Huyện Khánh Vĩnh có khoảng 38.000 dân, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) chiếm 76%. Với một huyện miền núi còn nhiều khó khăn, dân trí thấp, đồng bào các dân tộc vẫn còn ảnh hưởng nặng nề bởi các phong tục tập quán lạc hậu, do vậy, công tác tuyên truyền có một vai trò vô cùng quan trọng.

Những năm qua, già làng Cao Sung ở thôn Hòn Dù, xã Khánh Nam đã hình thành thói quen thức dậy từ 5 giờ sáng khi âm thanh nhạc hiệu đầu tiên của đài huyện cất lên giai điệu Tây Nguyên quen thuộc trên chiếc loa phóng thanh ở đầu ngõ. Vừa nấu nước pha trà, ông vừa chuẩn bị mấy thứ linh tinh bỏ vô chiếc gùi để sau chương trình thời sự sáng là ông sẽ vào rẫy. Già làng Cao Sung chia sẻ: “Ở miền núi bây giờ mình không còn “mù” thông tin như trước. Sáng nghe hết đài huyện, đài tỉnh đến đài trung ương, mình hiểu được nhiều thứ lắm. Điều gì báo, đài nói mình thấy đúng là thực hiện ngay. Ví dụ như toàn dân bảo vệ môi trường, không xả rác thải, đồ nhựa, mình phải ủng hộ, rồi vận động bà con trong buôn thực hiện. Hay xã này, xã kia trồng bưởi da xanh theo hướng sạch, an toàn, bà con bán được giá, mình nghe để học tập làm theo. Còn ở xã, có việc gì cần dân thực hiện, chỉ cần Đài Truyền thanh xã thông báo là dân biết, chấp hành ngay, chẳng hạn như: tiêm chủng hay tẩm mùng, vệ sinh môi trường, nhận quà… rất tiện lợi, chẳng phải đến từng nhà gọi như trước”.

Vợ chồng ông Nguyễn Xuân Từ (thị trấn Khánh Vĩnh) có thói quen ngồi nghe tin tức thời sự  qua sóng radio và đọc báo mỗi buổi sáng.

Vợ chồng ông Nguyễn Xuân Từ (thị trấn Khánh Vĩnh) có thói quen ngồi nghe tin tức thời sự qua sóng radio và đọc báo mỗi buổi sáng.

Còn đối với ông Pi Năng Liêm, thôn Ba Dùi, xã Khánh Bình thì luôn xem chiếc radio như một người bạn tinh thần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt. “Lúc nào đi rẫy mình cũng mang theo radio. Nghe đài, mình hiểu được nhiều thứ, cái gì đúng phải học hỏi để tiến bộ bằng người ta”, ông Liêm nói.  

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

Để đáp ứng nhu cầu được tiếp cận thông tin của ĐBDTTS trong huyện, những năm qua, được sự đầu tư của Nhà nước và của tỉnh, Đài Truyền Thanh – Truyền hình huyện Khánh Vĩnh (nay hợp nhất với Trung Tâm Văn hóa, Thể thao trở thành một bộ phận của Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao Khánh Vĩnh) được đầu tư thiết bị để tiếp phát 4 kênh: VTV1, VTV2, VTV3 và KTV. Hệ thống đài truyền thanh cơ sở đã được đầu tư trang bị máy phát kỹ thuật số với hệ thống loa không dây phân đều ở các cụm dân cư nên bà con ai cũng có thể theo dõi tin tức hàng ngày trên hệ thống loa đài hoặc theo dõi qua sóng radio. Bên cạnh đó, mạng Internet đã phủ sóng đến toàn huyện nên người dân trong huyện có thể lắp đặt truyền hình cáp, truyền hình qua đầu thu kỹ thuật số, hoặc theo dõi thông tin thời sự qua các trang báo điện tử. Hiện nay, khoảng 80% hộ đã trang bị được máy thu hình, sóng phát thanh phủ đến tận thôn bản. Toàn huyện có 100% người dân đã được nghe đài phát thanh và được xem chương trình truyền hình. Với báo viết, người dân có thể đặt mua tại bưu điện hoặc đến các điểm bưu điện văn hóa xã hoặc thư viện công cộng để đọc tin tức…

Những sản phẩm báo chí được chuyển tải đến người dân qua nhiều kênh. Nhờ vậy, người dân đã nắm bắt từ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến tình hình thời sự trong nước, quốc tế. Nhờ báo chí, ĐBDTTS hiểu được nhiều góc cạnh của cuộc sống, tiếp cận với tri thức khoa học kỹ thuật, mở mang tầm nhìn hay học tập gương người tốt, việc tốt…  Báo chí cũng làm tốt vai trò phản biện xã hội, định hướng dư luận, giúp bà con có ý thức trách nhiệm hơn trong việc chấp hành kỷ cương pháp luật. Ông Nguyễn Xuân Từ ở tổ 2, thị trấn Khánh Vĩnh chia sẻ: “Bây giờ lên mạng thông tin rất đa dạng, nhiều khi không tỉnh táo, không xem rõ nguồn tin thì sẽ dễ bị nhầm lẫn, hiểu sai sự thật, nguy hiểm vô cùng. Tôi chỉ thích nghe Đài Tiếng nói Việt Nam và đọc Báo Khánh Hòa, thông tin rất gần gũi, chính xác”.

Hiện nay, đời sống kinh tế – xã hội của người dân huyện Khánh Vĩnh đã có sự chuyển biến tích cực; chất lượng cuộc sống đã được nâng lên, an ninh, chính trị ổn định vững chắc. Có được kết quả ấy, bên cạnh sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ và nhân dân trong huyện còn có sự tác động không nhỏ của báo chí, góp phần làm thay đổi tư duy nhận thức của người dân. Ông Mấu Văn Phi – Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh khẳng định: “Báo chí là cầu nối để các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhanh chóng lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội. Báo chí đã tác động tích cực đến tư tưởng nhận thức của người dân, nhất là với ĐBDTTS ở các xã vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn”.

Kim Oanh  

 
 
 

Theo: Báo Khánh Hòa