Xung quanh cuộc đời bác sĩ Alexandre Yersin – nhà bác học nổi tiếng người Pháp gốc Thụy Sĩ, có nhiều câu chuyện cảm động về ông đối với vùng đất Nha Trang – Khánh Hòa. Trong đó có câu chuyện ông đã từng trồng cây canh ki na với mong muốn chữa bệnh sốt rét cho người dân Việt Nam ở thời kỳ đó.


Theo kỹ sư Trần Giỏi – Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Khánh Hòa, ở Đông Dương vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, bệnh sốt rét hoành hành rất dữ dội. Việc điều chế thuốc đặc trị sốt rét tại đây gặp khó khăn vì thiếu nguyên liệu, mọi hy vọng tập trung vào việc phát triển cây canh ki na hay còn gọi là cây ký ninh. Năm 1886, Paul Bert, Toàn quyền Đông Dương đã thí điểm trồng loại cây này ở Ba Vì (Hà Nội) nhưng không thành công. Mãi đến năm 1925, bác sĩ Yersin mới trồng thành công cây canh ki na tại vùng đất Dran, nay là thị trấn Dran thuộc huyện Đơn Dương và xã Xuân Thọ thuộc TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), đem lại giá trị thương phẩm và y dược rất lớn.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA



Thành viên Hội Những người ái mộ bác sĩ A. Yersin công tác tại tỉnh Lâm Đồng.



Cây canh ki na có nguồn gốc từ Nam Mỹ. Từ thế kỷ XVI, người dân bản địa Peru đã biết sử dụng vỏ cây canh ki na (có hoạt chất quinine, lần đầu tiên được phân lập vào năm 1820) sấy khô và tán thành bột để chữa bệnh sốt rét. Sau đó, các tu sĩ người Tây Ban Nha đã khai thác và chuyển về châu Âu. Phương thuốc này giúp cứu sống hàng triệu người khỏi bệnh sốt rét trong giai đoạn chiến tranh thế giới thứ nhất.


Với những cống hiến đặc biệt về lĩnh vực y học và nông nghiệp, bác sĩ Yersin đã nỗ lực khảo sát tìm địa điểm phù hợp để đưa cây canh ki na từ Java (Indonesia) về trồng tại Việt Nam. Bác sĩ Yersin đã chọn Hòn Bà (huyện Cam Lâm) với độ cao 1.500m so với mực nước biển là địa điểm để trồng loài cây này. Năm 1917, những hạt giống đầu tiên và 30 cây canh ki na ghép từ Pháp nhanh chóng được đưa lên trồng ở Hòn Bà. Thời gian đầu, những cây ghép mọc không tốt, còn những cây ươm hạt đều phát triển khỏe. Tuy nhiên, tốc độ phát triển của tất cả các cây dần chậm lại, lá cây nhiễm nấm mốc. Không nản lòng, ông tiếp tục tìm những vùng đất phù hợp hơn và đến năm 1925, ông quyết định chuyển việc thực nghiệm trồng cây canh ki na sang vùng đất Dran, Xuân Thọ. Kết quả là cây canh ki na đã phát triển tốt ở vùng đất này.


Giai đoạn 1932 – 1942, bác sĩ Yersin gắn bó với Trạm nghiên cứu Lang Hanh (tỉnh Lâm Đồng) và Viện Pasteur Đà Lạt để xây dựng một quy trình tổng hợp từ ươm trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đến khai thác, chế biến vỏ cây canh ki na. Khoảng 700ha cây canh ki na đã được thu hoạch vỏ để điều chế thuốc trị bệnh sốt rét. Nỗ lực này của ông đã góp phần đẩy lùi căn bệnh đáng sợ này ở Việt Nam vào thời kỳ đó. Sau này, khi ông mất đi và đất nước rơi vào cảnh chiến tranh, nhiều diện tích trồng canh ki na nơi đây đã bị bỏ hoang, cây chết dần, hiện nay còn lại rất ít.


Đầu những năm 2000, nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đã đến Hòn Bà để tìm lại những công trình nghiên cứu của bác sĩ Yersin tại đây. Đã có nhiều đợt khảo sát, tìm kiếm một số loài cây do ông đưa đến, trong đó có cây canh ki na, nhưng kết quả khá khiêm tốn, các nhà khoa học chỉ phát hiện vết một số luống của vườn ươm, mà không tìm thấy cây canh ki na.


Theo Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Văn Xáng – Phó Chủ tịch Hội Những người ái mộ bác sĩ A. Yersin Khánh Hòa, gần đây, với mong muốn tìm cây canh ki na về trồng tại ngôi mộ của bác sĩ Yersin và ở đỉnh Hòn Bà, một số nhà nghiên cứu tiếp tục tìm cây canh ki na (dựa trên các tư liệu cũ). Sau nhiều lần tìm kiếm, với sự giúp sức của một số nhà khoa học tận tụy ở tỉnh Lâm Đồng, Hội Những người ái mộ bác sĩ A. Yersin, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Khánh Hòa cũng tìm được cây canh ki na tại xã Xuân Thọ (tháng 8-2020). Sau đó, các hội đã đưa cây canh ki na về trồng tại Hòn Bà. Việc các hội đưa cây canh ki na về trồng lại ở Hòn Bà mang ý nghĩa văn hóa, lịch sử và cũng là sự tri ân đối với bác sĩ A. Yersin – Công dân danh dự Việt Nam, người đã gắn bó với mảnh đất Nha Trang – Khánh Hòa bằng cả trái tim đôn hậu.



Cây canh ki na có tên khoa học là Cinchona calisaya Wedd. Cây gỗ trung bình, đường kính khoảng 30cm, chiều cao 10 – 15m; thu hoạch vỏ sau 8 – 12 năm. Vỏ cây có vị đắng, chứa nhiều ancaloid, đặc biệt là quinine và quinidine. Có tới 70 – 80% tổng số ancaloid có trong vỏ cây là quinine. Công dụng: Dùng để điều trị và phòng bệnh sốt rét; có tác dụng giảm đau, hạ nhiệt trong điều trị cảm cúm, đau dây thần kinh, co cơ và rung tim. Ngoài ra, canh ki na còn dùng làm hương liệu đắng trong nước bổ và đồ uống có ga. Mặc dù ngày nay đã có nhiều loại thuốc mới để điều trị bệnh sốt rét, nhưng cây canh ki na vẫn còn được trồng và sử dụng với các tác dụng khác.



Thân cây canh ki na.



V.L

Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202304/bac-si-a-yersin-va-chuyen-dua-cay-canh-ki-na-vao-viet-nam-8278485/