Môi trường đang là điểm trừ của du lịch Việt Nam. Để du lịch phát triển bền vững, ngành Du lịch cần đẩy mạnh bảo vệ môi trường (BVMT) trong hoạt động du lịch. 


Chỉ số môi trường bền vững còn thấp


Theo thông tin từ Tổng cục Du lịch, giai đoạn 2015 – 2019, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng từ 7,9 triệu lượt lên hơn 18 triệu lượt; khách nội địa tăng từ 57 triệu lượt lên hơn 85 triệu lượt; tổng thu từ du lịch tăng từ 355.000 tỷ đồng lên 755.000 tỷ đồng. Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hợp quốc đã xếp Việt Nam đứng thứ 7 trong danh sách 20 quốc gia có mức tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động du lịch cũng gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường sống, làm gia tăng chất thải, đặc biệt là chất thải nhựa, gia tăng sức ép lên quỹ đất ở các địa phương. Môi trường đang được xem là khâu yếu nhất của du lịch Việt Nam. Năm 2019, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đánh giá sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam ở hạng 63/140 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, về tiêu chí môi trường bền vững, du lịch Việt Nam chỉ xếp hạng 121/140.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA


Các doanh nghiệp du lịch tìm hiểu các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Các doanh nghiệp du lịch tìm hiểu các sản phẩm thân thiện với môi trường.


Những năm qua, du lịch Khánh Hòa đã có sự phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh về cơ sở lưu trú, các khu du lịch, sự gia tăng lượng khách đã gây ra sức ép lớn trong việc bảo vệ tài nguyên và môi trường đối với du lịch Khánh Hòa. Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh – Phó Giám đốc Sở Du lịch thẳng thắn chia sẻ, nhiều chuyên gia môi trường đã cảnh báo, việc các khách sạn, khu du lịch được xây dựng với mật độ tập trung cao ở TP. Nha Trang, đặc biệt là dọc theo đường Trần Phú và Phạm Văn Đồng đã làm thay đổi đáng kể cảnh quan ven vịnh Nha Trang. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất để triển khai xây dựng các khu du lịch, đặc biệt là hoạt động xây dựng lấn biển đã khiến nhiều cảnh quan đặc sắc, hệ sinh thái nhạy cảm như san hô, thảm cỏ biển… ở vùng ven biển, hải đảo bị ảnh hưởng. Lượng khách du lịch tăng cao khiến nhu cầu cung cấp nước sạch cũng như sức ép về xử lý nước thải, rác thải ngày càng lớn.


Để hướng đến sự phát triển bền vững, Tổng cục Du lịch và Hiệp hội du lịch Việt Nam đã triển khai nhiều chương trình hành động BVMT, khuyến khích các doanh nghiệp (DN) du lịch sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường. Mới đây, tại Nha Trang, Tổng cục Du lịch đã tổ chức lễ phát động BVMT trong hoạt động du lịch; tổ chức hội thảo tìm giải pháp để BVMT trong cơ sở lưu trú và các điểm du lịch. “BVMT du lịch là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, nhằm bảo đảm cho sự phát triển bền vững của du lịch Việt Nam. Với những địa phương trọng điểm về du lịch như Nha Trang – Khánh Hòa, việc BVMT càng đặc biệt quan trọng”, ông Ngô Hoài Chung – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch chia sẻ. 


Hạn chế rác thải nhựa



Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) thống kê, năm 2018, Việt Nam đã thải ra hơn 1,8 triệu tấn rác thải nhựa không được xử lý, chiếm gần 6% lượng rác nhựa trên thế giới. Tính riêng lượng rác thải nhựa ra biển, Việt Nam đứng thứ 4 thế giới, ở mức 0,28 – 0,73 triệu tấn. Tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa ngày càng gia tăng trong những năm qua đã làm giảm sự hấp dẫn của các điểm đến của du lịch Việt Nam.


Những năm gần đây, Sở Du lịch đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức nhiều lớp tập huấn về BVMT cho các tổ chức, cá nhân hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Sở Du lịch cũng tổ chức các hoạt động kêu gọi BVMT trong hoạt động du lịch, phát động phong trào chống rác thải nhựa trong cơ sở lưu trú, “nói không” với sản phẩm nhựa sử dụng một lần…


Những hoạt động tuyên truyền của cơ quan quản lý nhà nước, cùng với xu thế phát triển về du lịch xanh đã thúc đẩy các DN du lịch ngày càng có ý thức hơn trong việc BVMT. Một số khu du lịch như: Champa Island, Đảo Hoa Lan… đã thực hiện các mô hình công viên rác thải, vườn hoa bằng rác thải nhựa để tuyên truyền ý thức BVMT cho người dân và du khách. “Qua khảo sát cho thấy, đến nay, hơn 70% các cơ sở lưu trú du lịch 4 – 5 sao và tương đương đã dần thay thế các sản phẩm nhựa sử dụng một lần bằng các sản phẩm thân thiện môi trường để phục vụ khách du lịch. Các cơ sở lưu trú du lịch 3 sao cũng đang dần cố gắng thay đổi một số vật dụng nhỏ thân thiện với môi trường như ống hút giấy, ly giấy, túi vải…. để phục vụ khách”, bà Nguyễn Thị Lệ Thanh cho biết.


Theo bà Nguyễn Thị Thanh Bình – Phó Vụ trưởng Vụ khách sạn (Tổng cục Du lịch), sau dịch Covid-19, du khách đặc biệt quan tâm đến các sản phẩm du lịch xanh. Theo đó, du lịch Khánh Hòa cần phải làm tốt hơn nữa trong việc bảo đảm an toàn trong hoạt động du lịch, tạo môi trường du lịch xanh. Cần phải thúc đẩy các DN tham gia vào chuỗi dịch vụ du lịch sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường, nói không với đồ nhựa dùng một lần. 


XUÂN THÀNH



Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/du-lich/202012/bao-ve-moi-truong-de-phat-trien-du-lich-xanh-8196307/