2 năm gần đây, trước tình trạng nhiều người thiếu ý thức, vô tư xả rác, việc đưa các thuyền vớt rác trên sông vào hoạt động đã góp phần làm sạch vịnh Nha Trang.
Vớt rác trên sông Cái
7 giờ sáng, chúng tôi có mặt tại bến cầu Hà Ra cùng Đội Môi trường 3, Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Nha Trang đi vớt rác trên sông Cái. Một thuyền máy chờ sẵn. Trên thuyền, 7 thùng chứa rác loại 50 – 70kg sắp đặt ngay ngắn. Hai công nhân mặc bảo hộ lao động, sẵn sàng vợt trên tay để hốt rác. Một công nhân cho hay, công việc vớt rác trên sông không vất vả lắm nhưng cần sự kiên trì, tỉ mỉ. Rác thường bám vào 2 bên bờ, có khi mắc kẹt vào ghe thuyền dọc bến nên nhiều lúc phải gỡ ra mới lấy lên được. Ở nhiều nơi, nhất là đoạn sông giáp biển, người dân sống trên nhà chồ và tàu ghe đua nhau xả rác nên vớt xong lại phải vớt lại. Rời Hà Ra, thuyền vòng cầu Trần Phú vào cầu Xóm Bóng rồi sang khu Cồn Dê, cuối cùng trở lại Hà Ra. Buổi sáng, thuyền làm 2 tua như vậy thì mặt trời đã lên cao.
Chị Võ Thị Bạch Hoa – Đội phó Đội Môi trường 3 cho biết, hiện nay, việc vớt rác trên sông triển khai tại 2 khu vực sông Cái và sông Quán Trường theo hình thức cách nhật, một ngày làm, một ngày nghỉ. Công ty đã đầu tư 2 thuyền máy có công suất 45CV để lấy rác trên sông. Việc lấy rác đã triển khai 2 năm nay, góp phần làm sạch môi trường vịnh Nha Trang – nơi có các con sông đổ ra biển.
Tất cả cho vịnh sạch
Theo ông Trần Văn Hương – Giám đốc Xí nghiệp Môi trường (Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Nha Trang), đơn vị có 5 đội thì 3 đội chuyên về môi trường, vận chuyển rác trên đất liền và khu vực sông, biển. Thực hiện chỉ đạo của TP. Nha Trang, 2 năm gần đây, xí nghiệp đã đầu tư thêm thuyền vớt rác trên sông, xem đó là cách chủ động làm sạch vịnh Nha Trang mà trước kia chỉ có tại khu vực biển, đảo. Hiện nay, xí nghiệp có 3 thuyền, 2 thuyền phục vụ vớt rác trên sông Quán Trường và sông Cái, 1 thuyền lấy rác trên đảo và các lồng bè. Việc đưa thuyền vớt rác trên sông đã góp phần làm sạch chất thải rắn trên mặt nước. Tuy nhiên, công việc này còn nhiều khó khăn, do người dân sống dọc bờ sông vẫn có thói quen xả rác xuống sông. Chính vì thế, đơn vị đang tiếp tục phối hợp với các xã, phường dọc sông tăng cường các biện pháp giáo dục, tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân trong việc bảo vệ môi trường.
Theo ông Huỳnh Bình Thái – Trưởng ban Quản lý vịnh Nha Trang, đến nay, việc thu gom chất thải rắn trên vịnh Nha Trang đã ổn định, đặc biệt là sau khi Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Nha Trang triển khai việc vớt rác trên sông. Bên cạnh đó, công ty còn triển khai việc thu gom bao bì, thức ăn thừa từ các lồng bè nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên vịnh Nha Trang, tăng định mức thu gom từ 2 tấn lên 4,5 tấn/ngày để thu gom toàn bộ chất thải của hơn 170 hộ NTTS, góp phần làm sạch vịnh, giữ gìn cảnh quan. Tuy nhiên, hiện nay, công việc này còn gặp khó khăn do ý thức của một bộ phận người dân sống dọc sông, ghe thuyền và hộ nuôi lồng bè còn hạn chế, dẫn đến tình trạng xả rác chưa chấm dứt; tỷ lệ thu phí chất thải rắn khu vực đảo đạt thấp (dưới 60%), thậm chí có nơi gần như không thu được (Bãi Miễu), hoặc chỉ thu được của các nhà hàng nổi. Bên cạnh đó, mỗi khi mưa lũ, cây cối, rác từ thượng nguồn đổ về khiến việc xử lý rác vô cùng vất vả; việc quy hoạch NTTS trên vịnh theo hướng đưa lồng bè và tàu thuyền về khu vực Trí Nguyên – Bãi Miễu (làng chài) đang gia tăng áp lực ô nhiễm môi trường trên vịnh, gây khó khăn cho việc vận chuyển chất thải rắn.
Để giải quyết những khó khăn trên, Ban Quản lý vịnh Nha Trang đã bàn giao 43/63 hộ không chấp hành giao rác NTTS cho Đội liên ngành của TP. Nha Trang xử phạt. Thời gian tới, ban tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên tuyên truyền, kiểm tra, xử lý tình trạng rác còn tồn đọng, nhất là tại các “điểm nóng” như: chân cầu Xóm Bóng (phường Vĩnh Phước), khu vực bẫy nhử tôm hùm Hòn Rớ, cảng dân sinh Trí Nguyên và các ghềnh đá thuộc Hòn Một, Bãi Ngang, khu du lịch Con Sẻ Tre… Song song đó, kiến nghị UBND tỉnh quy hoạch chi tiết khu vực hoạt động của các nhà hàng nổi, bè dịch vụ vui chơi giải trí và NTTS trên vịnh Nha Trang, đưa hoạt động bảo vệ môi trường trên vịnh đi vào nề nếp.
V.LẠC
Theo: Báo Khánh Hòa