Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Xử lý nghiêm vi phạm để hạn chế phân lô, bán nền tràn lan

Tiến sĩ Lê Xuân Thân – Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Giám đốc Chi nhánh Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam tại Khánh Hòa, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh trả lời phỏng vấn Báo Khánh Hòa.

– Ông đánh giá như thế nào về thực trạng phân lô, bán nền đang diễn ra hiện nay tại các địa phương trên cả nước?



Tiến sĩ Lê Xuân Thân – Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Giám đốc Chi nhánh Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam tại Khánh Hòa, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh


– Trừ các trường hợp phân lô, bán nền, tách thửa đúng quy định của pháp luật thì có thể nói, các trường hợp còn lại là tình trạng vi phạm pháp luật tương đối phổ biến ở hầu hết các địa phương.


Trong lĩnh vực đất đai, Nghị định 148/2020/NĐ-CP ngày 18-12-2020 của Chính phủ sửa đổi Điều 41 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15-5-2014 của Chính phủ có quy định về việc phân lô, bán nền, nhưng chỉ giới hạn đối với trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê mà thôi. Nghị định quy định các điều kiện cụ thể để thực hiện việc phân lô, bán nền như: Dự án nào được chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo phương thức phân lô, bán nền phải được UBND cấp tỉnh công bố công khai; chủ đầu tư phải hoàn thành việc xây dựng cơ sở kết cấu hạ tầng (kỹ thuật, dịch vụ, xã hội); phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính… Việc phân lô, bán nền không đúng quy định nêu trên đều là hành vi vi phạm pháp luật, cần được xem xét, xử lý để đảm bảo việc quản lý có hiệu quả tài nguyên đất đai của cả nước.

– Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng phân lô, bán nền vi phạm tràn lan, thưa ông?


– Đó là do sự buông lỏng quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai của cơ quan chuyên trách và chính quyền các cấp. Do buông lỏng quản lý nên hành vi chiếm dụng trái phép đất đai, lấn chiếm đất đai, san ủi đất đồi núi, đất nông nghiệp, tự chuyển mục đích sử dụng đất trái phép… không phát hiện, xử lý kịp thời… dẫn đến tình trạng vi phạm tràn lan. Mặt khác, việc xử phạt hành vi vi phạm hành chính chưa nghiêm cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

– Thưa ông, phải chăng quy định về tách thửa dễ dàng và thuận lợi theo quy định của pháp luật đất đai hiện nay là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên?


– Điều đó không đúng! Đây là hai nội dung hoàn toàn khác nhau. Tách thửa đất là để bảo đảm quyền của người sử dụng đất khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất, khi được chia thừa kế quyền sử dụng đất, khi chia quyền sử dụng đất cho các thành viên trong gia đình… với diện tích tối thiểu theo quy định của UBND cấp tỉnh. Lô đất muốn tách thửa phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; phải thuộc trường hợp đất không có tranh chấp, không bị kê biên để đảm bảo thi hành án; đất còn trong thời hạn sử dụng. Còn việc phân lô, bán nền như đã nêu trên luôn gắn liền với dự án đầu tư kinh doanh nhà ở. Do đó, không có cơ sở để cho rằng việc cho tách thửa thuận lợi dẫn đến tình trạng phân lô, bán nền tràn lan.

– Theo ông, giải pháp nào để chấn chỉnh tình trạng vi phạm pháp luật nêu trên để bảo đảm hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đất đai?


– Các nghị định xử phạt vi phạm hành chính về đất đai, xây dựng, kinh doanh bất động sản trái phép đã có đầy đủ. Các cơ quan được pháp luật giao thẩm quyền phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Các hành vi lấn chiếm đất đai; san ủi đất trái phép; chuyển quyền sử dụng đất, sử dụng đất trái với quy định của pháp luật về đất đai… phải bị xử phạt vi phạm hành chính nghiêm khắc. Hành vi sử dụng đất đai trái phép có dấu hiệu tội phạm phải xem xét khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo quy định tại Điều 228 Bộ luật Hình sự. Kết quả xử phạt vi phạm hành chính và xét xử hình sự phải được công khai, tuyên truyền rộng rãi trong xã hội.


Bên cạnh đó, theo tôi cần xử lý nghiêm hành vi buông lỏng quản lý đất đai của các cơ quan và người có thẩm quyền được giao, để xảy ra tình trạng vi phạm đất đai tại địa phương. Điều 208 Luật Đất đai 2013 quy định rất rõ trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai. Trong đó, vai trò của chính quyền cơ sở xã, phường, thị trấn rất quan trọng. Tại khoản 2, Điều 208 Luật Đất đai 2013 quy định “Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, phát hiện và áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại trình trạng của đất trước khi vi phạm”.


Nếu chúng ta làm nghiêm, xử lý đâu ra đó, xử lý vi phạm không có “vùng cấm”, công khai và công bằng, tôi tin rằng sẽ sớm chấm dứt tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai như hiện nay.

– Xin cảm ơn ông!


P.V (Thực hiện)

 

 

Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/moitruong-dothi/202207/xu-ly-nghiem-vi-pham-de-han-che-phan-lo-ban-nen-tran-lan-8256922/