Nha Trang – Khánh Hòa, chỉ nghe cái tên thôi đã thấy sao thanh bình, ấm áp đến lạ. Hẳn nhiên, du khách gần xa đến với Nha Trang – Khánh Hòa không chỉ để ngắm non cao, biển rộng, mà còn bị thu hút bởi tình đất, tình người của người dân nơi đây như thể để đón người thương đi về!
. “Gạt chân chống lên!”
Năm 1990, lầu đầu tiên tôi nhảy tàu vào Nha Trang chơi. Cô bạn thân, cũng là dân Bắc, vào Nha Trang trước đó mấy năm, không ngớt quảng cáo cho phố biển, đến mức người không quen nghĩ cô này sinh ở đây. Buổi tối, tôi quyết định dạo phố trên chiếc xích lô của một bác luống tuổi. Lên xe, chợt áy náy thấy bác hom hem, e không chở nổi suốt buổi?. Hai đứa lẳng lặng bấm nhau ngồi nhin nhín, những mong xe… bớt nặng!. Nhưng bác xích lô cứ túc tắc đạp, rổn rảng giới thiệu: chỗ này lầu Bảo Đại, Hòn Một, Hòn Chồng, núi Cô Tiên, nơi kia nhà thờ Núi, chùa Phật Trắng… Sau này, đọc cuốn Xứ Trầm Hương của Quách Tấn, thấy quen quen. Ngẫm mới nhớ, tôi quen Nha Trang từ cái dạo ngồi xe của bác xích lô nọ.
Niềm vui trao và nhận (tại UBND phường Vạn Thắng, Nha Trang)

Niềm vui trao và nhận (tại UBND phường Vạn Thắng, Nha Trang)

Hôm sau, hai đứa ra Viện Hải dương học chơi. Đang vi vu trên đường Trần Phú, tiếng một cô gái lảnh lót: “Cô ơi, gạt chân chống lên!”. Đã thành phản xạ có điều kiện, tôi nhìn xuống chân chống: “Ồ, chưa gạt thật!”. Vội gạt chân chống, rồi quay sang cô gái định cảm ơn, nhưng xe đã chạy xa!. Tự dưng, tôi nhớ tới những lần ở quê, sau lời nhắc gạt chân chống là tiếng cười khoái trá khi thấy tôi quýnh quáng gạt hụt cái chân chống vốn đã yên vị!. Cảm giác áy náy vì nợ lời cảm ơn cô gái trẻ cứ còn mãi!. 
Một lần, trên đường 23-10, chiếc xe khách biển số ngoại tỉnh chạy qua, một chiếc mũ đáp xuống đất. Vài giây sau, chiếc xe máy biển 79 đã trờ tới. Anh thanh niên chở giỏ bánh mì to tướng lượm mũ, hướng về chiếc ô tô đi rất chậm trước dòng người đông đúc, đặt mũ vào cánh tay chìa sẵn, rồi phóng vút đi, để lại sau anh ánh mắt bối rối vì chưa kịp cảm ơn, như tôi năm nào. 
. Thiện nguyện…
Tôi chuyển vào Khánh Hòa làm việc. Mấy đồng nghiệp nhỏ to: “Nhậu!”. Thì đi, tất nhiên có “lễ ra mắt” rồi; ngoài Bắc cũng vậy. Vào quán, gọi xong, anh lớn tuổi nhất gập quyển menu, bình thản: “Cam-pu-chia” nghen!”. Tất cả gật đầu cái rụp, ồn ào: “Ố kề!”; mỗi tôi ngớ người. Sao kỳ vậy ta? Cái vụ này khác ngoài Bắc nè. Bữa nhậu đó, tôi được “bồi dưỡng cấp tốc” về cách sống nơi đây. Cả nhóm còn nhắc nhau ăn hết; cuối buổi lại kêu phục vụ gói đồ dư mang về. Chào tạm biệt, anh lớn tuổi nhất nói đơn giản: “Trong đây vậy. Tiêu tiết kiệm, hào phóng đúng lúc, dành giúp người khác”. 
Cơ quan gây quỹ giúp một số hoàn cảnh khó khăn, nhưng tôi ít để ý người tới ủng hộ, chắc họ là mấy cô, bác kinh doanh giàu có thôi. Một lần, tới cơ quan sớm, tôi gặp cụ già nhờ chỉ chỗ tiếp nhận tiền ủng hộ. Cụ giãi bày: “Hàng tháng, tui trích lương hưu đi ủng hộ. Tháng này được đi 2 lần, vì thêm khoản con gửi cho ông bà đi du lịch. Mình già rồi, đi lại mệt, chi bằng giúp người khác”.
Ngày nghỉ, cậu bạn rủ đi cà phê. Đang “tám” hăng hái thì một cụ ông tới, mời mua vé số. Không ngừng nói, cậu bạn rút liền 2 tờ vé số rồi móc tiền trả. Nhưng chợt cậu ngưng lời khi thấy bàn tay co quắp của cụ ông vuốt lại tờ tiền. Cậu lẳng lặng với xâu vé số bóc. 1 vé, 2 vé, 3 vé – trúng!. Cậu cười lớn, hào hứng đổi giải thưởng thành vé số và bóc tiếp: 1, 2, 3, 5 vé… Một lúc, mặt bàn đầy rác vé số. Bóc hết xâu vé số, không thắng thêm, nhưng cậu thanh toán hồ hởi lắm. Khi cụ ông đi khuất, cậu nói nhỏ: “Mua giùm, cụ mới vui!”.
Ở lâu, đi nhiều, tôi nhận ra, mọi người luôn tìm cách giúp nhau. Bà bán quần áo vừa kêu ế ẩm, thấy ông xe thồ lóc nhóc 3 con, bỗng than mệt, rồi nằn nì thuê ông xe thồ chở đồ. Cô bán bánh mì đặt thùng nước uống miễn phí; công chức, viên chức nấu cháo, cơm từ thiện; thầy thuốc khám bệnh miễn phí… Một lần, cô con gái hồ hởi khoe: “Mai lớp con đi quét rác ở chợ Đầm. Chưa lớp nào làm luôn!”. Tự dưng, thấy vui vui lạ! 
… và miễn phí
Nhóm bạn rủ lên miền núi chụp ảnh chân dung miễn phí cho bà con dân tộc thiểu số, tôi nhận lời, lòng chắc mẩm đi picnic là chính, chứ bà con… cần gì hình!.
Sau tiếng rưỡi chạy xe máy, cả đoàn tới Khánh Thượng (Khánh Vĩnh). Cuối năm, trời se sắt lạnh, gió lồng lộng. Nhưng sân trường đông như ngày hội. Mấy cô học trò lớn e thẹn nép bên hành lang chờ. Các cậu lớp 1, lớp 2 hồn nhiên la toáng báo hiệu khi nghe tiếng xe máy. Hầu hết đều nhem nhuốc, nhưng ánh mắt rờ rỡ hân hoan. Cả sáng, nhóm phó nháy lăn lê bò toài, lang thang vào bản năn nỉ mấy cụ già, lẽo đẽo theo sau mấy cậu nhỏ tinh nghịch… chỉ để nháy được khoảnh khắc “đời” nhất. Bữa trưa, các tay máy chia nhau mấy ổ bánh mì mang theo, rồi lại xoành xoạch chụp… Cô học sinh lớp 7 người Raglai, da nâu, mắt to, mi cong vút, nâng niu tấm hình mới nhận, bẽn lẽn: “Hình chân dung đầu tiên của con…”. Chợt thấy sống mũi cay cay!.
Buổi trưa, tôi chở con đến trường, vừa định quay xe thì hai nữ du khách Hàn Quốc vẫy, xòe hình chụp quán nướng ngói. Chỉ trỏ diễn tả một hồi mấy lần cua, quẹo để tới đường Tô Hiến Thành, tôi nhận ra họ không hiểu!. Vừa may, cô bạn chở con đi học tới. Tôi ngoắc lại, rồi ra hiệu 2 cô gái lên xe. Xe dừng, một cô móc ví, nói gì đó bằng tiếng Hàn. Tôi lắc đầu. Cô vẫn cố ấn tờ 500.000 đồng. Chúng tôi xua tay: “Free!” rồi phóng xe đi, vẫn kịp thấy ánh mắt ngỡ ngàng, mái đầu khẽ cúi cảm ơn và những tiếng líu ríu gì đó. Tự dưng, trong tôi tràn ngập cảm giác lâng lâng khó tả, còn dễ chịu hơn khi được giúp. Sao kỳ vậy ta? Cô bạn ngó tôi, cười chọc quê: “Quảng bá Khánh Hòa thân thiện với quốc tế ghê ha?!”. Đùa chắc, Khánh Hòa thân thiện, đâu cần tôi quảng bá!.
THIỀU HOA

Theo: Báo Khánh Hòa