Ngày 6/6, Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng) cho biết đã ra quyết định xử phạt 15 triệu đồng đối với Trần Văn Quảng (30 tuổi, quê quán xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế, hiện đang tạm trú tại tổ Thái An, Thái Phiên, phường 12, thành phố Đà Lạt) vì hạ độc cây thông rừng để chiếm đất sản xuất.
Ngoài ra, đối tượng trên phải chịu hình phạt bổ sung là trồng lại diện tích rừng đã bị phá.
Ông Đồng Văn Lâm, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Lạc Dương cho biết ngày 25/4/2019, Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim đã bắt quả tang Trần Văn Quảng đang tiến hành hạ độc rừng thông ba lá 50 năm tuổi tại lô D, khoảnh 1, tiểu khu 144A, thuộc địa bàn xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, bên cạnh Quốc lộ 27C, tuyến đường từ thành phố Đà Lạt đi thành phố Nha Trang.
[Điều tra mở rộng vụ hàng nghìn cây thông ở Lâm Đồng bị hạ độc]
Tại hiện trường, có 22 cây thông, đường kính 30-60 cm đã bị khoan lỗ vào gốc và bơm thuốc độc khiến cây chết đứng.
Khối lượng gỗ bị thiệt hại gần 12m3, diện tích đất rừng bị phá và lấn chiếm gần 1.300m2.
Ngày 6/5/2019, Hạt Kiểm lâm Lạc Dương đã ra quyết định xử phạt đối tượng trên 15 triệu đồng, tịch thu tang vật vi phạm.
Lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Lạc Dương cũng cho rằng hiện tại, cơ quan chức năng đang áp dụng các biện pháp xử phạt theo Nghị định 157 hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng.
Về mức xử phạt, số tiền phạt so với thiệt hại tài nguyên rừng trong trường hợp này là chưa thỏa đáng.
Trên thực tế hiện nay, nhiều đối tượng khi bị lập biên bản xử phạt, đã bỏ đi khỏi nơi cư trú khiến cơ quan chức năng không thể cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt, nhất là hình phạt bổ sung khắc phục hậu quả, trồng lại rừng.
Trong khi đó theo quy định, mức độ vi phạm phá từ 3.000m2 rừng trở lên mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tạm giữ đối tượng vi phạm hoặc cấm đi khỏi nơi cư trú.
Để bảo vệ diện tích đất rừng trên không bị lấn chiếm lại, Hạt Kiểm lâm Lạc Dương đã tham mưu cho Ủy ban Nhân dân huyện, chỉ đạo đơn vị chủ rừng là Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim chủ động trồng lại diện tích rừng trên, kinh phí trồng lại rừng sau này sẽ thu từ tiền phạt đối tượng vi phạm. Bởi lẽ, nếu để chờ đối tượng vi phạm tự trồng lại thì chưa biết đến bao giờ mới có thể thực hiện.
Trước mắt, huyện sẽ hỗ trợ chủ rừng số cây giống để trồng lại diện tích rừng đã bị phá trên./.
Chu Quốc Hùng (TTXVN/Vietnam+)
Theo: Viet Nam Plus