhân đủ điều kiện đầu tư, vừa bảo vệ rừng vừa phát triển kinh tế dưới tán rừng. |
Liên quan đến việc gắn bảo vệ rừng căm xe Ninh Tây với thực hiện Nghị định 75, lãnh đạo xã Ninh Tây cho biết, ban đầu có hơn trăm hộ đăng ký. Qua sàng lọc, lập danh sách 21 hộ dự kiến giao nhận khoán nhưng đến nay không có hộ nào nhận. Lý do các hộ đưa ra là số tiền nhận khoán bảo vệ rừng thấp (400.000 đồng/ha/năm); nhận khoán bảo vệ rừng nhưng không được kết hợp sản xuất dưới tán rừng nên các hộ không mặn mà. “Muốn giữ được rừng căm xe thì phải giao cho tổ chức hoặc hộ bảo vệ nhưng phải cho phép kết hợp sản xuất dưới tán rừng, người dân phải thu lợi dưới tán rừng thì họ mới mặn mà với việc bảo vệ rừng”, ông Sử Hồng Quốc Tịnh cho biết thêm.
Ông Trần Minh Thu – Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm nhận định: “Tết Nguyên đán sắp đến, việc giữ rừng căm xe sẽ càng khó khăn. Trước mắt, đơn vị chủ rừng cần đề cao hơn nữa trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ rừng từ gốc, phải phát hiện kịp thời thì mới giữ được rừng. Đồng thời, với trách nhiệm của mình, Hạt Kiểm lâm Ninh Hòa cần hỗ trợ hết sức cho đơn vị chủ rừng để giữ rừng, nhất là việc tổ chức kiểm tra các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn. Chi cục Kiểm lâm sẽ điều động thêm lực lượng, chỉ đạo Đội kiểm lâm cơ động tỉnh tăng cường, hỗ trợ thị xã Ninh Hòa xử lý điểm nóng phá rừng căm xe”.
Ông Nguyễn Thanh Hà – Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa yêu cầu các ngành của thị xã Ninh Hòa, UBND xã Ninh Tây cộng đồng trách nhiệm với đơn vị chủ rừng, lực lượng kiểm lâm để bảo vệ rừng căm xe Ninh Tây. Chính quyền xã Ninh Tây phải vào cuộc, tuyên truyền vận động đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương không tham gia phá rừng, tiếp tay cho đối tượng phá rừng. Đối với các đối tượng xúi giục người dân phá rừng, hưởng lợi từ việc thu mua, tiêu thụ lâm sản, Công an thị xã Ninh Hòa phải vào cuộc để xử lý; bên cạnh đó, làm việc với các chủ xe thường xuyên hoạt động trên tuyến này, yêu cầu không được vận chuyển lâm sản trái phép. Đối với việc tiêu thụ, Hạt Kiểm lâm Ninh Hòa phải kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm. Về lâu dài, kiến nghị tỉnh xem xét việc bảo vệ rừng kết hợp phát triển kinh tế dưới tán rừng và có chính sách hỗ trợ thêm cho các hộ nhận khoán bảo vệ rừng căm xe.
HẢI LĂNG
Theo: Báo Khánh Hòa