Sáng nay 3-11, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai (Ban chỉ đạo) đã có cuộc họp khẩn ứng phó với cơn bão số 12 và tình hình mưa lũ miền Trung. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Xuân Cường, Trưởng Ban chỉ đạo, chủ trì.
Vị trí và dự báo hướng di chuyển của bão số 12 – Nguồn: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương
Trước đó, để ứng phó với cơn bão số 12 có cường độ rất mạnh, ngày 1-11, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1659/CĐ-TTg chỉ đạo các tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long, ven biển miền Trung, Tây Nguyên và các Bộ ngành triển khai các biện pháp ứng phó khẩn cấp.
Ngày hôm nay 3-11, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ đi kiểm tra, trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 12 tại các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên. Sau đó, vào 16 giờ chiều nay, tại trụ sở UBND tỉnh Khánh Hoà, Phó Thủ tướng sẽ chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương để ứng phó với bão số 12 và mưa lũ sau bão.
Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Hoàng Văn Thắng cũng đã dẫn đầu đoàn công tác của Ban chỉ đạo phối hợp với địa phương chỉ đạo công tác ứng phó với bão và mưa lũ tại các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Bình Thuận, Ninh Thuận.
Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã cử đoàn công tác do Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa, Chánh Văn phòng, làm trưởng đoàn tham gia chỉ đạo ứng phó với bão.
Trường gió của bão số 12 đang hoạt động rất mạnh trên biển Đông. Nguồn: earth nullschool.net
Trước tình hình nguy hiểm, tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức cấm biển vào 18 giờ ngày 2-11; di dời ngư dân, các hộ nuôi trồng thủy sản trên các lồng, bè trước 16 giờ ngày 3-11; chỉ đạo cho học sinh nghỉ học từ 12 giờ hôm nay 3-11.
Tỉnh Ninh Thuận tổ chức cấm biển vào 15 giờ ngày 2-11; di dời ngư dân trên tàu thuyền, lồng bè trước 13 giờ chiều này. Tỉnh Bình Thuận cũng đã ra lệnh cấm biển; hoàn tất các công việc chuẩn bị ứng phó với bão trước 10 giờ ngày 3-11.
Để ứng phó với bão số 12 được dự báo có cường độ rất mạnh, gây mưa lớn, các địa phương trong vùng ảnh hưởng đã lên kế hoạch di dời dân để đảm bảo an toàn. Theo đó, ngày 2-11, tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo triển khai sơ tán dân cư tại các khu vực bị ngập lụt, chia cắt, vùng trũng thấp đến nơi an toàn với 759 hộ/1.958 người tại huyện Đồng Xuân.
Theo kế hoạch ứng phó với bão của các địa phương: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, tổng số người dự kiến di dời, sơ tán là 75.467 hộ với 386.143 người. Trong đó sơ tán tập trung 38.267 hộ với 192.581 người; sơ tán tại chỗ 37.200 hộ với 193.562 người).
Trong đó, tỉnh Bình Định sơ tán tại chỗ 13.591 hộ/93.199 người; tỉnh Phú Yên sơ tán tập trung 10.793 hộ/39.948 người; sơ tán tại chỗ 11.583 hộ/45.138 người.
Tỉnh Khánh Hòa sơ tán tập trung 14.721 hộ/14.721 người; sơ tán tại chỗ: 5.870 hộ/28.431 người. Tỉnh Ninh Thuận sơ tán tập trung: 12.143 hộ/53.060 người; sơ tán tại chỗ: 6.156 hộ/26.794 người. Tỉnh Bình Thuận sơ tán tập trung 610 hộ/35,209 người.
Sáng sớm mai, bão giật cấp 15 đổ bộ Phú Yên-Bình Thuận
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng Thuỷ văn trung ương, trong 3 giờ vừa qua bão số 12 tiếp tục mạnh thêm, sức gió mạnh nhất gần tâm bão tăng thêm một cấp.
Vào lúc 10 giờ sáng nay 3-11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,7 độ Vĩ Bắc; 113,0 độ Kinh Đông, cách bờ biển Khánh Hòa-Ninh Thuận khoảng 400 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 20 km.
Đến 22 giờ ngày 3-11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,3 độ Vĩ Bắc; 110,8 độ Kinh Đông, cách bờ biển Khánh Hòa-Ninh Thuận khoảng 170 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 15.
Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20km.
Kkhoảng sáng sớm mai (4-11) bão sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Nam Phú Yên đến Bắc Bình Thuận với sức gió mạnh nhất cấp 11, giật cấp 14, sau đó suy yếu dần.
Đến 10 giờ ngày 4-11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,1 độ Vĩ Bắc; 108,4 độ Kinh Đông, trên đất liền ven biển các tỉnh Nam Phú Yên-Bắc Bình Thuận. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 12.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Tây khu vực Giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 8-10, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 11-12, giật cấp 15; biển động dữ dội.
Vùng biển từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận (bao gồm đảo Lý Sơn, Phú Quý) gió mạnh cấp 6-7, đến đêm gió mạnh cấp 8-9, gần sáng mai (04/11) tăng lên cấp 9-10, vùng gần bão đi qua cấp 11-12, giật cấp 15; biển động dữ dội. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão kết hợp với không khí lạnh tăng cường mạnh ở Vịnh Bắc Bộ, vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Biển động mạnh.
Nước dâng do bão ở ven biển các tỉnh từ Phú Yên đến Ninh Thuận từ 0,5-1,0m, sóng ngoài khơi vùng tâm bão cao từ 5-7m, vùng ven bờ từ 2-4m.
Sáng sớm ngày 4-11, trên đất liền ven biển các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận có gió mạnh dần lên cấp 9-11, giật cấp 14, các khu vực sâu hơn trong đất liền có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 11. Khu vực ven biển các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Thuận có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Ngày mai, miền Đông Nam Bộ có gió giật cấp 6-8.
Văn Duẩn
Theo: Người Lao Động