Hơn 300 hộ dân xóm Mũi, thôn Thành Đạt, xã Phước Đồng, TP. Nha Trang đã nhiều năm nay sống trong tình trạng thiếu nước sạch. Đặc biệt thời gian gần đây, nước sạch càng khan hiếm hơn nên hàng ngày người dân phải vất vả đi mua nước giá cao về dùng.
Gánh từng thùng nước về dùng
Mấy tháng nay, người dân xóm Mũi ngoài giờ đi làm, phải tranh thủ giữa trưa, sáng sớm hoặc chiều tối để đi mua nước giá cao gánh, chở về dùng.
Ông Ngô Sương, nhà ở xóm Mũi cho biết, để có nước sạch dùng, ông phải đi mua nước từ các hộ có nước máy cách xa nhà khoảng 500m với giá 2.500 đồng/1 can 30 lít, thời gian gần đây đã tăng lên 5.000 đồng/1 can. Hôm nào đi mua cũng phải đi từ sáng sớm, xếp hàng đợi, ai đến trước thì được lấy trước. “Nhà tôi 4 khẩu, một lần mua 10 can được 300 lít, dù dùng hết sức tiết kiệm nhưng chưa tới 3 ngày là hết. Tính ra 1 tháng dùng hết 300.000 – 400.000 đồng tiền nước. Còn quần áo bẩn không có nước giặt phải dồn vô bao, rồi xách lên nhờ mấy nhà có nước giặt giúp với giá 30.000 đồng/bao”, ông Sương nói.
Bà Mai Thị Xuân ở cùng xóm ông Sương cho hay, nhà bà ở sát con suối. Trước đây, nước tắm giặt người dân quanh vùng đều lấy từ con suối về, nước mua về chỉ dùng để nấu ăn với uống nên đỡ tốn kém. Bây giờ, suối bị san lấp không còn nước nên người dân phải đi mua nước nhiều hơn. “Tôi không biết đi xe, lúc nào có chồng, con trai ở nhà thì đi mua rồi chở về, còn một mình thì tôi phải đi gánh, rất cực, hứng nước mưa dùng thì khi có khi không”, bà Xuân nói.
Những người dân sống lâu năm ở xóm Mũi kể, những năm trước đây họ tắm giặt, vệ sinh đều nhờ nguồn nước của các con suối ở trên núi chảy xuống biển. Những con suối này, 4 mùa chảy róc rách nên lúc nào người dân cũng có nước dùng. Người dân mua nước chỉ để nấu ăn và uống nên đỡ tốn kém. Còn bây giờ, qua mấy mùa lũ quét, các dòng suối bị san lấp, tắt luôn dòng, không có nước chảy để sinh hoạt. Việc mua nước sạch để uống cũng ngày càng khó khăn hơn. Trước đây, những người cho đấu nối nước thì người dân trả phí khoảng 18.000 đến 20.000 đồng/khối. Nhà nào dùng ít thì mua với giá 2.000 đồng/can 30 lít. Còn hiện nay, qua mấy mùa lũ càn quét, hệ thống ống nước bể, đứt, nghẹt, người dân không có tiền khôi phục nên nước không còn về tận nhà. Từ đó, nhà nào cũng đi mua nước, dẫn đến giá nước tăng cao. Hiện nay, 1 can 30 lít tăng lên 5.000 đồng, xe chở nước đến bán tận nơi tăng lên từ 150.000 đến 200.000 đồng/m3, nhưng tranh nhau, có tiền chưa chắc đã mua được. Ai già cả gánh không được, vừa phải bỏ tiền ra mua nước, vừa phải bỏ tiền ra thuê người gánh với giá 10.000 đồng/đôi can. “Người dân nghèo chúng tôi ở đây bây giờ khổ chi mà khổ dữ. Giếng thì đào không được do gặp đá bàn. Đợt lũ vừa qua, nhà tan tành, hệ thống ống nước cũng tan tành, suối thì tắt. Làm không ra tiền, đi mua nước phải canh đi giữa trưa mà có lúc không có giọt nào. Người ta thanh niên trẻ còn chở, gánh được, tôi già với thằng cháu nội nhỏ thì phải xỏ thùng vô khiêng. Vì vậy, mỗi lần tắm, tôi phải nhắc cháu chỉ được dùng từ 3 đến 5 ca thôi, mà ứa nước mắt”, bà Huỳnh Thị Thừa – người sống lâu năm ở xóm Mũi than thở.
Dễ phát sinh dịch bệnh
Ông Bùi Cao Pháp – Phó Chủ tịch UBND xã Phước Đồng cho biết, khu dân cư xóm Mũi từ bao nhiêu năm nay hình thành tự phát với hơn 300 hộ sinh sống. Đời sống người dân gặp nhiều khó khăn do thiếu nước sạch sinh hoạt. Từ khi bị mấy mùa lũ càn quét, đời sống người dân càng khó khăn hơn do hệ thống ống nước bị hư hỏng, các con suối bị bồi lấp. Tuy nhiên, do nằm ngoài quy hoạch nên Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Khánh Hòa chưa thể cung cấp nước sinh hoạt cho người dân. Lâu nay, người dân dùng nước sạch bằng cách đấu nối nhờ ống nước của một số hộ ở khu dân cư Hòn Rớ, còn một số hộ tự đi mua nước dùng với giá cao.
Bà Nguyễn Thị Hoa – Phó Trưởng thôn Thành Đạt cho biết, mấy tháng nay, bắt đầu vào mùa nóng, nước sạch về xóm Mũi vô cùng khan hiếm. Vào giờ cao điểm là nước yếu nên người dân không lấy được nước sạch hoặc mua với giá khá cao. Có ngày phải đi xa tới 2km mới mua được nước chở về nhà. Vì vậy, người dân xóm Mũi rất quý nước. Nhà nào cũng trữ nước. Các thùng chứa nước lâu ngày phát sinh nhiều lăng quăng, muỗi gây bệnh sốt xuất huyết. “Ở xóm Mũi đã có mấy ca mắc sốt xuất huyết, có trường hợp mắc bệnh rồi tự hết. Chúng tôi có vận động người dân đổ các thùng nước có lăng quăng nhưng họ nhất quyết không chịu vì giá mua nước cao và đi gánh rất cực”, bà Hoa nói.
Minh Thiết
Theo: Báo Khánh Hòa