Chiều 10/11, ông Lê Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, trao đổi về cơn bão số 13 (bão Haikui) đang hoạt động mạnh trên Biển Đông và những kịch bản về đường đi của cơn bão này.
– Sau khi vào Biển Đông sáng sớm nay, bão số 13 có gì đáng chú ý, thưa ông?
Ông Lê Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia. Ảnh: T.M. |
– Cơn bão số 13 xuất phát từ áp thấp nhiệt đới, đi qua phía bắc Philippines và vào Biển Đông. Bão dự kiến sẽ mạnh dần lên, đạt cấp 9 vào ngày 11/11.
Ngày 12/11, cơn bão sẽ ở giai đoạn cực đại, mạnh khoảng cấp 9-10 và nằm trên phía bắc quần đảo Trường Sa. Đây cũng là thời điểm quan trọng, quyết định các diễn biến tiếp theo của bão.
– Bão có những kịch bản diễn biến thế nào?
– Kịch bản có khả năng cao nhất là bão đi di chuyển vào vùng biển giữa đảo Hoàng Sa và đảo Hải Nam (Trung Quốc). Do ảnh hưởng bởi không khí lạnh từ phía bắc, cơn bão có thể đổi hướng, giảm tốc, suy yếu và quặt xuống phía tây nam, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Sau đó, áp thấp nhiệt đới dịch chuyển dần về phía Trung Bộ nước ta và thành vùng áp thấp. Ảnh hưởng bởi không khí lạnh, nó chỉ gây mưa thuần túy, không có gió mạnh.
Kịch bản xấu hơn là cơn bão đi quá nhanh, không kịp chờ không khí lạnh xuống và đổ bộ vào phía nam đảo Hải Nam rồi tiến sang phía nam vịnh Bắc Bộ. Lúc này, bão vẫn mạnh ở cấp 8-9, gây nguy hiểm cho các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị.
Một kịch bản khác là bão số 13 “chết” ngay trên Biển Đông, không ảnh hưởng cả vùng biển và đất liền.
Chúng tôi đang theo dõi rất chặt chẽ để sớm đưa ra các nhận định sát với thực tế.
Hình ảnh bão số 13 vào trưa 10/11. Ảnh: NCHMF. |
– Bão số 13 được cho là có hướng di chuyển rất phức tạp. Những yếu tố nào đã tác động?
– Mỗi một cơn bão chịu tác động của các yếu tố như áp cao, áp thấp tạo nên đường dẫn để nó di chuyển, hệ thống này thường thay đổi. Hôm 9/11, lưới cao cận nhiệt đới đang rất ổn định, đường đi của cơn bão theo hướng tây tây bắc.
Hôm nay, cơn bão dịch chuyển sang hướng tây bắc nhiều hơn. Trong 2 ngày tới, khi gặp không khí lạnh, cơn bão di chuyển chậm lại và quặt sang phía tây nam. Tôi cho rằng nhiều môi trường không khí xung quanh tác động đến đường đi của bão.
Chính vì vậy, hướng di chuyển của cơn này chắc chắn sẽ không ổn định.
– Cơ quan khí tượng có cảnh báo gì về tình hình mưa lũ, sạt lở đất và những vùng nguy hiểm, dễ bị ảnh hưởng?
– Cảnh báo đáng lưu ý nhất vẫn là trên biển, trong đó, vùng biển phía đông của giữa và bắc Biển Đông. Cơn bão có thể gây gió mạnh, gió xoáy, đặc biệt là gió xoáy cấp 8-9.
Vùng biển Côn Đảo, Hoàng Sa cần lưu ý, bởi đây là giai đoạn mạnh nhất. Bà con trên biển phải nâng cao cảnh giác, tránh vùng biển bão đi vào.
Với khu vực đất liền, không khí lạnh về mang mưa vừa đến mưa lớn. Hơn nữa, mực nước các sông dâng lên, nếu mưa thêm một số sông có thể đạt mức báo động 3. Vùng núi ở Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi có nguy cơ sạt lở đất đá rất cao khi cơn bão càng sát vào, không khí lạnh xuống.
Theo: Zing News