Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương, đến 4 giờ ngày 19-11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,7 độ vĩ Bắc; 110,0 độ kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh Khánh Hòa – Ninh Thuận – Bình Thuận. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 12. Vùng gió mạnh do bão trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 200 km về phía Bắc, 150 km về phía Nam tính từ vùng tâm bão có thể đi qua.

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25 km; khoảng sáng đến trưa 19-11, bão sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bình Thuận với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 11; sau đó sẽ suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.

Chiều tối 18-11, tại cuộc làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Khánh Hòa tập trung chỉ đạo việc sắp xếp tàu, chằng chống nhà cửa, sơ tán dân ra khỏi các vùng nguy hiểm để phòng bão 14 đổ bộ. Báo cáo với Phó Thủ tướng, UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết đến chiều 18-11, học sinh toàn tỉnh đã nghỉ học từ nay đến hết ngày 20-11. Tàu bè đã bị cấm ra khơi. Hiện cả tỉnh có 210 tàu cá với 1.238 thuyền viên đang hoạt động trên các vùng biển đã được thông báo thông tin của bão số 14 và có kế hoạch di chuyển. Sau bão số 12, toàn tỉnh chỉ còn trên 660 hộ có bè cá, tôm ở TP Cam Ranh và Nha Trang đã yêu cầu vào bờ. Tối cùng ngày, trên 6.300 hộ với 22.604 nhân khẩu trên cũng phải sơ tán.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA
Bão cấp 12 đổ bộ vào Khánh Hòa - Ninh Thuận - Bình Thuận - Ảnh 1.

Ngư dân Ninh Thuận kéo buộc tàu thuyền ứng phó bão số 14 Ảnh: LÊ TRƯỜNG

Tối 18-11, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã vào Ninh Thuận để kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó cơn bão số 14. Theo Phó Thủ tướng, thời gian rất cấp bách, địa phương phải tập trung lực lượng để xử lý hiệu quả, nhanh chóng mọi tình huống có thể xảy ra.

Ông Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết đã có công điện nghiêm cấm tất cả tàu thuyền ra khơi đánh bắt; đồng thời huy động lực lượng ứng cứu tại chỗ của các địa phương ven biển giúp ngư dân đưa tàu thuyền về neo đậu nơi an toàn, tuyệt đối không để người ở lại trên tàu đang trên đường vào bờ để tránh trú bão.

Theo báo cáo nhanh của UBND tỉnh Bình Thuận, đến trưa 18-11, tổng số tàu thuyền đang hoạt động trên biển là 2.322 chiếc với 14.325 lao động. Các đơn vị chức năng đang tích cực liên lạc, kêu gọi các tàu vào bờ tránh trú bão và hướng dẫn các tàu giữ liên lạc với các đồn biên phòng, các đài thông tin duyên hải khu vực.

Ngay trong ngày 18-11, Thủ tướng Chính phủ có công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan ứng phó khẩn cấp bão số 14 và mưa lũ. 

Văn Duẩn – Kỳ Nam – Lê Trường

Theo: Người Lao Động