Suốt phiên tòa, bị cáo C.V.M (sinh năm 1990, trú huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) nhiều lần nhắc đi nhắc lại: “Bị cáo xin lỗi gia đình bị hại, bị cáo sai rồi!”. Đáng tiếc, khi M. nhận ra lỗi lầm thì hậu quả đã quá nặng nề.


Cuộc nhậu trong ngày nghỉ giữa bị cáo với mấy người cùng thôn chẳng có gì đáng kể nếu như không phát sinh xích mích. Bị bạn nhậu đùa cợt, nói M. không dám đánh ai, tức tối vì nói không lại, M. đã lấy dao, đâm chết bạn nhậu!

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA


Xin lỗi gia đình bị hại, nhưng bị cáo vẫn thắc mắc: Bị cáo chỉ muốn chứng minh mình… dám đánh, lại do bị hại khích, mà lúc đó bị cáo đã say, còn biết gì! Người dự phiên tòa cảm nhận M. không có bản chất ngông nghênh tới mức sẵn sàng ra tay chỉ vì câu nói khích. Sự tức tối, hành xử thiếu kiểm soát của M. một phần do thiếu hiểu biết. M. vốn chưa từng biết đến con chữ, cả ngày lo phát rẫy, chiều tối về nhậu. Hành vi phạm tội của M. một phần cũng do rượu. M. thú nhận, hôm đó uống rượu từ sáng sớm, đến đầu buổi chiều, hết rượu, M. lại mua về uống tiếp. Uống đến cuối buổi chiều thì M. sang nhà hàng xóm tiếp tục uống. Lúc tới, M. đã ngà ngà say, chân đi không vững. Bình thường, bị cáo uống được chừng 3 xị rượu, riêng hôm đó, uống hết bao nhiêu, bị cáo không nhớ nổi…


Vị thẩm phán nghiêm nghị: Hoàn cảnh bị cáo khó khăn, vợ mất đã 5 năm, một mình nuôi 2 con nhỏ. Nhưng bị cáo không lo làm ăn, lại nhậu tối ngày. Thực tế, trong 16 triệu đồng mà bị cáo đã bồi thường cho gia đình bị hại, chỉ có 2,5 triệu đồng tiền mặt do gia đình gom góp được, còn lại đều là những tài sản được quy đổi, như heo, gà, đồ cúng… Nếu sớm nghĩ đến gia cảnh khó khăn, hiểu biết pháp luật hơn, bớt rượu chè, kiềm chế hành vi thì bị cáo đã không phạm tội. Án mạng xảy ra, bị cáo đi tù, rồi 2 con ai chăm?


Ngay gia đình bị hại cũng thiếu hiểu biết. Chị “vợ” cho biết, chung sống với bị hại không đăng ký kết hôn. Cha mẹ bị hại khẳng định, 3 đứa trẻ đều là con chung của “con dâu” với bị hại. Ông bà đã tổ chức cưới cho các con đàng hoàng. Đại gia đình chung sống hồi giờ, 3 đứa trẻ tất nhiên là cháu nội. Nhưng, giấy khai sinh của 3 đứa trẻ đều bỏ trống phần người cha, không có tên bị hại. Vị chủ tọa giải thích, giấy khai sinh không ghi tên cha; cũng không có xác nhận cha – con của cơ quan chức năng, theo quy định pháp luật, tòa không thể chấp nhận yêu cầu xem xét cấp dưỡng cho 3 đứa trẻ. Vẫn chưa tin vào sự thật, gia đình bị hại đứng tần ngần rất lâu, hỏi đi hỏi lại: Sao không được cấp dưỡng, 3 đứa đều là con bị hại mà!


Cuộc nhậu đã kết thúc buồn với 2 người cùng thôn: Người vĩnh viễn ra đi; kẻ lãnh 17 năm tù về tội giết người, phải bồi thường 100 triệu đồng. Cùng với nỗi đau của mỗi gia đình còn là nỗi lo cho tương lai của 5 đứa trẻ bơ vơ, tội nghiệp.


TAM THUẬT

Theo: Báo Khánh Hòa

Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/phap-luat/chuyen-ghi-o-toa/202101/an-mang-tu-cuoc-nhau-8201439/